Công nghiệp ô tô Việt Nam - Vẫn còn cơ hội?

Theo cam kết, đến năm 2018, thuế xuất nhập khẩu (NK) ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ Đông Nam Á sẽ còn 0%.

Khi quỹ thời gian để tăng tốc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp (CN) ô tô Việt Nam đủ sức cạnh tranh với sản phẩm 100% ngoại nhập chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa, không ít chuyên gia nhận định, cánh cửa cho ngành CN ô tô Việt Nam coi như đã khép lại. Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm lạc quan hơn, rằng còn một cơ hội cuối cùng cho CN ô tô Việt Nam nếu biết tận dụng hàng rào kỹ thuật với các chính sách thuế, phí, nếu Việt Nam xác định ngay và tập trung vào dòng xe chiến lược.

Công nghiệp ô tô nhìn lại mình

Sau những ồn ào từ sự kiện Campuchia mới đây công bố chiếc ô tô điện tự chế điều khiển bằng smartphone được sản xuất tại nước này, các nhà làm chính sách cũng như doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp trong nước lại có dịp nhìn lại chính mình.

Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô được phê duyệt là 1 trong 6 ngành CN ưu tiên tại Chiến lược CN hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản (tháng 7/2013), và phát triển CN ô tô cũng được xác định là cơ sở để phát triển CNHT ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, đến nay, Chiến lược và Quy hoạch phát triển CN ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 vẫn chưa được ban hành. Dù vậy theo các chuyên gia, việc chậm có quy hoạch không có nghĩa ngành ô tô không còn cơ hội, và có cơ hội cũng có nghĩa sẽ có giải pháp, nếu chúng ta thực sự quyết tâm.

Thực tế vừa qua,  những dự án 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ôtô ở Việt Nam đã không trở thành hiện thực vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây điện, đồ nhựa..., dù hơn 10 năm trước nhiều hãng từng coi Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Honda thì cho biết chưa khai thác hết dây chuyền nhà máy ô tô 60 triệu USD tại tỉnh Vĩnh Phúc nên chưa có kế hoạch đầu tư thêm, trong khi hãng này vừa công bố sẽ xem xét xây dựng một nhà máy xe hơi mới tại Indonesia với vốn đầu tư trên 300 triệu USD. Với Nissan, hãng sẽ đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại Indonesia cao hơn dự tính ban đầu 100 triệu USD, nâng năng lực sản xuất từ 100.000 xe lên 250.000 xe vào năm 2014 tại đất nước này. Nói chung, rất nhiều dự án đầu tư sản xuất ô tô đã được chuyển sang các nước lân cận rồi NK xe về Việt Nam với giá bán có thể nói là "cắt cổ".

Lắp ráp xe ô tô 5 chỗ tại Công ty
Ford Việt Nam.
(Ảnh: Trần Việt)

Lắp ráp xe ô tô 5 chỗ tại Công ty Ford Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt)

Nhìn lại ngành CN ô tô trong nước có thể thấy, sau 20 năm hoạt động, tỷ lệ nội địa hoá (NĐH) mới đạt 5 - 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, chi tiết nhựa đơn giản, gương kính, ghế ngồi... Cả nước tới nay chỉ có khoảng 210 DN tham gia ngành CN hỗ trợ (CNHT) ô tô, mà chủ yếu là DN Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là DN Đài Loan, cuối cùng mới là các DN Việt với tỷ trọng rất nhỏ.Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, hiện tỷ lệ thu mua nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các DN Nhật tìm được tại Việt Nam mới đạt 28%, trong khi ở Indonesia là 43%, Thái Lan 53% và Trung Quốc 61%.

Mấu chốt ở chính sách

Trong khi nhiều tập đoàn ô tô phải từ bỏ dự án hàng tỷ USD ở Việt Nam do ngành CNHT kém phát triển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Xuân Kiên Bùi Ngọc Huyên vẫn tự tin: CN ô tô của Việt Nam còn cơ hội phát triển, với một lý do là, tài nguyên và nguồn lao động của Việt Nam hơn hẳn Nhật Bản và Hàn Quốc; nhiều quốc gia đang đua nhau mang xe đến đây để bán bởi Việt Nam có dân số đông. Vấn đề là Chính phủ phải hỗ trợ DN, bởi bất kỳ ngành CN nào không được nuôi dưỡng thì khó hình thành, phát triển. "Nếu Chính phủ có chính sách đúng, chúng ta hoàn toàn làm được CN ô tô. Sản xuất nên đi từ xe giá rẻ, như chính sách xây nhà cho người thu nhập thấp. Chính phủ nên có chính sách giống Ấn Độ và một số nước ASEAN là hỗ trợ DN sản xuất dòng xe dành cho người thu nhập thấp" - ông Huyên nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực & Máy nông nghiệp Vũ Quang Tâm, ngành CN ô tô không đơn thuần chỉ giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách mà còn là động lực phát triển các ngành CN khác. Việc hỗ trợ ngành cần được thực hiện đồng bộ cả 2 lĩnh vực: Hỗ trợ trong đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có cả đầu tư nâng cao năng lực sản xuất lắp ráp ô tô, và đầu tư cho ngành CNHT trên quan điểm thu hút được các nhà sản xuất danh tiếng nước ngoài tham gia nhằm tận dụng nguồn lực và học hỏi về kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng quản lý. Đồng thời, chính sách cho ô tô cần hướng vào đẩy mạnh sản xuất xe có tỷ lệ NĐH cao thông qua các công cụ tài chính.

Ông Đỗ Hữu Hào Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam: “Vướng mắc lớn nhất kìm hãm sự phát triển CN ô tô thời gian qua chính là ở cơ chế, chính sách bất cập. Vì vậy, nếu Bộ Tài chính, Bộ GTVT công bố những chính sách ổn định, lập tức chỉ ngay tháng sau thị trường ô tô sẽ sôi động hẳn. Điều này dường như đúng với thị trường ô tô Việt Nam hơn 1 tháng qua: Các giao dịch đã sôi động hơn khi cùng với chính sách thuế, mức lệ phí trước bạ mới cho ô tô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu cũng đã đồng loạt giảm xuống còn 10% trên cả nước (trừ Hà Nội áp dụng mức thu cao nhất - 12%)”.

Theo Linh Chi

KTĐT

Theo bạn, ôtô nhập khẩu từ ASEAN sẽ giảm giá trong năm 2014 khi thuế nhập khẩu giảm còn 50%?
Sẽ giảm giá
Không giảm giá
  

Tâm lí đợi chờ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm