Hàn Quốc nói gì khi Việt Nam đặt các điều kiện đối với ngành ô tô?
(Dân trí) - Đại sứ quán Hàn Quốc vừa gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ bày tỏ quan điểm của mình về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội, các nước có doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam.
Tham dự cuộc đối thoại này có các đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đại diện của Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam như liên doanh: Toyota, Honda, Ford hay các hãng xe trong nước lớn như Trường Hải - Thaco, Thành Công...
Quy định mới có ảnh hưởng tích cực
Được mời tham dự nhưng phía Hàn Quốc không có đại diện tham gia cuộc đối thoại mà có văn bản gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bày tỏ tôn trọng các chính sách của Việt Nam cũng như cho rằng quyết định này có ảnh hưởng tích cực đến việc đầu tư của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đại sứ quán Hàn Quốc khẳng định: các quy định liên quan đến việc nhập khẩu ô tô từ nước ngoài được Chính phủ Việt Nam ban hành gần đây như Nghị định 116, Thông tư 03 là chính sách nhằm duy trì nền tảng ngành công nghiệp ô tô lắp ráp CKD trong nước đang chịu những điều kiện bất lợi so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN.
Đại sứ quán Hàn Quốc hoàn toàn tôn trọng quy định này. Đặc biệt, các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc dự định mở rộng sản xuất xe ô tô lắp ráp CKD tại Việt Nam và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ quán nhận thấy rằng các quy định mới của Chính phủ có ảnh hưởng tích cực tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc này.
Chi phí sản xuất xe đang bị lợi dụng?
Trước đó, tại buổi đối thoại ngày 26/2 tại Văn phòng Chính phủ, những bất đồng về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh và sản xuất xe hơi tại Việt Nam đã được các bên đưa ra, trong đó các doanh nghiệp nhập khẩu, liên doanh cho rằng quy định: Giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm định xe theo lô hay đường thử 800 mét là phân biệt đối xử, làm khó các hãng nhập khẩu, khiến thị trường xe khan hiếm hoặc đường thử xe 800 mét không liên quan đến chất lượng xe.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp lắp ráp xe tư nhân trong nước cho biết quy định về: Giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm định xe theo lô hay đường thử 800 mét là yêu cầu của các nước. Đại diện một DN ô tô lắp ráp trong nước cho rằng không xin xỏ ưu đãi, chỉ xin công bằng.
Hiện, các nhãn hiệu xe Hàn Quốc được lắp ráp và chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam gồm hai thương hiệu lớn là: Hyundai, Kia và Daewoo. Trong đó, Hyundai Kia, Tucson và Santa Fe được chuyển giao cho Tập đoàn Thành Công và sắp tới hãng Hyundai sẽ mở rộng liên doanh tại Việt Nam. Còn với Kia, hầu hết các mẫu xe như: Kia, Cerato, Sorento, Sedona.. đều được lắp ráp bởi Trường Hải - Thành Công.
Ngành ô tô Việt đang chứng kiến hai xu hướng, các liên doanh lớn Toyota, Honda từ bỏ một số mẫu xe vốn lắp ráp số lượng lớn, được người tiêu dùng yêu thích như Fortuner, CR-V vì lý do chi phí sản xuất Việt Nam cao.
Ở chiều ngược lại, rất nhiều hãng xe liên doanh, tư nhân và 100% vốn nước ngoài đã thể hiện rõ quyết tâm, tham vọng lắp ráp số lượng xe lớn tại Việt Nam trong đó có các liên doanh giữa Hyundai và Thành Công, Trường Hải với Kia, với Mazda, đến TCIE doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Nissan tại Việt Nam, rồi mới đây là Mitsubishi quyết tâm "Việt hoá" mẫu xe chiến lược Outlander giá trên 800 triệu đồng/chiếc thay vì nhập khẩu từ Nhật Bản với giá đắt đỏ.
Rõ ràng quan điểm về chi phí sản xuất, biên lợi nhuận đang được nhìn nhận khác nhau, nhất là trong bối cảnh Việt Nam miễn thuế hoàn toàn xe nhập từ ASEAN và thị trường tiêu thụ đang ngày càng có doanh số cao hơn khi thu nhập đầu người đang tăng mạnh mẽ.
Nguyễn Tuyền