e-Power - Công nghệ động cơ tiềm năng tại Việt Nam và khu vực

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Với khả năng tự làm đầy pin mà không phụ thuộc trạm sạc, trong khi vẫn sở hữu những điểm mạnh của xe điện, động cơ e-Power được Nissan ứng dụng trên một số mẫu xe mở ra tiềm năng to lớn cho xu hướng di chuyển mới.

Điện hóa là xu hướng của thị trường xe toàn cầu và hầu hết các hãng ô tô đều có những động thái cho sự chuyển dịch này. Tuy nhiên, mỗi nhà sản xuất lại xây dựng cho mình lộ trình riêng bởi hiện nay vẫn còn khoảng trống khá lớn giữa xe động cơ đốt trong và xe thuần điện. Một trong số đó là hạ tầng trạm sạc, khoảng cách di chuyển với mỗi một lần sạc pin.

Đây cũng là lý do Nissan - một trong những "ông lớn" trong ngành ô tô đến từ Nhật Bản, đã phát triển công nghệ e-Power như một "lớp đệm" cho quá trình chuyển đổi này.

e-Power - "con lai" mang gene trội của cả động cơ xăng và điện

e-Power - Công nghệ động cơ tiềm năng tại Việt Nam và khu vực - 1
Cơ chế hoạt động của động cơ e-Power, so sánh với xe thuần điện và hybrid (Ảnh: VAD).

e-Power phát triển dựa trên nền tảng thuần điện của Nissan Leaf, nhưng được bổ sung động cơ xăng để sạc pin. Công nghệ e-Power gồm có một motor điện công suất cao, pin Lithium-ion, bộ biến tần, động cơ xăng và máy phát điện. Cấu tạo này nghe qua sẽ khiến không ít người lầm tưởng với công nghệ động cơ hybrid.

Tuy nhiên, khác với hybrid thông thường, công nghệ e-Power cung cấp hệ truyền động bằng motor điện hiệu suất cao, các bánh xe được dẫn động hoàn toàn bằng motor điện, không có lực đẩy trực tiếp nào từ động cơ xăng.

Cũng khác với xe thuần điện - vốn phụ thuộc vào nguồn điện bên ngoài, động cơ e-Power lại tự sạc bằng máy phát điện dẫn động trực tiếp bằng động cơ xăng và hệ thống tái tạo năng lượng điện khi người lái nhả chân ga hoặc phanh. Như vậy, công nghệ của Nissan tạo ra một chiếc xe điện mà không phụ thuộc vào trạm sạc, không cần quan tâm sạc một lần đi được bao xa bởi xe xăng đi được tới đâu thì xe dùng e-Power cũng đi được tới đó.

Khắc phục được các nhược điểm của xe thuần điện

e-Power - Công nghệ động cơ tiềm năng tại Việt Nam và khu vực - 2
Xe được trang bị công nghệ e-Power dẫn động hoàn toàn bằng điện nhưng không phụ thuộc vào hạ tầng trạm sạc (Ảnh: Nissan).

Thời khởi điểm của xe động cơ đốt trong, tầm hoạt động của các phương tiện này phụ thuộc vào dung tích bình xăng và mạng lưới trạm xăng. Đến thời của xe điện cũng vậy, quãng đường đi được sau một lần sạc và nơi nào có thể sạc pin cũng là vấn đề lớn. Pin và trạm sạc trở thành nút thắt, muốn khắc phục sẽ cần nhiều thời gian cũng như sự tiến bộ của công nghệ.

Câu chuyện xe thuần điện tại Việt Nam nói riêng và các nước phát triển nói chung lại càng khó. Hạ tầng giao thông, điểm đỗ xe vốn đã hạn chế, lại phải "gánh" thêm áp lực về trạm sạc khi đi xe điện. Đó là chưa kể đến tình trạng tắc đường ở những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, thời tiết cực đoan khiến cho quãng đường di chuyển thực tế của xe điện thấp hơn so với công bố.

Cân nhắc một bài toán đối với pin xe điện, các nhà sản xuất đều khuyến cáo không nên để xe điện xuống dưới 20% pin và hạn chế sạc đầy quá 80% nhằm đảm bảo tuổi thọ cho bộ phận này. Nếu tuân thủ thì khoảng khả dụng với pin xe điện là 60%.

Nếu lệ sử dụng thực tế so với công bố đạt 80% thì với một mẫu xe điện được giới thiệu là đi được 400km sau một lần sạc, quãng được đi tối ưu chỉ là 60% x 400 x 80% = 192km. Với một mẫu xe đổ xăng và chạy điện như Nissan Kicks thì quãng đường đi được sẽ được tính bằng dung tích bình xăng 41L, với mức tiêu hao nhiên liệu tối ưu nhất đạt 2,2L/100Km (thông số từ Cục Đăng Kiểm), sử dụng hết bình nhiên liệu này sẽ đạt được con số 1.864km đường đô thị.

e-Power - Công nghệ động cơ tiềm năng tại Việt Nam và khu vực - 3
Nissan Kicks sử dụng động cơ e-Power, có tầm hoạt động lên tới cả nghìn km mới cần tiếp thêm nhiên liệu (Ảnh: VAD).

Bên cạnh đó, câu chuyện áp lực lên hệ thống điện lưới vốn đang quá tải ở Việt Nam cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn phương tiện. Nhờ khả năng tối ưu, công nghệ của Nissan hoạt động ít chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, đây cũng là ưu điểm có được từ một thương hiệu Nhật thành công rất sớm với xe điện. Trong khi đó, một số dòng xe điện sẽ bị giảm hiệu năng (xuất hiện biểu tượng con rùa, xe đi chậm) hoặc bị ngắt điều hòa ở khoang hành khách khi nhiệt độ môi trường cao, trong những ngày hè tại Việt Nam.

e-Power và tín hiệu tích cực trong khu vực

e-Power - Công nghệ động cơ tiềm năng tại Việt Nam và khu vực - 4
Một phần dây chuyền lắp ráp pin e-Power của Nissan tại Thái Lan, mở ra cơ hội cho những mẫu xe được trang bị công nghệ này với mức giá cạnh tranh hơn (Ảnh: AutoNews).

Năm 2022, Tập đoàn Nissan đã mở nhà máy lắp ráp pin e-Power tại Thái Lan, đưa nơi đây trở thành cứ điểm lắp ráp pin e-Power đầu tiên ngoài Nhật Bản. Bước đi này thể hiện chiến lược đẩy mạnh công nghệ e-Power và tiến xa hơn là tham vọng điện khí hóa của Nissan.

Tháng 3, Nissan công bố chiến lược "X-in-1", mở ra hướng đi mới trong việc tiếp cận và phát triển hệ thống truyền động điện khí hóa.

Theo đó, các thành phần cốt lõi của hệ thống truyền động EV (thuần điện) và e-Power sẽ được chia sẻ và mô-đun hóa các thành phần cốt lõi. Điều này giúp cải thiện hiệu quả sản xuất và giảm khoảng 30% chi phí cho hệ thống truyền động so với năm 2019 và mục tiêu sớm đưa giá xe e-Power ngang với xe động cơ đốt trong. Đồng nghĩa với việc, hoàn toàn sáng cửa cho một chiếc Nissan Kicks e-Power với giá thành hấp dẫn trong tương lai gần. Thực tế, mới đây tại thị trường Thái Lan, mẫu xe này đã được điều chỉnh với mức giá cạnh tranh hơn.

Khách Việt hào hứng khi trải nghiệm công nghệ e-Power

Nói về Nissan Kicks, anh Giang Nguyễn (40 tuổi, sống tại TPHCM) đánh giá đây là mẫu xe có động cơ điện mạnh mẽ, momen xoắn cao và tức thì, không có độ trễ khi đạp chân ga. Hiện anh đã sở hữu xe được hơn nửa năm, lăn bánh trên 10.000km, lượng tiêu hao nhiên liệu thực tế vào khoảng 3,5 lít/100km trên đường đô thị và 5,2 lít/100km trên đường hỗn hợp. "Nissan Kicks có thể tiết kiệm nhiên liệu hơn xe xăng mà vẫn mang sức mạnh của xe điện", anh Giang Nguyễn nói.

e-Power - Công nghệ động cơ tiềm năng tại Việt Nam và khu vực - 5
Ông Nirmal Nair - Phó chủ tịch Nissan, phụ trách các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2022 (Ảnh: Nissan).

Ông Nirmal Nair - Phó chủ tịch Nissan, phụ trách các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng và quan trọng của hãng tại khu vực Đông Nam Á và hãng tự tin về tương lai điện khí hóa tại Việt Nam.

Lãnh đạo của Nissan cũng khẳng định công nghệ e-Power phù hợp với bối cảnh thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ba điểm mạnh của công nghệ này được ông nhắc đến là khách hàng có thể tận hưởng trải nghiệm lái xe điện độc đáo và thú vị mà không cần thay đổi thói quen với e-Power. Hãng cũng sẽ cung cấp thêm lựa chọn cho khách hàng trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, trạm sạc chưa quá phổ biến như hiện nay.

"Các quốc gia trong ASEAN đang ở nhiều giai đoạn khác nhau trong việc áp dụng xe điện. Sự quan tâm của người tiêu dùng và sự tiếp nhận của các mô hình điện khí hóa cũng sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Vì thế, với Việt Nam, việc phát triển xe điện trong tương lai sẽ cần thêm thời gian để khẳng định. Sau cùng, chính khách hàng sẽ là người quyết định sản phẩm phù hợp nhất với mình", ông Nirmal Nair nói.