“Đại gia” ô tô Mỹ vào cuộc đua mới

(Dân trí) - Sau bài học bảo hộ phá sản, hai “đại gia” trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ là GM và Chrysler đã bắt đầu biết tính toán chi li để có thể giảm giá thành sản xuất xe.

Một năm sau các cuộc bảo hộ phá sản gây ầm ĩ, GM và Chrysler đã mạnh tay cắt giảm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

 

Điều đó có nghĩa là việc sản xuất một mẫu xe mới cỡ nhỏ như Chevrolet Cruze có thể đem lợi nhuận về cho GM ngay tại nước Mỹ thay vì Mexico. GM và Chrysler sau tái cơ cấu hứa hẹn sẽ có lãi ở mức doanh số thấp hơn và chiếm được thị phần cao hơn.

 

Ngày 1/6 năm nay là tròn 1 năm kể từ ngày GM đệ đơn xin bảo hộ phá sản, còn ngày 10/6 năm nay là tròn 1 năm Chrysler kết thúc 21 ngày bảo hộ phá sản để tái tổ chức bộ máy.

 

Chỉ khi phát hành cổ phiếu dưới tư cách công ty mới sau phá sản, hai “đại gia” xe hơi Mỹ này mới có thể thanh toán hết các khoản vay nợ chính phủ Mỹ. Với GM, việc này có thể diễn ra trong năm nay, còn với Chrysler, có thể là vào năm sau.

 

Ra khỏi tình trạng bảo hộ phá sản, GM và Chrysler thực sự “thay máu”.

 

Chuyên gia phân tích Itay Michaeli của công ty nghiên cứu đầu tư Citi công bố dự đoán chi phí cố định trên mỗi đầu xe của GM sẽ giảm từ mức 10.400 USD của năm ngoái xuống còn 5.772 USD vào năm 2012.

 

Ông Michaeli không công bố phân tích chi phí tương ứng của Chrysler. Nhưng Sean McAlinden, nhà kinh tế cấp cao của tổ chức CAR ở Ann Arbor, Mỹ, và chuyên gia phân tích Rebecca Lindland của công ty IHS Global Insight cho rằng mức cắt giảm chi phí trên mỗi đầu xe của Chrysler cũng tương đương.

 

Ford dẫn đầu

 

 

“Đại gia” ô tô Mỹ vào cuộc đua mới - 1

Tranh minh hoạ cuộc đua mới giữa "tam

đại gia" ngành ô tô Mỹ (ảnh: Freep)

Trong ba “đại gia” ô tô Mỹ, chỉ có Ford không phải viện tới sự trợ giúp của chính phủ Mỹ đã vượt qua khủng hoảng, nhờ tái cơ cấu sớm hơn. Hiện tại, Ford hoạt động có lãi và doanh số khá.

 

Sau khi thoát bảo hộ phá sản, GM và Chrysler vẫn chưa đuổi kịp Ford. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích McAlinden, GM đang tiến gần Ford hơn mọi người nghĩ.

 

Sự ủng hộ của dư luận dành cho Ford, chủ yếu nhờ việc không phải dùng đến tiền thuế của người dân Mỹ vào năm ngoái, có thể sẽ nhạt dần khi GM và Chrysler trở lại thị trường với bản lý lịch “sạch” hơn, danh mục sản phẩm hợp lý hơn và chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng vào năm sau.

 

Trong quý I năm nay, cả GM và Chrysler đều đạt doanh số trên 1,4 tỷ USD, phần lớn nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí và giảm gánh nặng nợ nần.

 

Nguồn tiền này sẽ giúp cả hai tiếp tục triển khai các kế hoạch sản phẩm mới và có kinh phí quảng cáo, điều rất quan trọng khi GM và Chrysler đang nỗ lực lấy lại lòng tin của người tiêu dùng và thu hút khách hàng mới.

 

Ông Joel Ewanick, phó chủ tịch phụ trách marketing mới rời Hyundai về GM hồi tháng 5, được kỳ vọng sẽ lập tức làm tăng hiệu quả của các công cụ quảng cáo và marketing cho GM.

 

Giám đốc công ty tư vấn cải tổ doanh nghiệp Amherst Partners ở Birmingham, tiểu bang Alabama, Mỹ, nhận xét: “Trong trường hợp GM, họ có sản phẩm tốt, nhưng chưa quảng bá tốt.”

 

Trong khi đó, với Chrysler, đưa các thương hiệu của hãng trở lại danh sách yêu thích của người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 3 của AutoPacific, chỉ có 18% khách mua xe tiềm năng cân nhắc các thương hiệu Jeep, Chrysler, Dodge hay Ram Truck của Chrysler - giảm so với tỷ lệ 24% của năm 2007.

 

Tuy nhiên, cả GM và Chrysler đều đang “guồng chân” để bắt kịp các đối thủ.

 

Ford và ban lãnh đạo đáng nể, dưới sự lãnh đạo của CEO Alan Mulally, đang tập trung vào các chương trình kích cầu và dự án sản phẩm mới. Mẫu Fiesta chuẩn bị ra mắt tại Mỹ trong mùa hè này, còn mẫu Explorer SUV dự kiến vào cuối năm.

 

Dịch vụ tài chính không lãi suất và các chương trình giảm giá đang bình ổn doanh số của Toyota sau cuộc khủng khoảng thu hồi xe do nguy cơ tăng ga ngoài kiểm soát. Trong khi đó, Nissan đã tạo được hiệu ứng thị trường tốt với Leaf, dù mẫu xe chạy điện này còn chưa chính thức có mặt tại các showroom.

 

GM và Chrysler tăng tốc

 

Một năm sau khi có được bài học bảo hộ phá sản, GM và Chrysler đã trở lại cuộc đua. Cả hai đã có những mẫu xe mới sau khi thông báo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2010 tốt hơn dự kiến. GM và Chrysler đều có doanh thu cao hơn so với thời điểm đầu năm - GM được 1,75 tỷ USD, còn Chrysler đạt 1,49 tỷ USD.

 

Ông McAlinden cho biết nguồn thu tiền mặt thực sự quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp, vì nó cấp vốn để triển khai các chiến lược phát triển sản phẩm trong tương lai.

 

Cùng với việc giảm lương của công nhân mới tuyển, đóng cửa các nhà máy hoạt động kém hiệu quả, và trong trường hợp Chrysler là dùng 2 tỷ USD tiền của chính phủ để giải quyết số nợ 6,9 tỷ USD, lợi nhuận có thể đến với GM và Chrysler từ doanh số khiêm tốn.

 

Điều này không cho thấy khủng hoảng đã qua với cả GM và Chrysler. Dù GM đã trả được một phần tiền vay chính phủ, nhưng vết nhơ từ việc bảo hộ phá sản vẫn còn trong mắt không ít người tiêu dùng.

 

Ông Jim Hall, giám đốc công ty phân tích 2953 Analytics ở Birmingham, tiểu bang Alabama, Mỹ, cho rằng GM đã đánh giá thấp sự tỉnh táo của công chúng khi cho chạy quảng cáo nói rằng đã thanh toán hết nợ nần với chính phủ. Vì chính phủ hiện sở hữu tới 61% giá trị tài sản GM mới, nên tập đoàn chỉ có thể tuyên bố như vậy khi đã hoàn tất việc phát hành cổ phần ra công chúng.

 

Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của Chrysler là ít người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm của hãng. Để giải quyết vấn đề này, họ chỉ có một cách duy nhất là tung ra thị trường những mẫu xe thực sự hấp dẫn.

 

Nhật Minh

Theo Freep