Bí mật của Porsche - Câu chuyện xôn xao TTCK

(Dân trí) - Không có gì phải bàn cãi về việc Porsche là thương hiệu nổi tiếng thế giới về những mẫu ô tô thể thao đã được xem như chuẩn mực. Nhưng công nghệ chế tạo xe hơi không phải là sức mạnh duy nhất của họ.

 
Bí mật của Porsche - Câu chuyện xôn xao TTCK - 1
 
Năm ngoái, trong khi nhiều công ty điêu đứng thì giá cổ phiếu của Porsche tăng gấp 6 lần. Có lẽ không phải vô cớ mà những người trong ngành nửa đùa nửa thật gọi Porsche là quỹ phòng vệ rủi ro (hedge fund) “đính kèm” một nhà sản xuất ô tô.

 

Porsche cho biết hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) của họ chỉ vì một động lực: hướng tới mục tiêu dài hạn là kiểm soát tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen.

 

Vào tháng 10/2008, Porsche gây ra một cơn sốt chưa từng có trên TTCK, khi họ bất ngờ hé lộ đã nắm chắc quyền sở hữu hơn 74% cổ phần Volkswagen. Giá trị cổ phiếu Volkswagen tăng vọt lên hơn 1.000 euro, trở thành doanh nghiệp có giá trị nhất trên sàn chứng khoán thế giới.

 

Khi đó bắt đầu xuất hiện thông tin cho rằng, những quỹ phòng vệ đầu tư từng quả quyết vào tương lai giảm giá của cổ phiếu Volkswagen đã lỗ từ 10 tỷ đến 40 tỷ euro.

 

Porsche khẳng định không làm gì sai và cho biết họ chẳng thu được chút lợi nhuận nào từ cơn sốt trên, nhưng thực tế là một số quỹ đầu tư rất căm hận Porsche. Hiện cơ quan quản lý tài chính Đức, BaFin, đang tiến hành điều tra sự việc.

 

Chuyện quá khứ

 

Lâu nay đã có quá nhiều câu chuyện, thật có, thêu dệt có về Porsche, Volkswagen và quan hệ giữa hai bên.

 

Ngài Ferdinand Porsche đã thiết kế mẫu xe Volkswagen Beetle huyền thoại vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Và đây là mẫu xe đã trở thành một biểu tượng của nền kinh tế Đức.

 

Sau thành công với mẫu Beetle, ông Porsche thành lập một công ty riêng, mang họ mình, nổi tiếng với việc sản xuất các mẫu xe thể thao tính năng vận hành cao, tốc độ ấn tượng. Gia đình Porsche vẫn sở hữu công ty mà ông của họ sáng lập, nhưng giờ đây muốn vươn quyền sở hữu sang cả Volkswagen - doanh nghiệp có quy mô lớn gấp 14 lần Porsche.

 

Volkswagen nắm trong tay một loạt thương hiệu lớn trong làng xe châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, gồm Seat, Audi, Lamborghini, Bugatti và Bentley.

 

Những cá tính mạnh

 
Tình trạng suy thoái hồi đầu thập niên 90 đã gây tác động mạnh đến Porsche và từng có một số người đặt câu hỏi: "Liệu công ty có thể tồn tại?".

 

Năm 1993, ông Wendelin Wiedeking được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc điều hành Porsche. Cùng với giám đốc tài chính Holger Haerter, ông đã gây dựng được lòng tin bằng việc xoay chuyển tình thế công ty.

 
Bí mật của Porsche - Câu chuyện xôn xao TTCK - 2
Giám đốc điều hành Porsche - Wendelin Wiedeking
 
Ông Arndt Ellinghorst, giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường ô tô tại châu Âu của ngân hàng Credit Suisse Thuỵ Sĩ, nhận xét: “Wiedeking đã có những quyết định phải nói là mạo hiểm trong việc cho ra mắt các mẫu xe mới.”

 

Họ cũng áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí, nhưng quan trọng hơn cả là Haerter đã dùng tiền mặt của Porsche để tìm cơ hội trên thị trường tài chính. Ông là người không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất xe hơi, nhưng lại khá dày dạn trong việc quản lý vốn. Bằng tài năng và sự nhạy bén, cuối cùng ông đã giúp Porsche tiến gần tới mục tiêu cuối cùng - thâu tóm Volkswagen.

 

Việc nắm quyền kiếm soát Volkswagen sẽ đồng nghĩa với việc sở hữu cơ sở hạ tầng sản xuất xe rất lớn, các công nghệ, và quan trọng nhất là nguồn tài chính của tập đoàn này.

 

Luật Volkswagen

 

Năm 2005, Porsche âm thầm khởi động việc gia tăng cổ phần trong Volkswagen. Và đến tháng 9/2008, hãng đã nắm giữ 35,14% cổ phần Volkswagen.

Bí mật của Porsche - Câu chuyện xôn xao TTCK - 3

Mặc dù Porsche khẳng định rằng mục tiêu dài hạn của họ là thâu tóm Volkswagen, nhưng những người trong cuộc đều hiểu rằng mục tiêu đó còn bị ngăn cản bởi một quy định kỳ cục: Luật Volkswagen.

 

Đây thực chất là các quy định được đặt ra nhằm bảo vệ tập đoàn Volkswagen khỏi âm mưu thôn tính của các đối thủ. Theo luật này, cần có tỷ lệ 80% sự đồng ý của cổ đông mới có thể thông qua những quyết định quan trọng của doanh nghiệp.

 

Trong khi đó, chính quyền bang Lower Saxony của Đức, nơi tập đoàn đặt trụ sở, lại nắm giữ 20,1% cố phần, tức là nắm trong tay quyền quyết định.

 

Do đó, để đạt được mục tiêu cuối cùng đầy tham vọng của mình, trước tiên Porsche phải vô hiệu hoá quy định này. Và họ đang nỗ lực làm điều đó.

 

Porsche đang gây áp lực đối với cả Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ Đức để bãi bỏ quy định vô lý này.

 

Trong lúc Luật Volkswagen vẫn còn hiệu lực thì người ta đều hiểu rằng việc Porsche tăng tỷ lệ sở hữu Volkswagen cũng chẳng có mấy ý nghĩa. Nhưng đôi khi, sự việc không hoàn toàn như vậy…

 

Bán khống cổ phiếu

 

Vào tháng 7 năm ngoái, cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng đã gây tác động mạnh đến ngành chế tạo xe hơi, và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ô tô trên khắp thế giới sụt giảm mạnh.

 

Riêng giá cổ phiếu của Volkswagen vẫn cao.

 

Theo tính toán của các giám đốc quỹ phòng vệ đầu tư, giá cổ phiếu Volkswagen không thể giữ mãi ở mức cao như vậy, và tin rằng có thể tranh thủ đút túi chút đỉnh bằng hoạt động bán khống, tức là “vay” cổ phiếu Volkswagen từ bên thứ 3 - các công ty chứng khoán, với kỳ vọng giá sẽ giảm trong tương lai, để khi đó, họ có thể mua cổ phiếu trên thị trường ở giá thấp, trả lại số đã vay, và đút túi khoản chênh lệch.

 

Bí mật của Porsche - Câu chuyện xôn xao TTCK - 4
 
Lập tức, cổ phiếu Volkswagen trở thành “hàng hot” ở châu Âu.

 

Tuy nhiên, bất chấp tình trạng sụt giảm chung trên thị trường, vào cuối mùa hè năm ngoái, cổ phiếu Volkswagen không hề xuống giá. Và lý do đã được hé lộ.

 

Chủ Nhật, ngày 26/10/2008, Porsche thả ra một “quả bom”. Họ tuyên bố đã tăng tỷ lệ sở hữu Volkswagen lên 42,6% và giữ quyền chọn mua cổ phiếu thêm 31,5% tức là tương lai sẽ nắm giữ tới 74,1% cố phiếu Volkswagen.

 

Những người bán khống giờ đây mới ngã ngửa, và cuống cuồng tìm cách mua lại cổ phiếu trên TTCK để trả số đã vay trước đó. Nhưng lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường cũng không có nhiều, vì Porsche đang nắm giữ quá nhiều. Cầu vượt cung, cổ phiếu Volkswagen một lần nữa đắt giá.

 

Porsche đã làm gì?

 

Bí mật của Porsche - Câu chuyện xôn xao TTCK - 5
 
Porsche có thể tiến hành việc thu gom cổ phiếu Volkswagen bí mật như vậy bằng cách sử dụng công cụ tài chính gọi là quyền chọn mua cổ phiếu tương lai (cash settled call options). Theo đó, người mua có thể ký hợp đồng mua cổ phiếu nào đó ở một mức giá cạnh tranh, và thanh lý hợp đồng vào một ngày xác định trong tương lai.

 

Nghiệp vụ này cho phép bên mua nhận cổ phiếu, hoặc chỉ nhận phần tiền chênh lệch giữa giá mua thoả thuận trên hợp đồng với giá thị trường vào thời điểm thanh lý hợp đồng, tất nhiên nếu giá lên.

 

Và Porsche đã chứng tỏ sự thành thục của mình trong loại hình nghiệp vụ tài chính này.

 

Tại Anh, bất cứ việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần nào trong một công ty vượt con số 30% đều phải công khai, dù có thông qua nghiệp vụ quyền mua hay không. Nhưng ở Đức không có quy định đó, và chính điều này cho phép Porsche bí mật tăng tỷ lệ sở hữu Volkswagen.

 

Đặng Lê
Theo BBC