Cánh tài xế nói gì trước đề xuất cấm trẻ em ngồi ghế trước?

Việc quy định không để trẻ em dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước trên ô tô được đề xuất trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các lái xe.

Việc quy định không để trẻ em dưới 12 tuổi ngồi hàng ghế trước trên ô tô được đề xuất trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các lái xe.

Đặt trẻ em vào vị trí trung tâm cần bảo vệ

Tại khoản 4, điều 7 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ quy định: “Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế.

Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em”.

Theo đại diện Bộ Công an, đây là quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008, là một trong nhưng quy tắc chung mà người tham gia giao thông phải tuân thủ khi tham gia giao thông đường bộ.

“Quy tắc này không chỉ được tiếp thu từ các quy định trong Công ước Viên năm 1968, mà còn đặt trẻ em- thế hệ tương lai vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông’, đại diện Bộ Công an cho hay.

Cánh tài xế nói gì trước đề xuất cấm trẻ em ngồi ghế trước? - 1

Hiện nay, trẻ em vẫn được ngồi ghế phía trước của ô tô. Ảnh: Văn Huế

Theo nhiều chuyên gia, việc để trẻ em ngồi ở ghế phía trước có nguy cơ gây mất an toàn hơn so với ngồi ở khu vực ghế sau. Theo nghiên cứu, khi gặp tai nạn, những người có chiều cao thấp nếu ngồi ghế trước có thể bị đập đầu vào taplo hoặc bị lực đẩy rất mạnh từ túi khí làm chấn thương.

Trên thế giới, nhiều quốc gia tại Châu Âu hay Mỹ đều có quy định bắt buộc trẻ em dưới 12 tuổi phải ngồi ở hàng ghế sau.

Như vậy, nếu dự thảo Luật được chính thức thông qua, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1m35 sẽ bị cấm ngồi ở hàng ghế phía trước. Đồng thời trẻ dưới 4 tuổi buộc phải ngồi vào ghế chuyên dụng dành cho trẻ em.

Nhiều gia đình tại Việt Nam sẽ phải thay đổi thói quen khi tham gia giao thông bằng ô tô. Sẽ không còn cảnh chồng lái xe, vợ bế con nhỏ nữa mà những bé dưới 4 tuổi buộc phải ngồi ghế an toàn riêng.

Vẫn còn nhiều lăn tăn 

Đề xuất trên trong dự thảo Luật đã nhận được những luồng ý kiến trái chiều từ người dân. Nhiều người tỏ ra đồng tình và cho rằng, việc quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật chính là cơ sở để bảo vệ sự an toàn của trẻ em khi tham gia giao thông.

“Trẻ em rất hiếu động, thường không ngồi yên khi đi xe, nếu ngồi phía trước mà phanh gấp hoặc va chạm sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, khi trẻ em ngồi phía trước có thể gây mất tập trung cho tài xế”, anh Nguyễn Gia Vinh (38 tuổi, trú tại Hà Nội) bày tỏ ý kiến.

Tuy vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lăn tăn về tính khả thi nếu quy định trên được áp dụng trong thực tế.

Anh Đỗ Nam Khánh (41 tuổi, trú tại Hải Phòng) cho rằng, quy định trên là khá cứng nhắc khi một người phải bắt buộc hội đủ 2 yếu tố là trên 12 tuổi và cao trên 1m35 mới được ngồi ở ghế trên. Chỉ cần không đủ 1 trong 2 điều kiện này là phải ngồi ở ghế dưới.

Anh Khánh chỉ ra trên thực tế, một đứa trẻ gần 12 tuổi như con của anh đã cao tới 1m55, xấp xỉ một người lớn. Nhưng nếu so với điều kiện trên thì cháu vẫn buộc phải ngồi ở ghế sau.

“Nếu điều này được luật hoá sẽ là hơi cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế. khi triển khai quá nghiêm sẽ rất dễ xảy ra tranh cãi giữa người dân với lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều bố mẹ phải mang sẵn giấy khai sinh của con trên xe để chứng minh khi cần thiết”, anh Khánh nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Phạm Kiều Thanh (31 tuổi, trú tại Hà Nội) cho rằng, nhiều đứa trẻ bây giờ rất cao to không kém gì người lớn. Đa số các loại xe hiện nay chỉ bố trí túi khí ở khu vực ghế trước thì những cháu 10-11 tuổi ngồi ở vị trí này lại rất an toàn, kể cả khi xảy ra tai nạn.

Còn về quy định trẻ em dưới 4 tuổi phải ngồi vào ghế chuyên dụng, chị Thanh cho rằng, điều này chỉ nên áp dụng khi trên xe chỉ có người lái xe và em bé mà thôi, trường hợp có thêm người lớn ngồi kèm là không cần thiết.

“Nếu quy định dưới 4 tuổi buộc phải ngồi vào ghế chuyên dụng khi đi ô tô thì các cháu nhỏ từ vài tháng tuổi đến 2-3 tuổi thường được bố mẹ bế khi đi xe có bị xử phạt hay không?”, chị Thanh đặt câu hỏi.

Cánh tài xế nói gì trước đề xuất cấm trẻ em ngồi ghế trước? - 2

Ghế chuyên dùng dành cho trẻ em hiện nay có rất nhiều chủng loại, kích cỡ với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Ảnh: Tinhte

Là một lái xe taxi tại TP. Hồ Chí Minh, anh Huỳnh Minh Thành (29 tuổi) cho rằng, sẽ bận rộn hơn khi phải chủ động “sàng lọc” khách hàng nhỏ tuổi, nhắc nhở và bố trí chỗ ngồi cho hợp lý.

Nếu quy định này được áp dụng thì những lái xe taxi như anh Thành sẽ tốn thêm một khoản tiền đáng kể để trang bị sẵn trên xe ghế chuyên dụng cho trẻ em. Đây là loại ghế mà hiện nay gần như chưa có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, gây bối rối cho lái xe.

Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ gồm 8 chương, 93 điều, bao gồm các nội dung quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ,…

Đây là dự thảo Luật được Bộ Công an chủ trì soạn thảo, tách biệt hẳn với phần Hạ tầng giao thông đường bộ (do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo) khỏi Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành. Hiện, dự thảo Luật được Quốc hội thảo luận tại kỳ hợp thứ 10 đang diễn ra.