GM cố tình đẩy Saab vào cảnh phá sản?

(Dân trí) - Spyker NV, doanh nghiệp Hà Lan sở hữu thương hiệu ô tô Saab, đã đệ đơn lên toà án Mỹ, kiện đòi GM bồi thường 3 tỷ USD vì cố ý đẩy Saab đến chỗ phá sản.

Theo Spyker, các hành động của GM là có chủ đích đẩy Saab đến chỗ phá sản vào tháng 12 năm ngoái. Spyker đã đệ đơn kiện lên toà án liên bang ở Detroit, tiểu bang Michigan, nơi GM đặt trụ sở.

 
Toà nhà trụ sở GM tại

Toà nhà trụ sở GM tại Detroit (Ảnh: Getty)

 

Spyker cáo buộc GM gây trở ngại cho một giao dịch với các nhà đầu tư Trung Quốc mà lẽ ra sẽ giúp Saab tái cơ cấu và duy trì hoạt động.

 

Saab đã phải ngừng sản xuất xe từ năm ngoái và đệ đơn xin làm thủ tục phá sản vào tháng 12. Saab không có lãi trong gần hai thập kỷ, và GM đã bán thương hiệu này cho Spyker vào tháng 2/2010, sau 10 năm sở hữu.

 

“Kể từ khi buộc phải làm thủ tục phá sản cho Saab vào tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã quyết thu thập tài liệu để khởi kiện GM, yêu cầu tập đoàn này phải bồi thường cho  Spyker và Saab về tổn thất nặng nề do những động thái phi pháp của GM gây ra,” CEO Victor Muller của Spyker cho biết.

 

Spyker đòi GM phải bồi thường ít nhất 3 tỷ USD.

 

GM lên tiếng

 

“Chúng tôi đã xem xét khiếu kiện của Spyker, và thấy rằng nó hoàn toàn vớ vẩn,” ông Dave Roman, một người phát ngôn của GM cho biết. “Chúng tôi sẽ bảo vệ công ty đến cùng trước những cáo buộc vô căn cứ.”

 

Spyker cho biết, Saab đã suýt có đươc nhiều hợp đồng có thể đảm bảo nguồn tài chính hoặc tái cơ cấu công ty trong thời gian từ tháng 5/2001 cho tới khi công ty phải đệ đơn xin phá sản vào tháng 12/2011. GM đã phá ngang các hợp đồng này bằng cách lợi dụng một điều khoản trong hợp đồng bán Saab năm 2010; theo đó, GM có quyền ưu tiên mua lại Saab.

 

“GM ban đầu đã ra vẻ khuyến khích Saab ký thoả thuận với các nhà đầu tư Trung Quốc để cứu công ty, nhưng sau đó lại tìm cách phá, nhằm đẩy Saab vào cảnh phá sản,” các luật sư của Spyker cho biết.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

(Ảnh: AP)
(Ảnh: AP)

 

Theo Spyker, GM cố ý phá bất cứ hợp đồng rót vốn hay đầu tư nào có thể cứu Saab khỏi phá sản, đơn giản vì GM muốn loại bỏ Saab khỏi cuộc cạnh tranh, đặc biệt là trên thị trường ô tô Trung Quốc.

 

Spyker cho biết, trong điều khoản thoả thuận của hợp đồng bán Saab vào năm 2010, GM cho phép Saab sử dụng các sáng chế của GM trên toàn thế giới để sản xuất xe.

 

Tuy nhiên, thoả thuận này có một điều khoản hạn chế là Saab phải có văn bản chấp thuận trước của GM Global Technology Operations Inc. mới được sản xuất và lắp ráp xe tại Trung Quốc.

 

Spyker cho biết, GM phản đối các thoả thuận với nhà đầu tư Trung Quốc và cho rằng điều khoản này có nghĩa là cần phải có sự chấp thuận của họ thì hai bên mới được xúc tiến thoả thuận. Theo đơn kiện của Spyker, GM không chấp thuận bất cứ thoả thuận nào liên quan đến việc doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát công nghệ mà GM đã được cấp bằng sáng chế.

 

Spyker và Saab đã cố chốt thoả thuận với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Zhejiang Youngman Lotus Automobile Co. mà không có sự chấp thuận của GM. Theo Spyker, khoản vay Youngman dành cho Saab sẽ chỉ được chuyển đổi thành cổ phần sau khi Saab ngừng sử dụng công nghệ của GM cho xe của hãng.

 

Spyker cho biết, GM đã ngăn chặn cả việc này khi tuyên bố rằng cần phải có sự chấp thuận của tập đoàn thì thoả thuận vay vốn Youngman mới được triển khai.

 

Lược sử Saab

 

Saab có trụ sở tại Trollhaettan, phía nam Thuỵ Điển, được GM mua 50% cổ phần vào năm 1990 và nốt nửa còn lại một thập kỷ sau đó. Trong phần lớn thời gian thuộc sở hữu GM, thương hiệu Saab toàn thua lỗ.

 

Giới phân tích cho rằng việc GM dùng các linh kiện, phụ tùng của các xe GM vào lắp ráp xe Saab đã làm hỏng thương hiệu nổi tiếng một thời này.

 

Trong tình hình khó khăn về tài chính, đầu năm 2010, GM đã ký thoả thuận bán thương hiệu Saab cho nhà sản xuất ô tô hạng sang của Hà Lan là Spyker Cars NV.

 

Đến đầu tháng 5/2011, tiếp tục với lý do tài chính, Spyker đã phải đồng ý bán 30% cổ phần Saab cho một công ty ô tô tư nhân nhỏ của Trung Quốc là Hawtai với giá 223 triệu USD, nhưng không được chính phủ nước này thông qua, nên thỏa thuận thất bại.

 

Từ giữa tháng 5/2011, Spyker ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Pang Da Automobile Trade Co., Ltd (Pang Da) về vấn đề tài chính và nhập khẩu xe. Pang Da là nhà phân phối ô tô lớn nhất Trung Quốc, với hơn 1.100 đại lý trên cả nước.

 

Spyker còn ký với công ty ô tô Zhejiang Youngman Lotus Automobile của Trung Quốc thỏa thuận bán 29,9% cổ phần với giá 193 triệu USD.

 

Ngày 28/10, Spyker cho biết đã ký biên bản ghi nhớ về việc bán 100% cổ phần Saab Automobile cho Youngman và Pang Da với giá dự kiến 100 triệu euro. Biên bản ghi nhớ có hiệu lực đến ngày 15/11, với điều kiện Saab vẫn ở trong tình trạng tái cơ cấu.

 

Đến ngày 15/11, dù thời hạn hiệu lực đã hết mà chưa có thoả thuận cụ thể được thông qua. Vướng mắc nằm ở quyền phủ quyết của GM.

 

GM thể hiện sự lo ngại về việc Saab quá gần gũi với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ ở Trung Quốc, trong khi nhiều công nghệ mà Saab đang sử dụng là của GM.

 

Sau nhiều tháng xoay xở nhưng không đi đến đâu, ngày 19/12/2011, Saab đã đệ đơn lên toà án ở Thuỵ Điển xin làm thủ tục phá sản doanh nghiệp.

 

Tháng 6/2012, theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn xe chạy điện quốc gia Thụy Điển National Electric Vehicle Sweden AB, do công ty đầu tư Sun Investment của Nhật và công ty xây dựng nhà máy điện năng lượng mới National Modern Energy Holdings Ltd. ở Hồng Kông kiểm soát, đã đồng ý mua lại thương hiệu Saab để chuyển đổi thành doanh nghiệp sản xuất xe chạy điện.

 

Tập đoàn National Electric Vehicle Sweden AB chỉ vừa mới được thành lập với mục đích duy nhất là mua Saab.

 

Nhật Minh

Theo Bloomberg