Chủ tịch Hyundai chuẩn bị “truyền ngôi”
(Dân trí) - Hyundai đã bổ nhiệm phó chủ tịch Chung Eui Sun vào hội đồng quản trị công ty, đưa tỷ phú 39 tuổi này đến gần vị trí kế nhiệm cha, ông Chung Mong Koo, lãnh đạo nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc.
Cổ đông của Hyundai đã thông qua việc bổ nhiệm này tại cuộc họp hôm 12/3.
Chung Eui Sun tham gia hội đồng quản trị Hyundai vào đúng thời điểm công ty đang nỗ lực đẩy mạnh doanh số tại một số thị trường, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Theo ông Kang Sang Min, một nhà phân tích của công ty chứng khoán Hanwha ở Seoul, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc này cần tránh những vấn đề chất lượng như của Toyota hiện nay, dẫn đến việc thu hồi hơn 8 triệu xe trên toàn thế giới, sau khi mở rộng quy mô hoạt động quá nhanh.
Chung Eui Sun được bổ nhiệm vào vị trí phó chủ tịch Hyundai hồi tháng 8 năm ngoái, từ cương vị chủ tịch Kia. Ông hiện sở hữu 6.445 cổ phiếu phổ thông của Hyundai, 1,8% cổ phần Kia và 32% cổ phần công ty hàng vận Glovis Co - tất cả có giá trị lên tới hơn 1 tỷ USD, theo số liệu do Bloomberg tổng hợp .
Cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu khởi nguồn từ năm 2008, cùng với việc đồng nội tệ xuống giá, đã giúp chủ tịch Chung Mong Koo của Hyundai “giật” được khá nhiều khách hàng từ Toyota và GM, tăng thị phần của liên minh Hyundai-Kia trên thị trường ô tô thế giới lên mức 7,7% - cao nhất từ trước tới nay.
Chủ tịch Chung xác định chất lượng là ưu tiên hàng đầu của Hyundai và đã giới thiệu chương trình bảo hành 10 năm hoặc 100.000 dặm cho xe tại thị trường Mỹ vào năm 1999. Tháng 6 năm ngoái, J.D. Power & Associates đã chấm cho Hyundai vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng các thương hiệu phổ thông trong cuộc khảo sát chất lượng xe mới, trên cả Toyota và Honda.
Bài học từ Toyota
Tháng trước, doanh số của Hyundai tại Mỹ đã tăng 11% lên 34.004 xe. Doanh số ở ngoài Hàn Quốc tăng 27% lên 202.014 xe do nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao.
Từ cuối năm 2009, Hyundai và Kia đã có bước nhảy vọt về chỉ số trung thành và mức độ quan tâm của khách hàng, theo cuộc khảo sát của Kelley Blue Book, một công ty dịch vụ giá ô tô ở Irvine, California.
Hyundai cần duy trì tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, ông Young Chang, phụ trách phân tích thị trường Hàn Quốc của công ty chứng khoán UBS tại Seoul, nhận định.
“Ngành công nghiệp ô tô luôn có sự cạnh tranh khốc liệt,” ông Chang nói. “Sau những thành công gần đây, Hyundai nên thận trọng để tránh tâm lý tự mãn và lơi lỏng việc quản lý chất lượng.”
Song Sang Hoon, một nhà phân tích của công ty chứng khoán Kyobo ở Seoul, cho rằng ông Chung Eui Sun có thể dùng vị trí của mình trong hội đồng quản trị để đánh bóng năng lực quản lý.
“Ông ấy có thể theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, như tăng thị phần và doanh thu, cũng như tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, để “ghi điểm”, từ đó tiến đến vị trí lãnh đạo thực sự ở Hyundai khi cơ hội đến,” ông Song nói.
Hậu duệ của các gia đình sáng lập các nhà sản xuất ô tô đều khá chật vật trên cương vị lãnh đạo. Chủ tịch Bill Ford, chắt nội của Henry Ford, đã phải từ chức CEO vào năm 2006 giữa lúc tập đoàn Ford thua lỗ nặng, và thuê cựu CEO của Boeing là Alan Mulally về thế chỗ.
Akio Toyoda, cháu nội của người sáng lập đoàn Toyota, đã trở thành chủ tịch nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này vào tháng 6 năm ngoái. Giờ đây, ông đang phải đối mặt thách thức khôi phục uy tín của Toyota sau một loạt các vụ thu hồi xe. Ông đã phải trực tiếp cúi đầu xin lỗi khách hàng ở Mỹ và Trung Quốc về sự cố chân ga xe Toyota.
“Tôi sợ là tốc độ tăng trưởng của chúng tôi quá nhanh. Các ưu tiên trở nên lẫn lộn,” ông nói trước Quốc hội Mỹ.
Giờ toàn ngành ô tô sẽ tiếp tục chứng kiến sự “nối ngôi” của ông Chung Eui Sun ở Hyundai. Việc có tên trong hội đồng quản trị công ty được xem như ông đã kết thúc thời gian học việc và chính thức đảm nhiệm vai trò quản lý Hyundai.
Nhật Minh
Theo Bloomberg