Bàn thua của Trung Quốc trên “sân chơi” lớn

(Dân trí) - Mỹ đã giành thắng lợi ban đầu trong một vụ kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đối với các chính sách thuế của Trung Quốc, gây trở ngại cho hoạt động nhập khẩu phụ tùng ô tô nước ngoài.

Sau khi các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin về báo cáo mật của WTO tại Geneva (Thuỵ Sĩ), một quan chức thương mại Mỹ cho biết WTO đồng ý với Mỹ rằng Trung Quốc đã hành động trái với các cam kết WTO.

 

Báo cáo cuối cùng của WTO dự kiến sẽ được công bố trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là “bàn thua” đầu tiên của Trung Quốc tại WTO.

 

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đệ đơn kiện lên WTO từ tháng 3/2006, sau đó, Canađa cũng nhập cuộc. “Bộ ba” này kiện Trung Quốc áp dụng chính sách thuế mang tính chất ngăn cản các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sử dụng phụ tùng nhập khẩu.

 

Khi khởi kiện, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết, theo các cam kết gia nhập WTO của Trung Quốc, nước này sẽ phải áp thuế suất đối với phụ tùng ô tô nhập khẩu thấp hơn nhiều so với ô tô nguyên chiếc. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc đã đánh thuế phụ tùng ô tô nhập khẩu bằng với thuế suất đối với ô tô nguyên chiếc nếu xe đó không đáp ứng được các quy định về tỷ lệ nội địa hoá.

 

Theo quy định hiện thời của Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô nội địa phải sử dụng 60% phụ tùng do Trung Quốc sản xuất; nếu không sẽ bị áp thuế cao hơn.

 

Sau khi kết luận sơ bộ của WTO về vụ kiện được công bố, phía Trung Quốc có thể kháng cáo. Tuy nhiên, phía Mỹ, EU và Canađa cũng sẽ có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu WTO đưa ra phán quyết cuối cùng đứng về phía họ và Bắc Kinh từ chối thay đổi chính sách thuế đối với phụ tùng ô tô nhập khẩu.

 

Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, với cam kết sẽ mở cửa thị trường nội địa cho các công ty nước ngoài và tuân thủ các quy định của WTO đối với hoạt động thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã nhiều lần phàn nàn việc Trung Quốc chậm trễ thực hiện cam kết WTO.

 

Mỹ cũng đã than phiền về tình trạng vi phạm bản quyền phim và nhạc tại Trung Quốc.

 

Trong khi đó, EU cũng đang cân nhắc việc khởi kiện lên WTO việc Trung Quốc có chính sách hạn chế các tập đoàn tin tức tài chính nước ngoài.

 

Ngược lại, Trung Quốc cũng phàn nàn về việc EU áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu giày của Trung Quốc.

 

Đặng Lê

Theo Reuters, BBC