Chrysler từng chào bán tài sản sang Trung Quốc
(Dân trí) - Theo nội dung một bản khai mà Chrysler nộp lên Tòa án New York trong hồ sơ phá sản, lãnh đạo nhà sản xuất ô tô lớn thứ 3 nước Mỹ từng nỗ lực chào bán một số bộ phận và dây chuyền sản xuất cho các công ty Trung Quốc nhưng không thành công.
Chủ tịch Chrysler, ông Tom LaSorda, cho biết Chrysler đã gửi thư cho những doanh nghiệp, chủ yếu ở Trung Quốc, mà họ cho là có thể muốn mua một số tài sản của họ. “Hai tháng sau đó, nhiều công ty, trong đó có Beijing Automotive Industry Holding Co., Tempo International Group, Hawtai Automobiles, và Chery Automotive Co., đã thể hiện sự quan tâm."
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không thành công, do tình hình kinh tế khó khăn.
Một thông tin thú vị nữa được tiết lộ từ bộ hồ sơ trên là trong 2 năm qua, Chrysler đã cố gắng tạo dựng liên minh với hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, như GAZ, Honda, Hyundai, Magna, Nissan, Volkswagen, Tata, General Motors và thậm chí là cả Toyota.
Tài liệu này cho biết:
- Chrysler và GM đã thảo luận khả năng hợp tác trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2008, sau đó là một lần vào tháng 11 và một lần vào tháng 1 nhưng đều nhanh chóng thất bại.
- Kế hoạch hợp tác với Toyota cũng đã được đặt lên bàn thảo luận; theo đó, Chrysler sẽ hỗ trợ nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bằng công suất dư thừa của các nhà máy, hoặc hợp tác phát triển sản phẩm mới với Toyota, trong đó có xe hybrid.
- Trong năm 2008, Chrysler cũng đã dành ra 3 tháng để thảo luận với nhà sản xuất ô tô Ấn Độ Tata Motors. Vào tháng 5, ông LaSorda đã bay tới Geneva (Thụy Sĩ) để gặp chủ tịch Tata, tỷ phú Ratan Tata, và sau đó cùng một nhóm lãnh đạo của Chrysler tới Ấn Độ để thảo luận thêm về khả năng hợp tác. Tuy nhiên, Tata đã quyết định tập trung vào hai thương hiệu Jaguar và Land Rover của Ford.
- Các cuộc đàm phán giữa Chrysler với Nissan đã thất bại vào tháng 7/2008, sau đó được khởi động lại vào tháng 9, và một lần nữa vào tháng 1 năm nay nhưng đều không đi đến đâu.
- Tháng 12 năm ngoái, Honda cũng đã nhận được bản kế hoạch hợp tác của Chrysler gửi, nhưng nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã từ chối ngay.
Theo ông LaSorda, các kế hoạch sáp nhập, hợp tác đã được đẩy mạnh nhưng không thành công. Do đó, Chrysler xác định rằng liên minh tốt nhất là với Fiat.
Chrysler và Fiat bắt đầu thảo luận về khả năng hợp tác từ tháng 3/2008, ban đầu tập trung vào việc sản xuất và tiêu thụ xe Fiat 500 ở Mỹ.
Từ mùa hè năm 2008, Fiat và Chrysler tiến hành phân tích hiệu quả tiết kiệm chi phí có thể thu được từ quan hệ hợp tác Fiat-Chrysler. Đến tháng 11, hai bên đi đến kết luận, họ có thể tiết kiệm 3,7 tỷ USD trong thời gian 8 năm. Từ đó, CEO Bob Nardelli của Chrysler đã viết thư đề nghị Fiat xúc tiến thảo luận thành lập liên minh, và CEO Sergio Marchionne của Fiat đã hồi âm bằng một bản kế hoạch cụ thể.
Kế hoạch ban đầu là Fiat sẽ nhận 35% cổ phần Chrysler, và quyền mua thêm 20% cổ phần trong 3-5 năm nếu quan hệ hợp tác đạt được thêm những dấu mốc quan trọng. Ngày 30/4 vừa qua, hai bên đã chính thức ký thỏa thuận liên minh, với sự chấp thuận của Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào liên minh này và xóa toàn bộ hoặc phần lớn số nợ 4 tỷ USD mà chính phủ đã cho Chrysler vay hồi tháng 1.
Theo điều kiện hợp đồng, Fiat sẽ sở hữu 20% cổ phần Chrysler và có thể nhận thêm 15% nếu liên minh đạt được 3 mốc quan trọng, trong đó có việc sản xuất một mẫu xe có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 5,9 lít/100km tại Mỹ.
Fiat sẽ không rót tiền vào Chrysler, nhưng đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất xe cơ nhỏ, trị giá 8-10 tỷ USD. Nếu được tòa án phá sản Mỹ thông qua, hai bên sẽ cho ra đời nhà sản xuất ô tô lớn thứ 6 thế giới.
Nhật Minh
Theo Detroit News