Cerberus “xé lẻ” Chrysler để bán

(Dân trí) - Theo một nguồn tin nội bộ tiết lộ vào ngày 16/10, công ty quản lý vốn tư nhân Cerberus đang thương lượng để bán toàn bộ hoặc một phần tập đoàn Chrysler cho Renault và General Motors (GM). Renault quan tâm tới thương hiệu Jeep của Chrysler.

Theo thông tin mới nhất, Cerberus Capital Management, công ty đang nắm đa số cổ phần của Chrysler, đang thương lượng để bán cho GM một phần tài sản của Chrysler, thay vì toàn bộ.

 

Trong khi đó, Renault quan tâm tới Jeep - thương hiệu lâu nay được xem như có giá trị nhất của Chrysler. Nếu thành công, việc Renault mua lại Jeep sẽ đưa thương hiệu xe việt dã đầu tiên và nổi tiếng nhất thế giới này về lại tay nhà sản xuất ô tô Pháp, sau khi họ đã bán cho Chrysler vào năm 1987.

 

Phần tài sản của Chrysler đang được Cerberus và GM thương lượng mua bán gồm dây chuyền sản xuất xe minvan - phân khúc thị trường mà Chrysler đã tiên phong cách đây 25 năm, cùng với các nhà máy sản xuất xe việt dã và bán tải ở Mexico.

 

Cerberus cũng đang thảo luận với GM về khả năng Chrysler mua lại 49% cổ phần còn lại của GM trong GMAC. Một giải pháp được đưa ra là GM có thể sang ngang cổ phần GMAC lấy tài sản của Chrysler.

 

Hiện tại, mọi thảo luận giữa Cerberus và các nhà sản xuất ô tô đều mới chỉ trong giai đoạn khởi đầu và đang cân nhắc nhiều giải pháp. Chrysler, Cerberus, GM và Renault đều không đưa ra bình luận chính thức nào.

 

Cerberus đã mua 80,1% cổ phần Chrysler từ tập đoàn Daimler vào năm 2007 với giá 7,4 tỷ USD, khi Chrysler trở thành một gánh nặng của tập đoàn ô tô Đức. Sau khi về tay chủ mới, Chrysler liên tục gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường ô tô Mỹ có mức doanh số thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

 

Cùng lúc với việc thương lượng với các nhà sản xuất ô tô khác để bán Chrysler, công ty Cerberus cũng đang chuẩn bị hoàn tất đàm phán mua nốt số cổ phần Chrysler mà Daimler đang nắm giữ.

 

Xáo trộn lớn trong ngành ô tô Mỹ?

 

Nhiều ý kiến nội bộ cho rằng cũng có khả năng các cuộc thương lượng sẽ chẳng đi đến đâu và Cerberus sẽ giữ Chrysler lại để tự điều hành, đúng như những gì họ đã tuyên bố khi mua lại Chrysler vào năm ngoái, và khôi phục lại một biểu tượng xe hơi Mỹ.

 

Giám đốc điều hành Chrysler, ông Bob Nardelli, hồi đầu tuần cho biết họ đang thảo luận với nhiều đối tác tiềm năng, nhưng ông nhấn mạnh rằng công ty cũng quyết tâm tự mình thoát ra khỏi khó khăn.

 

Tuy nhiên, các nhà quan sát khác cho rằng động thái trên của Cerberus cho thấy công ty này đang muốn “rũ bỏ” Chrysler, một khoản đầu tư tốn kém nhưng không hiệu quả.

 

“Cerberus đã không lường hết khó khăn trong việc vận hành một doanh nghiệp ô tô, dù là nhà cung cấp phụ tùng, công ty tài chính hay công ty lắp ráp,” chủ một ngân hàng giấu tên nhận xét.

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng ít khả năng GM sáp nhập với Chrysler, như các thông tin xuất hiện hồi cuối tuần trước, vì GM hiện phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, sau 3 năm chật vật với các kế hoạch cắt giảm chi phí và giảm sản lượng.

 

“Vào thời điểm này, chẳng có gì rõ ràng về việc một thương vụ sáp nhập có thể làm tăng tính thanh khoản của cả hai công ty, trong khi đó là điều mà Chrysler và GM đều cần để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay,” nhà phân tích Robert Schulz của công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor's nói.

 

Cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Renault, ông Louis Schweitzer, đã nói trong cuốn hồi ký xuất bản năm ngoái rằng ông thấy hối tiếc về việc đã bán AMC và Jeep khi Renault rút khỏi thị trường Mỹ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Renault đã mua American Motors, công ty sở hữu thương hiệu Jeep, vào năm 1979.

 

“Lẽ ra tôi phải sáng suốt hơn trong việc tận dụng tối đa tiềm năng của thương hiệu Jeep. Nếu làm vậy, ngày hôm nay chúng tôi đã có một vị trí tốt tại Mỹ,” ông viết.

 

Nhật Minh

Theo Reuters