GM thôi tiêu hoang
(Dân trí) - Muộn còn hơn không, trước làn sóng chỉ trích về việc tiêu xài hoang phí giữa lúc đang khủng hoảng tiền mặt, GM đã có một số động thái xoa dịu dư luận: cắt hợp đồng tài trợ tay gôn Tiger Woods, và hứa rằng CEO sẽ không dùng máy bay công ty tới Washington.
Giống như hình ảnh đôi giày Nike gợi mối liên hệ đến ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, trong tâm trí nhiều người, xe Buick đã gắn liền với hình ảnh Tiger Woods. Đây là điều không thể có được trong một sớm một chiều, mà là nhờ hợp đồng quảng cáo kéo dài ròng rã 9 năm giữa GM với tay gôn xuất sắc nhất mọi thời đại này.
Tuy nhiên, trong nỗ lực cắt giảm chi phí của nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ, hôm qua, 24/11, GM và Tiger Woods đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/12 năm nay. Trong suốt 9 năm thực hiện hợp đồng, Tiger Woods đã quảng bá cho các sản phẩm của GM trên toàn thế giới, và gắn hình ảnh mình với thương hiệu Buick tại Mỹ, Canađa và Trung Quốc.
Về phần mình, tay gôn số 1 thế giới Tiger Woods cho biết anh muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, khi hai vợ chồng anh đang chờ đón đứa con thứ hai chào đời.
Trong khi đó, ông Mark LaNeve, phó chủ tịch phụ trách bán hàng, dịch vụ và marketing của GM ở khu vực Bắc Mỹ, cho biết quyết định chấm dứt hợp đồng với Tiger Woods là kết quả của các cuộc thảo luận đã bắt đầu từ trong năm và việc nó được công bố vào đúng thời điểm khó khăn này chỉ là một sự trùng hợp.
Thương hiệu Buick đã đi theo Tiger Woods tới nhiều nơi trên thế giới
Trong một động thái khác, chủ tịch kiêm CEO của GM, ông Rick Wagoner cho biết sẽ không dùng máy bay riêng của công ty như lần trước để tới Washington tham gia phiên điều trần mới trước quốc hội trong tháng tới về khoản vay 25 tỷ USD.
Ngay cả các nghị sĩ ủng hộ ngành chế tạo xe hơi Mỹ cũng cho rằng CEO của ba nhà sản xuất lớn nhất - GM, Ford và Chrysler - không nên một lần nữa dùng máy bay của công ty để tới Washington thuyết phục quốc hội cho vay tiền.
Nhiều thành viên của quốc hội, trong đó có người phát ngôn của Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo đảng dân chủ tại Thượng viện Harry Reid, cũng lên tiếng chỉ trích việc sử dụng máy bay lần trước của 3 CEO.
Trước làm sóng phản ứng dữ dội, tuần trước GM tuyên bố đã trả lại 2 trong tổng số 7 chiếc máy bay công ty mà họ đi thuê, đồng thời thông báo sẽ tiếp tục trả lại thêm hai chiếc nữa trong thời gian tới. Công ty cũng cho biết họ đã giảm việc đi lại bằng máy bay riêng của công ty.
Trong khi đó, Ford tuyên bố sẽ cân nhắc việc bán một số hoặc toàn bộ 5 chiếc máy bay hiện có của công ty.
Năm ngoái, GM đã chi 256.793 USD vào việc sử dụng máy bay công ty cho mục đích cá nhân của CEO Rick Wagoner, giám đốc Fritz Henderson và phó chủ tịch Bob Lutz. Đây là 3 nhân vật cấp cao được hội đồng quản trị của GM khuyến khích sử dụng máy bay công ty cho các chuyến công tác hoặc di chuyển cá nhân, nhằm tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn, khi tập đoàn có hoạt động ở 34 quốc gia trên thế giới. Thậm chí, GM còn cho phép vợ của 3 ông được sử dụng máy bay của công ty.
Ford năm ngoái cũng đã chi tới 752.203 USD cho riêng CEO Alan Mulally sử dụng máy bay công ty vào mục đích cá nhân và có thể đi cùng gia đình cũng như các khách mời.
Ford còn cho phép vợ, con và khách mời của ông Mulally sử dụng máy bay công ty cho các chuyến đi cá nhân không có ông đi cùng. Việc này nhằm giúp ông Mulally yên tâm công tác dù vợ con sống ở Seattle, Washington, trong khi ông làm việc ở đông nam Michigan.
Trong khi đó, Chrysler hiện không còn sở hữu máy bay công ty. Tập đoàn này bắt đầu bán máy bay riêng vào năm 2001, trong nỗ lực cải tổ khi vẫn còn thuộc về DaimlerChrysler AG. Hai chiếc máy bay cuối cùng của công ty đã được bán vào tháng 1 năm nay, theo lời bà Shawn Morgan, người phát ngôn của Chrysler.
Hiện tại, Chrysler thuê máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại của lãnh đạo cấp cao khi cần thiết.
Nhật Minh
Theo Detnews, AP