Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử

(Dân trí) - Những thiết bị đã trở nên quá quen thuộc và tưởng chừng như rất đơn giản trên những chiếc ô tô ngày nay, từ cần gạt nước đến túi khí hay hệ thống định vị, đều đã từng là bước ngoặt công nghệ khi mới ra đời.

Để có thể cho ra đời những chiếc ô tô có đầy đủ tiện nghi, từ đơn giản đến phức tạp, như ngày nay, các hãng sản xuất xe hơi đã phải góp nhặt từng bước ngoặt công nghệ, nâng cấp và cải tiến chúng qua mỗi thế hệ.

 

Tạp chí BusinessWeek trực tuyến đã điểm lại những phát kiến quan trọng nhất về công nghệ trong ngành công nghiệp xe hơi:

 

Động cơ hybrid

Năm 1898

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 1

 Xe Prius hybrid của Toyota

Cuối thập niên 90 của thế kỷ 19, Ferdinand Porsche đã thiết kế một chiếc ô tô sử dụng hệ truyền động bằng điện để giới thiệu tại Triển lãm Thế giới 1900, nhưng mãi đến năm 1978, kỹ sư điện David Arthurs mới nảy ra ý tưởng về bộ truyền động hybrid với quá trình phanh tái tạo điện năng. Đây chính là phát kiến quan trọng dẫn đến thành công rực rỡ của Honda và Toyota với các mẫu xe hybrid Insight và Prius - cả hai đều ra mắt vào thập niên 90 của thế kỷ 20.

 

Hệ dẫn động 4 bánh

Năm 1903

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 2


Đầu thế kỷ 20, hãng ô tô Spyker của Hà Lan đã đưa ra khái niệm hệ dẫn động 4 bánh, với một mẫu xe có công suất 60 mã lực, nhưng không gây được sự chú ý của các hãng ô tô lớn của Mỹ mãi cho đến khi xảy ra chiến tranh trên toàn thế giới. Trong suốt Thế chiến thứ 2, Jeep trở thành cái tên quen thuộc với mọi gia đình và vào năm 1945, Willys, hãng sản xuất xe Jeep, đã tung ra mẫu ô tô đầu tiên sử dụng hệ dẫn động 4 bánh - xe CJ-2A.

 

Gạt nước

Năm 1905

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 3


Hãy tưởng tượng, khi chưa có cần gạt nước, nếu trời mưa, lái xe sẽ phải dừng xe liên tục để lau kính chắn gió phía trước. Năm 1905, Mary Anderson đã sáng tạo ra loại thanh gạt nước có gắn đệm cao su, điều khiển bằng một cần gạt ở trong xe và đây trở thành trang bị tiêu chuẩn cho tất cả ô tô vào năm 1916.

5 năm qua, nhiều hãng ô tô đã kết hợp công nghệ cảm biến với thiết bị gạt nước, để khi kính chắn gió bị ướt, cần gạt nước sẽ tự hoạt động.

 

Tay lái trợ lực

Thập niên 20

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 4
 

Do Francis Davis và George Jessup phát minh, và được trang bị đầu tiên cho xe Imperial 1951 của Chrysler, tay lái trợ lực giúp lái xe an toàn hơn và giảm mệt mỏi cho người cầm lái. (Nếu chưa một lần cầm vô-lăng xe Uaz không có trợ lực, bạn khó có thể thấu hiểu niềm vui của những người lần đầu tiên được chuyển sang dùng tay lái trợ lực - BTV).

 

Cấu trúc unibody

Năm 1923

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 5

 

Cấu trúc unibody, hay monocoque, tức dạng khung thép liền khối với các tấm thép được gắn liền lại với nhau, ban đầu được sử dụng rộng rãi trong ngành chế tạo máy bay nhằm chuyển phần lớn tải trọng lên khung ngoài, giảm rung và tăng độ an toàn. Sau khi mẫu xe Lancia Lambda sử dụng kỹ thuật này vào năm 1923, mãi tới năm 1934, Chrysler và Citroën mới khởi xướng xu thế sử dụng kết cấu unibody cho các loại xe sản xuất hàng loạt.

 

Hệ thống âm thanh

Năm 1930

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 6
 

Năm 1930, Công ty chế tạo Galvin bắt đầu sản xuất radio lắp trên ô tô, giá 120 USD. Năm 1947, công ty này lấy tên Motorola (nghĩa là “âm thanh di động” - “motion sound”), đánh dấu thành công của sản phẩm.

 

Từ đó đến nay, công nghệ âm thanh trên xe hơi đã phát triển từ các loại băng từ cassette, CD, DVD và MP3 kết nối với hệ thống tăng âm, loa và màn hình.

 

Điều hòa nhiệt độ

Năm 1939

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 7
 

10-15 năm trước khi điều hòa nhiệt độ trong nhà trở thành một tiện nghi phổ biến của các gia đình ở Mỹ, hãng xe hơi hạng sang Packard đã bắt đầu trang bị điều hòa nhiệt độ cho ô tô, dưới dạng tùy chọn, với giá 274 USD. Hệ thống này sử dụng điện từ động cơ xe, không có bộ ổn nhiệt (điều chỉnh nhiệt độ) và nhả khí lạnh từ sau ra trước xe.

 

Cửa điện

Thập niên 40

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 8
  

Lần đầu tiên xuất hiện trên xe của hãng Daimler vào cuối thập niên 40, cửa sổ điều khiển điện tăng thêm một mức tiện nghi cho ô tô hạng sang. Ban đầu cửa điện được điều khiển bằng thủy lực hoặc chân không do động cơ tạo ra.

 

Hệ thống kiểm soát hành trình

Năm 1945 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 9

 

Kỹ sư kiêm nhà phát minh khiếm thị Ralph Teetor đã sáng tạo ra hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise control) vào năm 1945, nhằm “chỉnh” các tay lái thiếu bình tĩnh không ngừng tăng giảm tốc độ xe, có thể gây nguy hiểm.

 

Hệ thống này xuất hiện đầu tiên trên xe Chrysler Imperial 1958.

 

Gần đây, hệ thống kiếm soát hành trình đã phát triển tới mức dùng radar hoặc laser để giảm tốc độ khi xe đến gần xe khác, như hệ thống Distronic Plus trang bị cho tất cả xe Mercedes-Benz S-Class.

 

Công nghệ phun nhiên liệu

Thập niên 50

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 10
 

General Motors, Bosch, và Hilborn đều đã chế tạo hình mẫu ban đầu của động cơ phun nhiên liệu, nhưng Electrojector của công ty Bendix mới chính thức là hệ thống phun nhiên liệu điện tử (EFI) đầu tiên.

 

Túi khí

Năm 1952

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 11
 

Ban đầu được giới thiệu như một giải pháp thay thế cho những tài xế và người ngồi trên không muốn cài dây an toàn, túi khí do John Hetrick phát minh vào năm 1952 và được Chrysler dùng thử nghiệm vào năm 1967, ngay sau đó là đến Ford và General Motors (GM). Đến thập niên 80, chính phủ Mỹ đã quy định tất cả xe con sản xuất sau ngày 1/4/1989 đều phải trang bị túi khí.

 

Theo tính toán của Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Mỹ (NHTSA), từ năm 1960 đến 2002, túi khí trước đã cứu 12.074 mạng sống - trung bình gần 1 người/ngày.

 

Hệ thống phanh chống bó cứng (ABS)

Thập niên 60

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 12
 

Ban đầu được phát triển để phục vụ ngành chế tạo máy bay vào thập niên 50, hệ thống phanh chống bó cứng lắp trên xe đua Ferguson P99 Jensen FF, và Ford Zodiac trong suốt thập niên 60 bị coi là quá đắt đỏ và không đáng tin cậy. Hãng Bosch của Đức đã giải quyết vấn đề này vào năm 1978, khi trang bị cho xe tải/bán tải và một số mẫu xe của Mercedes-Benz thiết bị điện tử giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng bánh xe bị “khóa cứng” khi phanh. Công nghệ này trở thành trang bị tiêu chuẩn cho phần lớn các xe vào năm 1986.

 

Hệ thống định vị toàn cầu GPS)

Thập niên 70

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 13
 

Bộ Quốc Phòng Mỹ phát triển hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đầu tiên vào năm 1978, và sau đó được ứng dụng cho ngành công nghiệp xe hơi vào năm 1983. Đến thập niên 90, công nghệ GPS được các hãng ô tô kết hợp với chức năng dẫn đường.

 

Điện thoại trên ô tô

Thập niên 70

 

Trước khi điện thoại di động trở nên phổ biến và thuận tiện như ngày nay thì sự ra đời của điện thoại trên ô tô là một bước đột phát về công nghệ và đã nhanh chóng trở thành một trang bị triêu chuẩn trên tất cả các xe hạng sang.

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 14
 

Ngày nay, để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho tài xế, hầu hết điện thoại di động đều có các bộ kit hỗ trợ dùng cho xe hơi, hoặc bộ tai nghe giúp tài xế vẫn có thể dùng điện thoại mà tay không phải rời vô-lăng.

 

Lốp Run-flat

Năm 1974

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 15
 

In 1974, Mini 1275GT là chiếc xe đầu tiên sử dụng loại lốp bản dẹt (Run-flat), có kết cấu thành lốp vững chắc, đủ để giữ cân bằng cho xe chạy thêm 80 km nữa, với tốc độ 80 km/h sau khi lốp xịt hết hơi.

 

Khi đó, Mini đã sử dụng hệ thống Denovo của Dunlop.

 

Bộ trung hòa khí thải

Năm 1975

 

Bộ trung hòa khí thải ra đời vào đúng thời điểm tất cả xe hơi sản xuất hàng loạt tại Mỹ phải đáp ứng các giới hạn về khí thải của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA). Do Trường Trinity ở Mỹ phát triển, bộ trung hòa khí thải dùng chất xúc tác để biến khí thải độc hại thành loại khí ít gây hại cho môi trường hơn.

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 16
 

Công nghệ OnStar

Năm 1997

 

Công nghệ xe hơi: Ngược dòng lịch sử - 17
 

Do nhóm nhân viên tập sự của IBM ExtremeBlue phát triển, dịch vụ OnStar của GM lần đầu tiên ra mắt công chúng tại Triển lãm ô tô Chicago năm 1997. Kết hợp mạng điện thoại di động với công nghệ định vị toàn cầu, OnStar cho phép lái xe nhận dịch vụ dẫn đường và khẩn cấp chỉ với một nút bấm trên xe. Năm nay, OnStar là trang bị tiêu chuẩn cho tất cả các mẫu xe mới của GM tại Bắc Mỹ.

 

Sĩ Hoàng

Theo Business Week