Giới thượng lưu Trung Quốc “khát” xe sang
(Dân trí) - Những Ferrari, Lamborghini, Aston Martin, Rolls-Royce... đều đang cười nụ trước kết quả kinh doanh lạc quan ngoài sức tưởng tượng ở Trung Quốc. Thị trường xe sang ở Vancouver, Canada, cũng đang sôi động nhờ những người Hoa giàu có nhập cư...
“Tôi đã làm việc tại Mercedes-Benz gần 14 năm. Cách đây 14 năm, trên toàn đất nước Canada, tổng tiêu thụ xe Mercedes chỉ đạt khoảng 4.000 chiếc. Giờ đây, chúng tôi có thể chờ đợi con số hơn 23.000 xe trên toàn Canada,” anh Lu cho biết.
“Họ - những người Trung Quốc mới nhập cư - thực sự có vai trò lớn. Có lẽ họ góp hơn 40% trong sự tăng trưởng này. Còn nếu nói về vai trò của toàn bộ cộng đồng người Hoa trong kết quả kinh doanh của Mercedes-Benz thì phải là hơn 60%,” anh Lu nói cho biết. Anh hiện làm cho Mercedes ở Bắc Vancouver, một trong những khu vực thịnh vượng nhất của Canada và có nhiều người Trung Quốc nhập cư sinh sống.
Năm ngoái, Rolls-Royce đã khai trương đại lý độc lập đầu tiên của hãng ở Vancouver. Andrew Mortimer-Lamb, Giám đốc bán hàng của Rolls-Royce Vancouver, cho biết công ty đã cực kỳ thành công, với doanh số 23 xe ngay trong năm đầu tiên. Trong tháng 6 và tháng 7 năm nay, đại lý Vancouver đã đứng thứ 3 về doanh số của Rolls-Royce ở Bắc Mỹ.
“Có khá nhiều người mới nhập cư vào Canada mua xe. Có lẽ khoảng 45% đến 50% khách hàng của chúng tôi mới tới sinh sống ở Vancouver. Nhưng chúng tôi cũng có một tỷ lệ lớn khách hàng trung thành lâu năm.”
Theo ông Mortimer-Lamb, một lý do quan trọng khiến nhiều người Trung Quốc giàu có mới nhập cư thích mua xe Rolls-Royce là giá xe ở Canada rẻ hơn nhiều so với ở nước họ.
Tại Trung Quốc, ô tô nhập khẩu có động cơ dung tích lớn hơn 4.0L phải chịu thuế nhập khẩu 25%, thêm 17% thuế giá trị gia tăng và 40% thuế tiêu thụ.
Hiện nay, một chiếc Rolls-Royce Phantom có giá từ 6,6 triệu nhân dân tệ (1,03 triệu USD) tại Trung Quốc, trong khi một chiếc Phantom Drop Head có giá từ 545.490 USD ở Vancouver.
“Hầu hết khách hàng của chúng tôi mới định cư ở Vancouver và trước đây chưa từng sở hữu xe Rolls-Royce, một phần tôi nghĩ là do giá xe ở nước họ đắt quá, nên họ thấy thích thú với giá xe ở đây và họ muốn được sở hữu ngay,” ông Mortimer-Lamb nói.
Fred Lam, Giám đốc marketing của BMW Store trên đường Burrard ở Vancouver, cho biết doanh số của BMW hiện rất khả quan, dù Canada vẫn đang phải chống chọi với những ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, ngay cả khi giá ô tô cao gấp đôi ở Canada, những Ferrari, Lamborghini, Aston Martin, Rolls-Royce... đều đang hỉ hả với kết quả kinh doanh lạc quan ngoài sức tưởng tượng.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IHS Automotive (Mỹ), năm 2010, tại Trung Quốc có 727.227 xe sang. Con số này có thể tăng lên 909.946 xe trong năm nay, và 1,6 triệu xe vào năm 2015.
Theo thông tin báo chí, hiện có hơn 1.000 xe Ferrari đang lưu thông ở Trung Quốc - nơi có thể trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới của hãng.
Năm ngoái, Aston Martin bán được hơn 120 xe tại Trung Quốc, với mức tăng trưởng doanh số năm trung bình là 50% trong mấy năm qua.
Theo kết quả khảo sát của công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Company, khách mua hàng cao cấp ở Trung Quốc trẻ hơn nhiều so với khách hàng ở các nước khác. Ở Trung Quốc, đối tượng khách hàng này thường từ 18-24 tuổi, trong khi ở Anh, nhóm khách trong độ tuổi đó chỉ chiếm chưa đến 30%.
Ngoài ra, khoảng 25% khách hàng thượng lưu ở Trung Quốc sẵn sàng mua mà không cần các chương trình giảm giá, còn tỷ lệ ở châu Âu chỉ là 6%.
CEO Amedeo Felisa của Ferrari cho biết, tiềm năng của thị trường Trung Quốc gần như không có giới hạn, và công ty rất coi trọng thị trường này.
Một đại lý xe thể thao ở Thượng Hải tiết lộ với phóng viên Xinhua rằng các khách mua xe sang ở Trung Quốc trẻ và giàu có. Họ thích phô trương. Họ thường chọn phiên bản đặc biệt hoặc giới hạn số lượng của các mẫu xe, dù giá của các phiên bản này thường đắt hơn nhiều so với bản tiêu chuẩn. Ô tô với thiết kế và màu sắc thời thượng luôn hấp dẫn họ.
Nhiều nhà quan sát thị trường đã tổng kết về tâm lý tiêu dùng của giới trẻ thượng lưu ở Trung Quốc như sau: “Cứ đắt là mua”.
Nhật Minh
Theo Xinhua