Hãng xe Trung Quốc nào đang thành công nhất ở "thánh địa" ô tô châu Âu?

Nhật Minh

(Dân trí) - Đức là thị trường lớn nhất châu Âu, cũng là nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển nhất "cựu lục địa". Tại đây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang có doanh số khiêm tốn nhưng tăng trưởng tốt.

Theo số liệu Hiệp hội ô tô Đức công bố hôm 5/6, đã có 246.966 xe Trung Quốc được đăng ký mới tại Đức trong tháng 5 vừa qua, tăng 19,2% so với tháng 4. Trong đó, xe thuần điện (BEV) chiếm 17,3%, tăng 46,6% so với năm ngoái.

Vị trí số 1 thuộc về MG, thương hiệu ô tô Anh giờ thuộc sở hữu của tập đoàn ô tô nhà nước Trung Quốc SAIC. MG đã bán được 1.780 xe tại Đức trong tháng 5, tăng 117,6% so với năm ngoái và tăng 53% so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng đầu năm, MG đã bán được 6.766 xe tại Đức.

Báo cáo này không liệt kê chi tiết doanh số từng mẫu xe của các hãng nhưng nếu tham khảo kết quả kinh doanh của MG ở Hà Lan, có thể phỏng đoán doanh số lớn nhất đến từ mẫu hatchback thuần điện MG 4, mẫu station wagon thuần điện MG 5, và MG ZS.

Hãng xe Trung Quốc nào đang thành công nhất ở thánh địa ô tô châu Âu? - 1

Mẫu MG 5 station wagon ở Đức được gọi là xe kombi (Ảnh: MG).

Đứng thứ 2 là thương hiệu Polestar, bán được 629 xe, chủ yếu là mẫu Polestar 2 thuộc thể loại liftback đang rất được ưa chuộng ở Đức. So với tháng 4, doanh số của Polestar tại Đức tăng 15% trong tháng 5, còn so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng 36,6%. Cộng dồn 5 tháng, hãng đã bán được 2.208 xe điện tại Đức.

Vị trí thứ 3 thuộc về Lynk & Co, với chính sách cho thuê mẫu SUV hybrid cắm sạc (PHEV) giá 550 EUR/tháng. Trong tháng 5, công ty đã cho thuê được 237 chiếc Lynk & Co 01, tăng 22% so với tháng 4 và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng, hãng đã tiếp cận được 1.546 lượt khách hàng.

Hãng xe Trung Quốc nào đang thành công nhất ở thánh địa ô tô châu Âu? - 2

Mẫu Lynk & Co 01 (Ảnh: Lynk & Co).

Đứng thứ 4 trong số các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại Đức là Great Wall Motor, với doanh số 155 chiếc hatchback thuần điện Funky Cat, tăng 53% so với tháng 4. Doanh số lũy kế 5 tháng đạt 432 xe.

Còn lại, BYD bán được 54 xe, chủ yếu là mẫu Atto 3, tăng 15% so với tháng 4, và Nio bán được 44 chiếc xe điện, tăng 76%. Thương hiệu Lotus của Geely bán được 37 xe, và công ty khởi nghiệp xe điện Aiways bán được duy nhất một chiếc.

Trong khi đó, Tesla bán được 5.265 chiếc xe điện tại Đức trong tháng 5, tăng hẳn 1.696%. Ba thương hiệu ô tô bán chạy nhất ở Đức là VW (43.831 xe, tăng 13% so với năm ngoái), Mercedes-Benz (27.911 xe, tăng 55%), và BMW (27.489 xe, tăng 60%).

Như vậy, MG đang là thương hiệu ô tô Trung Quốc thành công nhất tại Đức, với mẫu MG 4 nhận được những đánh giá tích cực, có chất lượng tốt so với giá bán.

Trong khi đó, Polestar đang có sự phát triển doanh số ổn định, điều không dễ đạt được với một thương hiệu mới có xuất xứ Trung Quốc tại thị trường ô tô bảo thủ như Đức.

Lynk & Co là một minh chứng cho sự khó khăn của thương hiệu mới khi thâm nhập thị trường ô tô Đức. Trong tháng 5, lượng tiêu thụ ô tô ở Đức là gần 250.000 xe du lịch, trong khi con số tương ứng ở Hà Lan là 33.000 xe. Vậy mà ở Hà Lan Lynk & Co đã "chốt đơn" được với 681 khách hàng, gần gấp 3 so với ở Đức (237 xe).

Đức là một thị trường cực kỳ bảo thủ, nhưng lại đang chứng kiến sự bùng nổ doanh số xe điện. Cụ thể, trong năm 2022, theo số liệu do Cơ quan vận tải cơ giới (KBA) của Đức, xe điện chiếm 17,7% tổng tiêu thụ ô tô của nước này, ngang ngửa xe sử dụng động cơ diesel (17,8%).

Và đây được coi là cơ hội cho các thương hiệu ô tô Trung Quốc, với thế mạnh là xe điện.

Theo carnewschina.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm