Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến nhiều hãng xe điện phá sản

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu gây ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất xe điện, có thể khiến giá xe tăng 2.000 USD, và đẩy các công ty khởi nghiệp đến bờ vực phá sản.

Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến nhiều hãng xe điện phá sản - 1
Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine làm giảm khả năng tiếp cận với các kim loại quan trọng trong sản xuất pin, các công ty khởi nghiệp xe điện đã tính đến vô số thách thức về nguồn cung (Ảnh: Rivian).

Các nhà quan sát trong lĩnh vực ô tô cho biết, sự gián đoạn nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin ô tô điện trên toàn cầu do cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ảnh hưởng đến các hãng xe điện, bao gồm các công ty khởi nghiệp như Rivian, Lucid.

So với các đối thủ cạnh tranh như tập đoàn General Motors hay Ford, các hãng xe điện mới dường như chưa có sự chuẩn bị tốt để có thể thích ứng trong cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, vốn đã gây thiệt hại nặng nề trong quá trình sản xuất xe điện (EV) còn "non trẻ".

Một trong những sự gián đoạn đáng lo ngại đối với các công ty này là mối đe dọa mới đối với nguồn cung niken. Theo một nhà phân tích của Morgan Stanley, giá của thành phần này đã tăng đột biến, có thể dẫn đến giá của một mẫu ô tô điện tăng 1.000-2.000 USD.

Sự gián đoạn này xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với các công ty khởi nghiệp xe điện, khi họ đang phải gấp rút chứng minh giá trị của mình trong một thị trường ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn.

Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến nhiều hãng xe điện phá sản - 2
Các công ty xe điện đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu (Ảnh: Rivian).

Hiện tại, hai công ty Rivian và Lucid đều đã bắt đầu sản xuất các mẫu xe điện riêng của mình, với tham vọng đạt được các mục tiêu với các sản phẩm của mình trên thị trường, cũng như xây dựng được cơ sở khách hàng. 

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian tới, việc thiếu khả năng tiếp cận nguyên liệu pin và mối quan hệ với nhà cung cấp yếu hơn có thể gây ra nhiều "đau đớn", hoặc thậm chí dẫn đến "phá sản" đối với những công ty khởi nghiệp này.

Brett Smith, giám đốc công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô có trụ sở tại Ann Arbor (Michigan, Mỹ), cho biết: "Vấn đề ở đây là các công ty này có quy trình và khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng hay không. Và đối với các nhà đầu tư, họ muốn biết liệu các công ty này có đủ tiền mặt để vượt qua cuộc khủng hoảng này."

Một mắt xích quan trọng đang bị khủng hoảng

Ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm giảm khả năng tiếp cận với các kim loại quan trọng trong việc sản xuất pin ô tô điện như niken, các công ty khởi nghiệp EV cũng đã bắt đầu tính đến vô số thách thức về nguồn cung.

Caspar Rawles, Giám đốc dữ liệu của Benchmark Minerals cho biết: "Giá lithium đang ở mức cao kỷ lục, giá coban ở mức cao nhất trong nhiều năm. Bên cạnh đó, kim loại đồng cũng rất cao. Trong khi, vấn đề về thiếu chất bán dẫn vẫn chưa được khắc phục." 

Trong tuần trước, công ty Lucid đã cắt giảm mục tiêu sản xuất năm 2022 từ 20.000 xe xuống phạm vi 12.000 đến 14.000, và Rivian đã tăng giá của những chiếc EV hàng đầu của mình. Vấn đề của chuỗi cung ứng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi kế hoạch và nó khiến những cổ đông của công ty đều không hài lòng.

Một chuyên gia cho rằng nếu các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến Rivian và Lucid tiếp tục duy trì sản xuất tinh gọn sẽ dẫn đến "tài chính công ty có thể cạn kiệt và các nhà đầu tư sẽ bỏ đi."

Trong khi các nhà đầu tư thường ca ngợi các công ty khởi nghiệp xe điện vì sự linh hoạt của họ trong quá trình gia nhập ngành công nghiệp xe hơi "xanh", thì những nhà sản xuất ô tô khổng lồ, lâu năm lại có lợi thế hơn trong cuộc khủng hoảng này. Một phần quan trọng chính là, họ không phụ thuộc vào doanh số bán xe điện để duy trì hoạt động kinh doanh. 

Sam Fiorani, Phó chủ tịch dự báo xe toàn cầu của Auto Forecast Solutions cho biết: "Các nhà sản xuất ô tô lớn có động lực để vượt qua cuộc khủng hoảng này, do họ đã có lịch sử với hơn một thế kỷ sản xuất xe động cơ đốt trong và phần lớn lợi nhuận của họ vẫn đến từ mục tiêu đó".

Giám đốc điều hành Ford Jim Farley gần đây cho biết, lợi nhuận thu được từ bộ phận xe chạy bằng khí đốt của nhà sản xuất ô tô này sẽ tài trợ cho việc phát triển xe điện sử dụng nhiều tiền của công ty trong những năm tới. 

Cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến nhiều hãng xe điện phá sản - 3
Bên cạnh ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô, cuộc khủng hoảng Ukraine còn khiến giá nhiên liệu toàn cầu cao ở mức kỷ lục (Ảnh: Business Insider).

Đây là một phần trong chiến lược mới của Ford nhằm tách hai bộ phận hệ thống truyền động xe điện và ô tô sử dụng động cơ đốt trong của mình ra. Đồng thời, cả hai bộ phận này đều sẽ dưới sự bảo trợ của hãng Ford, đây là một quyết định mà Farley đưa ra bất chấp áp lực lớn về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh xe điện của công ty.

Mặt khác, Fiorani cho biết, các công ty khởi nghiệp phụ thuộc nhiều hơn vào tiền của nhà đầu tư và thiện chí của khách hàng tiềm năng. Do đó, các hãng xe điện tiếp tục trì hoãn sản xuất và tăng giá xe, sẽ khiến các nhà đầu tư phải chi nhiều tiền hơn và điều này sẽ khiến họ chán nản.

Ông nói: "Họ đang dựa vào bảng kê khai ngân hàng mà họ đã có được từ các đợt IPO hoặc vốn đầu tư mạo hiểm để giúp họ vượt qua giai đoạn phát triển phương tiện mỏng manh này. Nếu điều đó kéo dài thêm nữa, tài chính có thể cạn kiệt và các nhà đầu tư sẽ bỏ đi".

Rawles lưu ý rằng, hầu hết các công ty ô tô mua pin ngày nay, không mua niken của Nga và giá kim loại này là mối quan tâm ngắn hạn hơn các bộ phận khác của chuỗi cung ứng. 

Theo Businessinsider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm