Bị nhà đầu tư Trung Quốc bỏ rơi, một hãng xe Ý phá sản
(Dân trí) - Chỉ trong vòng khoảng 10 năm, De Tomaso, hãng ô tô Ý từng sở hữu thương hiệu Maserati, đã phải lần thứ hai làm thủ tục phá sản.
Thông báo phá sản được De Tomaso đưa ra sau khi thỏa thuận bán công ty cho tập đoàn Hotyork của Trung Quốc thất bại. Hotyork hứa thanh toán hợp đồng bằng tiền mặt nhưng rồi không thực hiện được, nên De Tomaso rơi vào bế tắc và buộc phải công bố phá sản doanh nghiệp.
Ông Gian Luca Rossignolo, giám đốc hãng De Tomaso, bị tòa án Ý chỉ trích nặng nề vì dù đã được rót khoảng 5 triệu euro (tương đương 6,1 triệu USD) từ nguồn công quỹ, nhưng De Tomaso không hề sản xuất thêm được một mẫu xe nào mới và cũng không thể ra phiên bản sản xuất của mẫu Deauville concept đã trình làng tại Triển lãm ô tô Geneva năm ngoái ở Thụy Sĩ.
Nguồn công quỹ nói trên đang bị điều tra nhưng không liên quan tới việc công ty De Tomaso phá sản. Nếu tòa án kết luận rằng số tiền công quỹ đã bị sử dụng sai mục đích thì ông Rossignolo có thể bị yêu cầu hoàn trả toàn bộ với tư cách cá nhân.
Hiện chưa rõ tương lai của thương hiệu De Tomaso cũng như nhà máy của hãng sẽ ra sao. Bản quyền đối với mẫu xe Deauville đã được bán cho một công ty Trung Quốc từ năm ngoái, với giá 12 triệu euro (khoảng 14 triệu USD).
Hồi đầu năm nay, lãnh đạo De Tomaso đã cảnh báo các nhân viên và chính phủ Ý rằng tình hình tài chính của hãng rất bị đát và có thể phá sản trong tương lai gần.
De Tomaso được thành lập vào năm 1959, ban đầu sản xuất nhiều xe mẫu và xe đua. Hãng đã gây dựng được danh tiếng nhất định trong lĩnh vực xe thể thao và xe sang. Từ năm 1976 đến 1993, De Tomaso sở hữu thương hiệu Maserati, và chịu trách nhiệm sản xuất các xe Biturbo, Kyalami, Quattroporte III, Karif, và Chrysler TC. De Tomaso cũng sở hữu hãng mô-tô Moto Guzzi từ năm 1973 đến 1993.
De Tomaso từng công bố phá sản vào năm 2004, mặc dù sau thời gian này, hãng vẫn sản xuất một số mẫu xe mới. Đến năm 2008, theo yêu cầu của bên làm thủ tục thanh lý phá sản do tòa án chỉ định, cần phải tìm đối tác mua các thương hiệu của De Tomaso. Công ty được Gian Mario Rossignolo mua vào năm 2009, sau đó, một kế hoạch kinh doanh mới được vạch ra. Tuy nhiên, không lâu sau, công ty lại rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, và giờ đây là tuyên bố phá sản.