Bộ Tư pháp: Truy thu thuế với xe tải van là trái luật

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, khẳng định việc Bộ Tài chính truy thu thuế TTĐB đối với xe tải van là không đủ cơ sở pháp lý, đồng thời kiến nghị Bộ này xem xét khắc phục hậu quả do việc ban hành văn bản trái luật gây ra.

Thông tư “to” hơn Luật, Nghị định

 

Ngày 22/10, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Cục kiểm tra văn bản) đã có báo cáo việc kiểm tra, xử lý đối với một số văn bản do Bộ Tài chính ban hành, trong đó nổi bật là Thông tư số 115/2005/TT-BTC ngày 16/12/2005 hướng dẫn thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 15% đối với ô tô từ 16-24 chỗ, bao gồm cả xe tải van và các loại xe lam.

 

Tại cuộc họp mới đây giữa đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và nhiều bộ ngành liên quan, Bộ Tài chính cho rằng chính sách thuế TTĐB đối với ô tô từ 16-24 chỗ ngồi trở xuống, trong đó có xe van thiết kế “vừa chở người vừa chở hàng” là nhất quán từ năm 1995 tới nay, chưa khi nào không thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này.

 

Theo Bộ Tài chính, Thông tư 115 vẫn tiếp tục khẳng định tinh thần thu thuế TTĐB này , mặc dù thời điểm năm 2003, năm 2005, trong quá trình xây dựng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB do “sơ suất” nên không quy định vấn đề này.

 

Bộ Tư pháp: Truy thu thuế với xe tải van là trái luật - 1
Xe tải van có hình dáng bên ngoài giống xe chở người (Ảnh: Autopro)

 

Bộ Tài chính cũng cho rằng việc truy thu thuế TTĐB đối với ô tô van nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật thuế TTĐB hiện hành (Thông tư 115) cũng là thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại Công văn số 2228/VPCP-KTTH ngày 9/4/2009.

 

Về phân loại xe, Bộ Tài chính cho rằng Thông tư 115 đã có xem xét đến ưu đãi về thuế, là quy định kế thừa pháp luật trước đây về vấn đề này và phù hợp với luật pháp quốc tế...

 

Tuy nhiên, từ kết quả kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản và ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện các cơ quan liên quan cho thấy: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 115 là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên tại thời điểm ban hành Thông tư này thì Luật thuế TTĐB được sửa đổi, bổ sung năm 2003 và năm 2005 cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này đang có hiệu lực đều không quy định xe thiết kế vừa chở người vừa chở hàng là đối tượng nộp thuế, nhưng đến Thông tư 115 lại quy định và điều này là mở rộng thêm đối tượng so với các Luật, Nghị định làm căn cứ pháp lý nêu trên.

 

Về phân loại xe van, theo Công ước HS và tiêu chuẩn Việt Nam, có 2 loại ô tô kiểu van: ô tô tải van có 1 hoặc 2 hàng ghế để chở hàng; ô tô van chở người (ôtô con), không có loại xe nào thiết kế vừa chở người vừa chở hàng và thực tế có được hoán cải thành xe chở người cũng không đến 16 chỗ ngồi. Do đó, việc Bộ Tài chính có công văn hướng dẫn xác định, phân loại xe là làm sai chức năng của mình.

 

Kiến nghị Bộ Tài chính khắc phục hậu quả

 

Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan cùng cho rằng, việc Bộ Tài chính áp thuế TTĐB với xe van vừa chở người vừa chở hàng theo nhóm từ 16-24 chỗ ngồi là không có cơ sở pháp lý, thể hiện sự lúng túng của cơ quan nhà nước trong việc áp dụng chính sách pháp luật để xử lý vấn đề phát sinh trong thực tế; đồng thời việc Bộ này hướng dẫn xác định phân loại xe van làm cơ sở tính thuế TTĐB là không phù hợp với chức năng của mình. Cụ thể, thẩm quyền phân loại ô tô đã được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải, còn việc phát hiện, xử lý ô tô hoán cải, thay đổi chức năng sử dụng sau nhập khẩu là do Bộ Công an thực hiện.

 

Trên cơ sở những thông tin nêu trên, Cục kiểm tra văn bản khẳng định căn cứ pháp lý, tiêu chí phân loại xe, xếp nhóm xe để thực hiện việc truy thu thuế TTĐB với xe van vừa chở người vừa chở hàng theo Thông tư 115 hướng dẫn là không rõ ràng, do đó việc buộc doanh nghiệp, người kinh doanh phải nộp thuế theo dạng truy thu đối với những lô hàng được nhập khẩu trong khoảng thời gian Thông tư số 115 còn hiệu lực từ ngày 1/1/2006 đến trước 1/4/2009 (ngày có hiệu lực của Luật thuế TTĐB năm 2008) là không đủ cơ sở pháp lý.

 

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho biết, để đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước, và phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể hiện nay thì việc thu thuế với xe van vừa chở người, vừa chở hàng trong thời điểm nêu trên cần được xem xét, xử lý cho hợp lý, khắc phục hậu quả do việc ban hành văn bản trái pháp luật gây ra. Đặc biệt, không để doanh nghiệp, người kinh doanh phải chịu thiệt hai khi buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ khi văn bản không đảm bảo hiệu lực thi hành đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (cụ thể là không đảm bảo căn cứ pháp lý tại thời điểm ban hành)...

 

Theo Hữu Thọ

VnMedia