Đằng sau sự ra đi của CEO Porsche

(Dân trí) - Wendelin Wiedeking đến nhà máy Porsche ở Stuttgart, Đức, khi còn là một kỹ sư trẻ vào năm 1983. Hơn 25 năm sau, ông rời công ty từ cương vị CEO, đút túi hàng chục triệu USD, nhưng gây nhiều tranh cãi về công - tội. Đâu là sự thật?

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nỗ lực của ông trong việc giành quyền kiểm soát Volkswagen (VW) là biểu hiện của sự ngạo mạn, là hành động của một người luôn tin rằng mình không sai.

 

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng thực tế còn phức tạp hơn thế nhiều.

 

Bộ não kỹ sư

 

Đằng sau sự ra đi của CEO Porsche - 1
Ông Wendelin Wiedeking

Khi Wiedeking trở thành giám đốc điều hành Porsche vào năm 1993, công ty này đang phải vật lộn để tồn tại như một nhà sản xuất ô tô độc lập. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty không những hồi phục, mà còn trở thành một trong những nhà sản xuất hiệu quả nhất thế giới.

 

Ông đã giúp Porsche cắt giảm mạnh chi phí, dốc tiền đầu tư phát triển các mẫu xe mới, trong đó có mẫu xe thể thao việt dã rất thành công nhưng gây nhiều tranh cãi - Cayenne.

 

Không có gì nghi ngờ rằng chính việc này đã giúp Wiedeking được xem như một trong những bộ não kỹ sư xuất sắc nhất ngành chế tạo xe hơi. Các chuyên gia cho rằng nếu nói tới tài lãnh đạo hoạt động thường nhật của một doanh nghiệp ô tô, thì chỉ có vài người sánh kịp Wiedeking.

 

Tham vọng kiểm soát VW

 

Khi Porsche bắt đầu nỗ lực giành quyền kiểm soát VW, ban đầu việc này càng củng cố uy tín của Wiedeking. Porsche lao vào mua cổ phiếu, giành quyền sở hữu 51% VW, cùng với quyền mua giúp đẩy tỷ lệ sở hữu cổ phần lên gần 75%.

 

Đây không phải là lần đầu tiên công ty tham gia vào thị trường tài chính. Trên thực tế, họ đã kinh doanh quyền mua cổ phiếu VW trong nhiều năm, và thu được không ít lợi nhuận.

 

Giữa năm 2008, khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ô tô trên khắp thế giới sụt giảm mạnh, thì giá cổ phiếu VW vẫn cao. Theo tính toán của các quỹ đầu tư, giá cổ phiếu VW không thể cao mãi như vậy. Họ tin rằng có thể tranh thủ đút túi chút đỉnh bằng hoạt động bán khống, tức là “vay” cổ phiếu VW từ bên thứ 3 - các công ty chứng khoán, với kỳ vọng giá sẽ giảm trong tương lai, để khi đó, họ có thể mua cổ phiếu trên thị trường ở giá thấp, trả lại số đã vay, và kiếm khoản chênh lệch.

 

Được săn tìm, cổ phiếu VW tiếp tục tăng giá ở châu Âu. Và bất chấp tình trạng sụt giảm chung trên thị trường, vào cuối mùa hè năm ngoái, cổ phiếu VW vẫn không xuống giá. Lý do là Porsche đã âm thầm tăng tỷ lệ sở hữu VW lên 42,6% và giữ quyền chọn mua cổ phiếu thêm 31,5%, tức là tương lai sẽ nắm giữ tới 74,1% cổ phần VW.

 

Khi tin này lan ra, các quỹ đầu tư mới vội vàng tìm cách mua lại cổ phiếu VW trên thị trường chứng khoán để trả nợ số đã vay trước đó để bán khống. Nhưng lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường cũng không có nhiều, vì Porsche đang nắm giữ đa số.

 

Vào thời điểm đó, ông Wiedeking được ca ngợi hết lời về sự mạo hiểm và đầu óc nhạy bén trong kinh doanh.

 

Cuộc “nội chiến”

 

Những lời ca ngợi không tồn tại lâu. Nỗ lực mua gom cổ phiếu VW của Porsche đã biến thành thảm họa, một sai lầm nghiêm trọng.

 

Sự thắt chặt của thị trường tín dụng đã khiến Porsche không thể hoàn tất việc thôn tính VW và phải gánh số nợ khổng lồ do việc mua gom cổ phiếu VW.

 

Ông Wiedeking rơi vào tình cảnh phải cố gắng duy trì sự tồn tại cho Porsche khi xảy ra “cuộc nội chiến” giữa hai gia đình Porsche và Piech - gia đình kiểm soát Porsche. Nhưng liệu ông có phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các khó khăn của Porsche? Có lẽ không.

 

“Wiedeking là người thực thi. Chỉ vậy thôi,” Christoph Stuermer, một nhà phân tích của IHS Global Insight, nói.

 

Có nhiều cái tôi ở đây, và một trong số đó là Ferdinand Piech - chủ tịch kiêm cựu giám đốc điều hành VW, đồng thời là cổ đông lớn của Porsche. Ông này nổi tiếng là một doanh nhân “máu lạnh”.


Đằng sau sự ra đi của CEO Porsche - 2
Ferdinand Piech - Chủ tịch hội đồng quản trị Volkswagen

Ông ngoại của ông, ngài Ferdinand Porsche, là thiết kế chiếc VW Beetle đầu tiên, và cũng là người sáng lập hãng xe Porsche.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng ông Piech là căn nguyên nỗ lực hợp nhất VW và Porsche. Việc này sẽ đảm bảo tương lai của Porsche, giúp hãng tiếp cận nguồn tài chính dồi dào của VW. Đồng thời, việc này cũng sẽ bảo vệ VW khỏi mối nguy bị một công ty nước ngoài thôn tính.

 

“Ông Piech biết rằng về dài hạn, Porsche không thể tự đứng vững,” nhà phân tích Christoph Stuermer nói. “Ông ấy đã đưa công ty tới chỗ phải tìm một người anh lớn để dựa vào, và lựa chọn hợp lý nhất vô tình lại là VW.”

 

Một chính trị gia tồi?

 

Mặc dù Piech rất muốn đưa VW và Porsche về gần nhau, nhưng rõ ràng việc Porsche thôn tính VW không phải là suy tính của ông.

 

Cá nhân và công khai, ông đã chỉ trích CEO Wiedeking, khiến ông này vô cùng giận dữ. Ban đầu, Wiedeking còn giữ được sự ủng hộ từ chủ tịch Wolfgang Porsche. Nhưng điều đó xem ra có hại hơn là có lợi cho ông.

 

Ông Porsche có quan hệ anh em họ với Ferdinand Piech, nhưng hai bên không hòa thuận nếu không muốn nói là mâu thuẫn.

 

Khi những khó khăn của Porsche ngày một chồng chất, ông Wiedeking trở thành con tốt trong cuộc chiến quyền lực giữa hai gia đình Porsche và Piech, với những quan điểm khác nhau về tương lai của Porsche.

 

Với Ferdinand Piech, tương lai nằm ở VW. Trong khi đó, gia đình Porsche muốn duy trì sự tồn tại độc lập của hãng Porsche, và để đạt mục tiêu đó, họ tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ Qatar.

 

Giờ đây, có vẻ như hai bên sắp đạt được thỏa thuận. Nhưng có lẽ ông Wiedeking đang phải trả một giá đắt cho việc làm mếch lòng ngài Ferdinand Piech.

 

Chèo lái Porsche rất thành công, nhưng Wiedeking có một điểm yếu lớn. Ông là một kỹ sư giỏi, nhưng là một chính trị gia tồi. Và theo các chuyên gia, đó là lý do ông phải khăn áo rời Porsche.

 

Nhật Minh

Theo BBC