Giới trẻ Trung Quốc chơi siêu xe:

Định kiến “thế hệ giàu thứ hai” hợm của

(Dân trí) - Ở Trung Quốc, người trẻ cầm vô-lăng siêu xe thường bị định kiến là đám con nhà giàu hư hỏng, thích khoe của. Nhưng một bộ phận trong số họ đang nỗ lực thay đổi điều đó.

10 giờ tối một ngày mùa đông sương giá ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Zhang Kuan, 32 tuổi, đang cùng bạn bè ngồi quanh một quầy thịt nướng bên đường. Phía sau họ là một chiếc Lamborghini màu xanh và một chiếc Ferrari màu đen bóng lộn.

 

“Đừng nghĩ rằng những người lái siêu xe thì không ăn ở các quán vỉa hè,” Zhang, chủ nhân của chiếc Lamborghini, nói.

 

Khi Zhang và bạn bè đang ngồi ăn thịt nướng bên đường thì nhiều người dừng lại trầm trồ trước những chiếc siêu xe, có hai cô gái còn tranh thủ tạo dáng bên xe để chụp ảnh.

 

Nhưng không phải tất cả đều thấy vui, một người qua đường lẩm bẩm chê trách “lũ trẻ nhà giàu khoe của”.

 

Sau hàng loạt vụ tai nạn xe sang liên quan đến con nhà giàu, hay còn gọi là "thế hệ giàu thứ 2", cư dân mạng và báo chí đã tạo ra hình ảnh những người lái xe đắt tiền như “lũ tai ương”, kết quả của sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc.

 

“Họ trở thành mục tiêu công kích của dư luận,” Zhao Weihua, giảng viên Đại học Công nghệ Bắc Kinh, cho biết.

 

Tuy nhiên, Zhang Kuan, chủ một hiệu cầm đồ, cảnh báo rằng việc đơm đặt chuyện về những người trẻ sở hữu siêu xe sẽ nuôi dưỡng sự công kích từ phía dư luận ngây thơ. Với tư cách người sáng lập Câu lạc bộ siêu xe Bắc Kinh (SCC), anh muốn thay đổi điều đó.

 

Định kiến “thế hệ giàu thứ hai” hợm của - 1
Một số thành viên của Câu lạc bộ siêu xe Bắc Kinh (SCC) chụp hình kỷ niệm bên xe trong một buổi họp mặt.

 

Zhang Kuan mê ô tô thể thao từ nhỏ, nhưng cách đây 3 năm mới có thể biến giấc mơ sở hữu siêu xe thành hiện thực, khi anh có đủ điều kiện mua một chiếc Ferrari.

 

Lái xe ra khỏi showroom tôi có cảm giác như lần đầu tiên được cầm lái. Tôi vừa cảm nhận được tinh thần tự do, lại vừa thấy thích thú khi được “chế ngự” siêu xe,” Zhang kể.

 

Anh nhớ lại hôm đó đã trở thành trung tâm chú ý, mọi người trên phố đều ngoái nhìn. "Đến giờ nhiều người vẫn nhìn chằm chằm vào chiếc xe khi tôi ra phố, một số phấn khích, còn một số tỏ thái độ bực mình."

 

“Giờ đây, khi trông thấy một chiếc siêu xe, phản ứng đầu tiên của đa số là suy nghĩ, ‘Hãy nhìn con nhà giàu và chiếc xe điên rồ kia’,” Lu Yi, 30 tuổi, quản lý của một đại lý ô tô ở Bắc Kinh, và là một thành viên của SCC, cho biết. “Rõ ràng là có định kiến với chúng tôi, do giới truyền thông “giúp sức”.”

 

Cơn thịnh nộ đường phố

 

Nói một cách công bằng, những người trẻ giàu có lái xe thể thao đắt tiền đã trao cho các phóng viên kha khá “đạn dược” để công kích họ trong mấy năm trở lại đây.

 

Tháng 10 năm ngoái, Li Yifan, 22 tuổi, lái xe khi say xỉn đã đâm chết một phụ nữ trong khuôn viên Đại học Hà Bắc. Trong lúc lái xe bỏ trốn, Li, theo lời kể của nhân chứng, còn nói: “Thách ai kiện đấy. Bố tôi là Li Gang (một phó quận trưởng công an).”
 

Vụ việc diễn ra không lâu sau khi một sinh viên dạng “con ông cháu cha” ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, cố ý đâm chết một bà mẹ trẻ sau khi chị này đã bị thương do va chạm với xe.

 

Hu Bin đã bị kết án 3 năm tù giam hồi tháng 7/2009 vì đâm chết một người đi bộ khi tham gia đua drag ở Hàng Châu trên chiếc Mitsubishi thể thao của mình. Ảnh chụp Hu vui vẻ cười nói với bạn ngay sau vụ tai nạn đã được tung lên mạng.

 

Sau hàng hoạt sự cố trên, thành viên SCC ở khắp Trung Quốc cho biết xe của họ liên tục bị cào xước khi đậu trên phố.

 

“Mọi người có quyền phẫn nộ với các chủ siêu xe,” Tang Jun, tổng thư ký Trung tâm nghiên cứu chính sách xã hội của Học viện Khoa học - Xã hội Trung Quốc, nói. “Khi không tuân thủ luật giao thông, họ là mối đe doạ với sự an toàn của cộng đồng”.

 

Tuy nhiên, Zhang Kuan than phiền rằng hình ảnh xấu của các chủ xe sang phần nhiều do báo chí vẽ nên.

 

“Khi có một vụ tai nạn giao thông liên quan đến một người lái xe đắt tiền, báo chí đổ xô vào đưa tin. Họ đăng tin lên trang nhất,” anh nói. “Khi chúng tôi làm từ thiện thì chẳng hề thấy báo chí đưa tin.”

 

Để cải thiện hình ảnh của câu lạc bộ (được thành lập từ năm 2009), Zhang đã tổ chức nhiều chương trình từ thiện, như thăm làng trẻ mồ côi và các trung tâm chăm sóc người cao tuổi để giúp đỡ và ủng hộ tiền.

 

Tháng 11 năm ngoái, nhiều thành viên của câu lạc bộ đã cùng nhau lái xe tới một trung tâm chăn nuôi từ thiện ở ngoại ô Bắc Kinh. Họ đã ủng hộ thức ăn và tiền, đồng thời dành ra một ngày để đi tuyên truyền về vấn đề chó, mèo bị lạc. Việc này được họ chụp ảnh và đăng lên mạng để cộng đồng biết.

 

“Tôi từng nghĩ tất cả lũ trẻ con nhà giàu đều chỉ biết phung phí tiền bạc và khoe mẽ,” một cư dân mạng giấu tên bình luận trên trang của SSC. “Tôi thấy cảm động trước trách nhiệm xã hội của các bạn và hy vọng hoạt động của các bạn có thể lôi kéo thêm nhiều người tham gia.”

 

Nhà xã hội học Zhao Weihua cho rằng còn phải làm nhiều việc nữa mới xoá bỏ được định kiến với chủ siêu xe hay xe sang là những người trẻ.

 

“Trong một xã hội tồn tại sự phân bổ tài sản mất cân đối nghiêm trọng thì dư luận dễ quy kết người giàu là xấu, tất nhiên cũng có một số bằng chứng,” cô giải thích. “Sự giàu có đặt lên vai họ gánh nặng đạo đức lớn hơn và họ cần phải có “hạnh kiểm” cực tốt để duy trì hình ảnh đẹp trong mắt công chúng.”

 

Zhang Kuan đồng ý với điều này, và cho biết SCC có quy định chặt chẽ chống lại việc đua xe trên đường phố và lái xe trong tình trạng say xỉn. Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm, anh thừa nhận.

 

Hồi giữa tháng 12 năm ngoái, một chiếc Porsche và một chiếc Ferrari do hai thành viên SCC lái đã bị bắt gặp đua trên đường cao tốc đến sân bay.

 

Kỳ 2: Chuyện trên đường đua

 

Nhật Minh

Theo China Daily