Chính thức điều chỉnh cách tính thuế: Xe nhập lại có cơ hội tăng giá?
(Dân trí) - Chưa kịp chờ thuế nhập khẩu giảm về 0% theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do, xe ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ lại có “cơ hội” tăng giá nhờ đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt?
Chính thức thay đổi cách tính thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết cách xác định giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại.
Cụ thể, đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu.
Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu và giá cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Liên quan tới chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, cụ thể là cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều kể từ khi dự thảo này được công bố hồi giữa năm nay.
Theo Nghị định vừa được Chính phủ ký ban hành, giá tính thuế đối với xe nhập xác định trên giá bán ra của nhà nhập khẩu trong khi hiện nay đang tính dựa trên giá nhập khẩu (CIF) và thuế nhập khẩu.
Lo ngại giá xe nhập sẽ tăng?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai từng lý giải, quy định mới này được đưa ra trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thuế nhập khẩu ô tô sẽ hạ dần và xuống 0% vào năm 2018 đối với ASEAN sẽ đảm bảo công bằng giữa nhà nhập khẩu , nhà sản xuất trong nước.
“Với các cam kết thuế tới đây, rõ ràng giá tính thuế đối với doanh nghiệp sản xuất là giá bán của nhà sản xuất, trong khi nhà nhập khẩu chỉ là giá nhập tới cửa khẩu chưa công bằng. Do đó, căn cứ vào luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng”, bà Mai nói.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm các nước cho thấy: Một số nước đang áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá buôn; một số áp giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cuối cùng, qua nhiều khâu thương mại; có một số ít các nước áp giá nhập khẩu trên giá CIF và thuế nhập khẩu.
“Hiện nay, một nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan cũng đang áp giá tính thuế là giá CIF nhưng cũng đang chuyển dần, dự kiến sẽ áp trên giá bán lẻ”, bà Mai nói.
Trước đó, các lãnh đạo từ Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định, phương pháp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhằm bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Đối với lo ngại phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ khiến giá ô tô nhập khẩu đội lên 5 - 10%, thậm chí là 15 - 20% khiến giấc mơ ô tô giá rẻ ngày càng xa vời, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng khẳng định: "Giá tăng nhiều hay ít, tất cả mới chỉ là phỏng đoán. Giá tăng hay không tăng phụ thuộc vào cơ chế thị trường, có lúc nhập về không bán được thì giá có hạ không hay bán bằng giá cũng chả bán được?”.
Theo vị này, nếu ô tô trong nước chất lượng tăng thêm thì rõ ràng là tự nhiên cạnh tranh trong nước tăng lên, giá giảm và người dân được lợi từ đó. "Không phải có kết cấu thuế một tí vào đấy thì giá tăng, có lúc không có thuế, giá vẫn tăng vù vù mà có khi có thuế giá vẫn có thể giảm”, ông nói.
Phương Dung