Dân 8X: Xế hộp không chỉ là thú chơi

Chơi xế hộp ở Việt Nam - một quốc gia mà giá xe đắt nhất thế giới - với những người có điều kiện đã là không dễ, lại càng khó hơn đối với dân 8X khi mà đa phần họ vẫn đang ngồi ở ghế giảng đường. Vậy mà trong hàng triệu sinh viên đang có những người "dám" chơi xe.

Cuộc chiến chống lại "máy chém"

Nguyễn Minh Thành, (sinh 1981) cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ngán ngẩm: "Lúc tu nghiệp ở nước ngoài, mình máu dòng BMW lắm, nhưng về Việt Nam thì “tắt” ước mơ bởi một "con" dòng 3 tại thị trường đắt gần gấp ba so với ở bên Đức. Nhưng vẫn khát "em" ý, bằng mọi giá rồi cuối cùng cũng mua được. Sung sướng lắm"!

Thành ra Bắc vào Nam liên tục, ở Vũng Tàu 20/30 ngày nên phải cất "em" ở Hà Nội. "Để em ở đây thì được gần, nhưng khí hậu vùng biển và độ ẩm không tốt cho “em” lắm. “Xa em thấy nhớ, về đi mới sướng”, Thành tâm sự.

Dòng BMW được giới doanh nhân thích vì nó sang trọng và tượng trưng cho sự kiên định. Dự định tới của Thành là kiếm được một bản mô hình của chiếc Dixi huyền thoại sản xuất từ những năm 1927.

“Ở Đức và Anh, giới doanh nhân trẻ rất thích dòng BMW. Trải qua 2 cuộc chiến tranh, bao lần thịnh rồi lại suy, nhưng BMW vẫn có một tầm vóc khác biệt để tiếp tục thống trị đến bây giờ - Thành hồ hởi nói về chiếc xe của mình.

Tuy vậy ít ai biết được để có được "em dòng 3" này, Thành đã phải “cầy cuốc” như thế nào mới tậu được. "Người yêu Vespa thì lúc mua nhàn, về sau mới vất, còn mê BMW thì ngược lại. Từ khi mê mẩn “em” tôi đã phải làm việc năng suất hơn và ky cóp hơn nhiều. nhưng đây là một thói quen tốt. Cuộc sống của tôi đã thay đổi rất nhiều".

Những kẻ tỷ mẩn

Không dám tự nhận mình là dân chơi ôtô, nhưng Nguyễn Thanh Phương, sinh viên năm thứ 4, ĐH Ngoại thương lại là một tay buôn xe có hạng. Ngay từ năm thứ 2, có chút vốn liếng, Phương bắt đầu chập chững trong làng ôtô.

Năm 2003 và 2004, thị trường ôtô lên như “diều gặp gió” cũng là thời điểm Phương “phất”. Trong khi bạn bè làm part-time cao lắm cũng chỉ một vài triệu/tháng thì cậu bỏ túi nhẹ nhàng một vài ngàn đô.

Do là dân buôn nên Phương ít khi chơi xế nào quá vài tháng. Thực tế là thích quá thì đi thử một thời gian, được giá thì lại bán chứ Phương không có thời gian để vi vu với xế hộp sau 2 buổi lên giảng đường. Tuy nhiên theo dân chơi đánh giá thì Phương là một chuyên gia về nội thất và âm thanh trên xe. "Sự sắp xếp và bài trí thể hiện rất nhiều óc thẩm mỹ của người chủ xe" nên sở thích lớn nhất của Phương là "bóc" toàn bộ bên trong con xế và trang trí lại theo ý mình.

Phương cho biết: "Âm thanh trên xe rất khác so với âm thanh bên ngoài, vì ở đây là một không gian bó hẹp, dù là một nhạc sĩ có cỡ cũng khó mà chuẩn được âm xe. Ngoài sự thẩm âm tốt, còn phải hiểu biết về các thiết bị, kỹ thuật trang âm".

Theo Phương thì trung bình, một tay mê xế hộp thường mất khoảng 10 triệu cho trang âm và mất gấp 10 lần số tiền ấy nếu nâng cấp toàn bộ nội thất xịn nhất.

Như vậy với giá trị bạc tỷ một chiếc xe, người mua dù chỉ là một chiếc cũng phải rất am hiểu về các dòng, đời, kỹ thuật không thua một dân chơi là bao. Thế nên điểm khác biệt lớn nhất giữa "dân chơi xế thứ thiệt" và những chủ xế chỉ là ở chỗ họ được "sờ vào hiện vật" nhiều hơn.

Cá tính của những ông chủ xế trẻ

Dẫu biết rằng giá xăng dầu đang lên như tên lửa, dẫu biết rằng "em" chỉ cần "móp" một tí là toi tiền triệu, dẫu biết rằng đường xá Việt Nam chưa phù hợp cho việc vi vu ...nhưng xem ra những tay mê xế hộp chẳng bao giờ màng đến chuyện này.

Minh Thành nói: "Khi bạn chưa sở hữu một chiếc xế hộp, bạn sẽ không thể biết được cảm giác có nó như thế nào, nhất là khi bạn mua nó bằng chính mồ hôi nước mắt của mình. Hãy đặt mục tiêu mua xế hộp trong thời gian ngắn nhất, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều".

"Từ khi chơi xe, tôi đã thay đổi nhiều. Thế giới có 2 xu hướng Tuning (nâng cấp xe): người Mỹ thích bề ngoài nên tập trung vào kiểu dáng, còn người Âu thì trầm hơn, họ chú ý nhiều đến nội thất, động cơ, chính vì thế khi nhìn một chiếc xế, bạn có thể biết chủ xế là người thế nào - Thanh Phương trầm ngâm…

Theo Phương Trung
(Ý tưởng sản phẩm)