Chuyện “thù nhà” ở Hyundai
(Dân trí) - Mối hận thù đã chia rẽ một trong những gia đình quyền lực nhất Hàn Quốc giờ đây được nhắc lại, khi bà quả phụ đang lãnh đạo Hyundai Group cạnh tranh với anh chồng, chủ tịch Chung Mong Koo của Hyundai Motors, nhằm thâu tóm công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc.
Bà Hyun Jeong Eun nuôi tham vọng phát triển Hyundai Group thành tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc (Ảnh: AFP)
Cuối năm 1997, khi sắp nghỉ hưu, ông Chung Ju Yung đưa chồng bà vào vị trí đồng chủ tịch Hyundai. Việc này khiến anh cả Chung Mong Koo vô cùng giận dữ và sau đó nhiều lần cố gắng giành lại vị trí này của em trai nhưng bị bố can thiệp nên bất thành.
Năm 2000 trước sức ép của dư luận, truyền thông và chính phủ khi tập đoàn rơi vào nợ nần, Chung Mong Hun từ bỏ vị trí chủ tịch tập đoàn Hyundai, chỉ giữ lại chức chủ tịch Hyundai Asan, còn anh trai là Chung Mong Koo quyết giữ đến cùng vị trí chủ tịch Hyundai Motors và Kia Motors.
Năm 2003, do bị điều tra chính trị và có nguy cơ nhận án tù giam, ông Chung Mong Hun đã tự vẫn. Bà quả phụ Hyun Jeong Eun tiếp quản công việc kinh doanh của chồng và khá thành công. Trong hai năm 2008 và 2009, bà có tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes của Mỹ tổng hợp.
Giờ đây, bà đang nỗ lực đưa Hyundai Group trở lại thành một đế chế công nghiệp như thời chưa bị chia năm xẻ bảy do mâu thuẫn nội bộ gia đình, nợ xấu và kế hoạch mở rộng hoạt động sang Triều Tiên thất bại.
Cuộc đua quyết liệt
Hyundai Group đang muốn thâu tóm Hyundai Engineering & Construction, công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Và việc này đưa bà Hyun Jeong Eun vào thế cạnh tranh trực diện với anh chồng - Chung Mong Koo.
Hyundai Engineering & Construction từng là một bộ phận quan trọng của đế chế Hyundai trước khi các khoản nợ xấu đẩy tập đoàn vào tay các trái chủ.
Việc không thâu tóm được Hyundai Engineering & Construction sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch mở rộng Hyundai Group của bà Hyun Jeong Eun, mà còn khiến bà mất quyền kiểm soát Hyundai Merchant Marine, bộ phận lớn nhất của Hyundai Group mà Hyundai Engineering có nắm giữ cổ phiếu.
Ông Chung Mong Koo, chủ tịch Hyundai Motors
Tính đến cuối tháng 6 năm nay, Hyundai Motors có 7,3 nghìn tỷ won (6,4 tỷ USD) tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt, còn “đồng minh” Kia Motors cũng có 1,9 nghìn tỷ won, theo số liệu từ các báo cáo tài chính.
Trong khi đó, tổng tiền mặt và các tài sản tương đương tiền mặt của Hyundai Group (gồm các bộ phận chính là Hyundai Merchant, Hyundai Elevator và Hyundai Securities) chỉ có 1,13 nghìn tỷ won. Sự chênh lệch này cũng được phản ánh trong giá trị tài sản cá nhân của hai người. Ông Chung Mong Koo sở hữu khối tài sản trị giá ít nhất 5,4 tỷ USD, theo số liệu của Bloomberg. Trong khi đó, giá trị tài sản của bà Hyun là khoảng 115,7 triệu USD.
Các ngân hàng sẽ bán đấu giá hết 35% cổ phần mà họ đang nắm giữ của Hyundai Engineering, trị giá ít nhất 2,9 nghìn tỷ won, kết quả dự kiến được công bố vào ngày 12/11 tới.
“Đây giống như cuộc chiến giữa một con cá voi với một con tôm,” ông Cho In Karp, phụ trách hoạt động nghiên cứu của công ty chứng khoán Heungkuk (Hàn Quốc), nhận xét. “Hyundai Motors gần như chắc chắn sẽ chiến thắng. Nhà sản xuất ô tô này có tiềm lực tài chính tốt hơn.”
Hiện đại diện của cả Hyundai Motors và Hyundai Group đều không bình luận về thương vụ này.
Ý nghĩa quyết định
Bên nào giành quyền kiểm soát Hyundai Engineering sẽ nắm luôn 8,3% cổ phần Hyundai Merchant, công ty tàu biển lớn thứ hai Hàn Quốc, năm ngoái đóng góp 58% doanh thu của Hyundai Group.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2010 của các công ty, 25,5% cổ phiếu Hyundai Merchant do Hyundai Heavy Industries Co. nắm giữ, 5,08% do KCC Corp. nắm giữ, 5% do cán bộ công nhân viên và 40 do bà Hyun cùng Hyundai Group nắm giữ.
Nếu Hyundai Group không mua được Hyundai Engineering, quyền kiểm soát của bà Hyun với Hyundai Merchant có thể bị đe doạ do tỷ lệ sở hữu cổ phần mới.
Hyundai Merchant lại là cổ đông lớn nhất trong 7 trên 12 công ty con của Hyundai Group, nên nếu mất quyền kiểm soát Hyundai Merchant, bà Hyun có nguy cơ mất luôn quyền kiểm soát toàn Hyundai Group trong hiệu ứng domino.
Hồi tháng 4 năm nay, bà Hyun công bố mục tiêu tăng doanh thu của Hyundai Group lên 70 nghìn tỷ won vào năm 2020 bằng việc củng cố 3 hoạt động chính là hàng vận (logistics), tài chính và cơ sở hạ tầng.
“Thâu tóm Hyundai Engineering là điều chúng tôi không thể từ bỏ vì nó sẽ là nguồn lực tích cực kích thích sự tăng trưởng của tập đoàn,” bà Hyun phát biểu trước tập thể cán bộ công nhân viên hôm 5/1/2010.
Bà Hyun, 55 tuổi, sinh trưởng tại Seoul, là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 người con. Cha bà từng làm việc cho Ngân hàng Hàn Quốc, sau đó trở thành chủ tịch Hyundai Merchant.
Bà Hyun tốt nghiệp đại học ngành xã hội học tại trường nữ tư thục Ewha, sau đó theo học ngành phát triển con người tại Đại học Fairleigh Dickinson ở Mỹ.
Nhật Minh
Theo Bloomberg