Bắc Kinh dự kiến áp dụng quy định biển chẵn-lẻ

(Dân trí) - Chính quyền Bắc Kinh dự kiến áp dụng quy định biển chẵn-lẻ như thời Olympic 2008 nhằm giải quyết tình trạng tắc đường đang ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vấn đề không nằm ở số lượng xe, mà ở công tác quản lý và quy hoạch thành phố.

Hình ảnh tắc nghẽn giao thông thường thấy ở Bắc Kinh vào giờ cao điểm
Hình ảnh tắc nghẽn giao thông thường thấy ở Bắc Kinh vào giờ cao điểm

 

Ủy ban giao thông Bắc Kinh cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ cân nhắc việc áp dụng quy định ô tô mang biển chẵn và lẻ sẽ lưu thông luân phiên từng ngày trong tuần ở những khung giờ nhất định và một số khu vực nhất định nhằm giải quyết tình trạng tắc đường đang ngày càng nghiêm trọng.

 

Biện pháp tương tự đã từng được Bắc Kinh áp dụng trong hai tháng hồi sự kiện Olympic 2008 diễn ra để giải quyết nạn tắc đường và cải thiện chất lượng không khí thành phố. Kết quả là lưu lượng giao thông đã giảm 21% trên các tuyến đường chính và tốc độ trung bình của các xe đã tăng được khoảng 27% chỉ trong vòng một tháng, theo công bố của các cơ quan chức năng.

 

Tuy nhiên, biện pháp này không còn được áp dụng kể từ sau sự kiện Olympic.

 

Dù đã áp dụng nhiều quy định mới, nhưng vẫn không thể giải quyết tình trạng tắc đường ở Bắc Kinh, khiến các cơ quan chức năng của thành phố này phải tìm kiếm ý tưởng khác - giáo sư Chen Yanyan của Trung tâm nghiên cứu giao thông, thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh, cho biết.

 

Hiện có hơn 5 triệu xe lưu thông ở Bắc Kinh - thành phố có dân số hơn 20 triệu người, nên đây trở thành một trong những có tình trạng tắc nghẽn giao thông tệ nhất Trung Quốc.

 

Theo quy định về số cuối của biển đăng ký ở Bắc Kinh, các xe hiện đã bị hạn chế lưu thông một ngày/tuần. Bên cạnh đó là các biện pháp khác như tăng phí đỗ xe, hay giới hạn số lượng ô tô đăng ký mới ở mức 20.000 xe/tháng thông qua cơ chế quay số.

 

“Một đặc điểm chính của nạn tắc đường ở Bắc Kinh là tập trung vào một số khoảng thời gian và khu vực nhất định,” bà Chen cho biết. “So với các biện pháp trước, việc quy định lưu thông theo biển chẵn-lẻ linh hoạt hơn để kiểm soát lưu lượng giao thông.”

 

Tuy nhiên, tổng thư ký Hiệp hội giao thông đường bộ Trung Quốc, ông Wang Limei, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng, vì biện pháp này có thể giúp giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông trong ngắn hạn, nhưng không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

 

“Giờ đây các tài xế đã bị cấm ra đường một ngày/tuần, nhưng như thế vẫn còn chấp nhận được. Nếu chỉ được dùng ô tô cách nhật thì sẽ bận tiện hơn rất nhiều, và nhiều người có thể sẽ mua thêm một chiếc ô tô cũ để đối phó,” ông cho biết.

 

Ông Fan Xiaole, một doanh nhân ở Bắc Kinh, cũng cho rằng biện pháp trên không phải là hay, và có thể sẽ gây phiền phức cho người dân.

 

Ông Liu Fuli, một chuyên gia về tắc nghẽn giao thông, cho rằng vấn đề gốc rễ nằm ở công tác quản lý và quy hoạch thành phố, ví như nhiều khu nhà gỗ một tầng ở khu vực nông thôn đã bị thay thế bằng các tòa nhà cao tầng, khiến lưu lượng xe tham gia giao thông tăng lên.

 

Ý kiến này của ông Liu cũng trùng với báo cáo mới đây của Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, cho biết hơn một nửa lưu lượng xe của thành phố dồn về đường vành đai 3, trong khi đây chỉ là một khu vực rất nhỏ của Bắc Kinh.

 

Báo cáo này cho rằng gốc rễ của vấn nạn tắc đường là sai lầm trong quy hoạch thành phố. Mặc dù Bắc Kinh đã triển khai kế hoạch xây dựng 14 khu đô thị vệ tinh từ năm 1993, nhưng các khu mới này gần như bị bỏ hoang vì thiếu các biện pháp hỗ trợ, trong khi hoạt động kinh tế ở khu vực trung tâm thành phố vẫn phát triển mạnh.

 

Theo giáo sư Chen của Trung tâm nghiên cứu giao thông, cần nâng cao chất lượng dịch vụ giao thông công cộng để giải quyết tình trạng tắc đường. “Nếu mọi người thấy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là thuận tiện thì các biện pháp hành chính như hạn chế sử ô tô mới dễ được chấp nhận.

 

Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm phát triển hệ thống giao thông công cộng. Thành phố dự kiến mở rộng mạng lưới tàu điện ngầm lên 440km trong năm nay, tức là tương đương với hệ thống của các thành phố lớn trên thế giới, như London.

 

Hàng chục ngàn chiếc xe đạp công cộng cũng đã được bố trí quan khu vực trung tâm thành phố, với mục tiêu đạt số lượng 50.000 chiếc trong vài năm tới.

 

Dù vậy, dịch vụ giao thông công cộng của Bắc Kinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là tàu điện ngầm thường xuyên quá tải.

 

Nhật Minh

Theo China Daily