Công nghiệp xe hơi Mỹ - Ảm đạm chợ chiều

(Dân trí) - Thời hoàng kim của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ có lẽ đã qua, nhường lại sân chơi cho các nhà sản xuất đến từ châu Á.

20 năm trước Livonia là một vùng ngoại ô phồn thịnh của Detroit – thủ phủ của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, nhờ sự có mặt của 3 hãng sản xuất ô tô lớn là Chrysler, Ford và GM. Nhà máy sản xuất của 3 “đại gia” này đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong vùng và các vùng lân cận.

 

Tuy nhiên, giờ đây, khi các “ông lớn” quyết định đóng cửa nhà máy sản xuất và cắt giảm nhân công thì Livonia không còn vẻ náo nhiệt như trước. Mới tuần trước, hãng Ford đã quyết định khoản chi có thể lên tới 140.000 USD/nhân công, đối với 30.000 công nhân chấp nhận về hưu non. GM cũng cắt giảm khoảng 70.000 lao động. Nhiều cửa hàng, trường học và nhà hàng ở Livonia đã phải đóng cửa do nhu cầu giảm hẳn. Từ 3 năm nay, lễ hội diễu hành hàng năm đã phải ngừng tổ chức do không có kinh phí.

 

Ngược lại, cách đó khoảng 300 dặm về phía nam là thành phố Georgetown nhỏ bé nhưng sầm uất của tiểu bang Kentucky. Đây là nơi hãng Toyota của Nhật Bản đã đầu tư hơn 5 tỷ USD xây dựng một khu liêp hợp sản xuất ô tô. Kéo theo nó là hàng loạt các trường học, khách sạn và nhà máy nhỏ khác mọc lên.

 

Georgetown là một địa điểm lý tưởng với vị trí nằm trên trục giao thông bắc - nam và đông - tây. Thành phố này lại gần một sân bay nhỏ, thuận tiện cho việc di chuyển. Mùa hè vừa quan, nhà máy của ToyotaGeorgetown đã triển khai sản xuất phiên bản động cơ hybrid của xe Camry để thay thế các công đoạn sản xuất trước đây được thực hiện ở Nhật Bản.

 

Sau 20 năm, số lao động liên quan đến ngành ô tô ở bang Michigan đã giảm 34% trong khi số lượng lao động ở bang Kentucky lại tăng 152%.

 

Đây là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ có chuyển dịch từ phía bắc xuống phía nam, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đối thủ châu Á đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở các bang miền Nam.

 

Có lẽ là các công ty muốn có sự khởi đầu ở một nơi hoàn toàn mới chứ không phải là ở Detroit – địa danh đã gắn liền với lịch sử ngành xe hơi Mỹ.

 

Đặng Lê

Theo International Herald Tribune