Cần lưu ý gì khi lái xe đường băng/tuyết?
(Dân trí) - Trời mưa lạnh có băng/tuyết nếu được lựa chọn chắc chắn sẽ là quyết định ở trong nhà cùng gia đình cho ấm áp, nhưng đôi khi bạn vẫn phải ra đường vì công việc cần? Làm thế nào để bạn không để lỡ cơ hội chiêm ngưỡng băng/tuyết ở vùng núi cao mà vẫn có những chuyến đi an toàn cho mình và người thân?...
Vì ở Việt Nam hiếm khi có tuyết rơi, nên trong mấy ngày qua, khi biết thông tin có tuyết rơi tại một số nơi, nhiều người háo hức lái xe đến thưởng lãm hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Với điều kiện tự nhiên như ở Việt Nam thì hiện tượng tuyết rơi dày cả mét như một số nước châu Âu và bờ Đông nước Mỹ đang hứng chịu sẽ rất hiếm gặp. Tuy nhiên, những bông tuyết trắng có thể trông đẹp mong manh khi lơ lửng trên không, nhưng sẽ tạo thành một lớp băng cực trơn chẳng bao lâu sau khi đáp đất, dù tuyết rơi không dày, đặc biệt là với điều kiện độ ẩm cao như ở Việt Nam. Do đó, việc lái xe khi tuyết rơi thực sự đầy nguy hiểm và thách thức.
Một số kinh nghiệm sau sẽ giúp bạn tự tin hơn trên những cung đường giá lạnh.
Chuẩn bị tốt
Việc có một chiếc xe hoàn hảo trước khi ra đường luôn là một việc cần thiết; tuy nhiên, với thời tiết có băng/tuyết, việc chuẩn bị cần kĩ càng hơn nữa đối với phanh, lốp xe (đủ độ bám, ta-lông còn dày), vì khi mặt đường đóng băng, lốp dễ mất ma-sát dẫn đến trượt bánh, mất kiểm soát. Ngoài ra, nếu đường có tuyết dày (hoặc bùn lầy lẫn băng đá) hãy nghĩ đến việc xì bớt lốp xe, điều ngày giúp chiếc xe tăng thêm độ bám, nhưng hãy cẩn thận với việc này nếu bạn không có bơm dự phòng trong xe.
Nếu bạn là người thường xuyên phải di chuyển do công việc ở vùng núi cao, vào mùa đông hay có nhiều băng tuyết gây trơn trượt, một bộ “áo lốp” bằng xích sẽ cực kì hữu dụng cho điều kiện thời tiết này mà ngay cả mùa mưa, những cung đường lầy lội cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn là người đi du lịch ngắm băng tuyết, và bằng những loại xe phổ thông thì đừng nghĩ đến trang bị “thời trang”, trừ khi bạn thực sự có điều kiện
Thời tiết có băng/tuyết bao giờ cũng đi kèm với trời mù, mưa nhỏ, thậm chí có tuyết rơi, tầm quan sát kém. Lúc đó hệ thống đèn xenon hay đèn dạng chiếu hầu như không có tác dụng, bởi lúc đó phía trước người lái là cả một quầng sáng trắng và hầu như không quan sát được đường sá xung quanh. Bạn cần chuẩn bị trước một đôi đèn chiếu gần sử dụng bóng đèn vàng (ít bị cản lại trong không khí và hơi ẩm) hoặc nên nghĩ đến giấy bóng kính màu vàng - cách mà các bác tài đường dài miền núi Sơn La, Điện Biên… hay sử dụng.
Đèn xe được dán nylong vàng để xuyên sương mù
Nếu bạn đồng hành hoặc cơ quan, gia đình có điều kiện, bạn hãy lựa chọn một chiếc xe có hệ thống dẫn động bốn bánh khi di chuyển trên đường băng/tuyết. Hệ thống này cho bạn một điều kiện vận hành tối ưu nhất khi luôn duy trì tốt lực bám trên đường, hơn hẳn so với hệ thống dẫn động cầu trước hay đặc biệt là cầu sau trong điều kiện thời tiết này.
Khi lên xe, cần kiểm tra các tính năng hỗ trợ an toàn chủ động (nếu có) để đảm bảo chiếc xe của mình sử dụng hết các tính năng vốn có: hệ thống ổn định thân xe điện tử (ESP, VSC…), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống kiểm soát chống trượt (ASR)… Hầu hết những chiếc xe đời mới nếu có hệ thống này có cách bố trí khác nhau; luôn bật trong hệ thống phần mềm hoặc kích hoạt bằng nút bấm, điều này bạn cần chắc chắn để không bỏ phí một công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình.
Bước vào xe, bạn hãy nổ máy khoảng năm phút trước khởi hành, bật hệ thống điều hòa không khí (nóng - đương nhiên), kiểm tra xem điều này có làm đọng nước hay dính hơi nước trên kính lái hay không, nếu có bạn cần xử lí ngay bằng nút sấy kính, đừng để trường hợp đang lái xe lại phải cuống quýt đi tìm cách xử lí.
Ngoài ra, một vài vật dụng cần thiết bạn nên chuẩn bị cho các tình huống xấu bao gồm nước uống, đèn pin, chăn ấm, lương thực sự trữ…, và các vật dụng cần thiết cho xe như bộ đồ thay lốp (bơm, kích, dụng cụ tháo lốp), mức nhiên liệu, các loại dầu trợ lực, nước làm mát…
Đi chậm
Lời khuyên đầu tiên cho những người lái xe trên đường tuyết, cũng như những mặt đường trơn trượt khác, là giảm tốc độ. Tốc độ 50-60 km/h là giới hạn nguy hiểm khi lái xe trời băng/tuyết; hãy cố gắng lái xe càng chậm càng tốt.
Ngoài ra, với một cung đường không quen thuộc và có mưa tuyết, việc lái chậm giúp bạn có thể quan sát đi theo xe phía trước.
Khi lái xe, tránh thực hiện những động tác đột ngột như đạp phanh, rồ ga, hay đánh lái… điều này rất dễ khiến chiếc xe của bạn bị trượt và mất hướng lái. Để có được điều này, không còn cách nào khác là bạn luôn phải tập trung lái xe, phán đoán tình huống, thực hiện các động tác thật nhẹ nhàng và uyển chuyển. Hãy “mơn trớn” chân ga/chân phanh chứ đừng hùng hổ, bạn sẽ rất dễ đâm xe vào cọc tiêu, ta-luy hay thậm chí là xe ngược chiều, và nguy hiểm hơn là bờ vực sâu.
Ngoài ra, hãy nhớ bật đèn chiếu sáng gần (đèn cos) hoặc đèn sương mù (nếu có) khi tuyết rơi. Nếu tầm quan sát hạn chế, nên bật đèn cảnh báo (nút đèn hình tam giác trên bảng điều khiển) để các xe đi đối diện hoặc xe phía sau có thể nhìn thấy xe bạn.
Hiểu rõ chiếc xe bạn đang lái
Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống ổn định thân xe điện tử, hoặc kiểm soát độ bám đường (ESC) rất có ích khi trời tuyết, đường trơn. Nhưng chúng cũng chỉ là những công cụ hỗ trợ an toàn, và bạn cần biết cách sử dụng.
Nếu xe có ABS, đường thì trơn và bạn cần phanh gấp để tránh chướng ngại vật? Phanh gấp trên đường trơn là việc đặc biệt nên tránh; tuy nhiên, khi không thể tránh, hãy đạp phanh dứt khoát để ABS phát huy tác dụng, giúp tránh tình trạng bánh xe bị khoá cứng, trượt trên mặt đường. Sau đó, cẩn thận bẻ lái để tránh chướng ngại vật và nhả phanh khi đường đã thoáng, đầu xe đã thẳng. Tránh đạp mạnh chân ga.
Hệ thống kiểm soát độ bám đường có thể giúp xe bạn chống trượt, nhưng sẽ không thể phát huy tác dụng nếu bạn lái quá nhanh.
Hệ dẫn động 4 bánh (AWD và 4WD) là trợ thủ đắc lực giúp xe duy trì độ bám đường và vượt qua những bãi tuyết; nhưng sẽ không thể giúp gì nếu mặt đường quá trơn và xe đang bị trượt mạnh.
Ngoài ra, nếu xe đang trong tình trạng không tốt hoặc không có đủ trang bị cần thiết chuyên dùng cho điều kiện băng/tuyết, tốt hơn hết là tìm phương tiện khác nếu nhất thiết phải lên đường.
Biết cách xử lý khi xe bị trượt
Với những xe không có tính năng tự động khoá phanh thì cần tránh sử dụng phanh. Nếu xe bạn có ABS, phanh thật chắc chắn khi bạn đi qua chỗ trượt.
Trong trường hợp xe bị trượt, hãy nhẹ nhàng nhả ga, cẩn thận đưa bánh lái theo hướng bạn muốn đưa đầu xe vào, cho đến khi đầu xe di chuyển thẳng tắp.
Chúc các bạn có những chuyến đi an toàn!
Nhật Minh - Như Phúc