Áp dụng công nghệ vào chẩn đoán bệnh ô tô - Khó mà dễ!

(Dân trí) - Chỉ với một thiết bị công nghệ, các kỹ thuật viên có thể tìm thấy ngay bệnh mà chiếc ô tô đang mắc phải. Qua đó, giúp công việc nhanh hơn, giải quyết các lỗi xe dễ dàng hơn.

dsc0947-5b1e8

Các thiết bị kết nối không dây và kiểm tra bệnh của ô tô 

Hội thảo "Công nghệ chẩn đoán trên xe hơi hiện đại" thu hút 300 sinh viên đến từ các trường đại học, các kỹ thuật viên đang làm việc tại TPHCM. Đây là hội thảo đầu tiên tại Việt Nam về việc áp dụng công nghệ vào chẩn đoán bệnh cho ô tô.

Tại đây, BTC đã giới thiệu về lịch sử hình thành nên công nghệ chẩn đoán ô tô "OBD" - viết tắt từ cụm "On-board Diagnostics - hệ thống chẩn đoán trên xe".

Theo đại diện OBD Việt Nam, hệ thống này có từ những năm cuối thập niên 70, ban đầu nó chỉ dùng để kiểm tra, chẩn đoán tính năng công tác của động cơ.

Đến năm 1996, OBD II đã chính thức ra mắt và được áp dụng hầu hết vào các dòng xe tại Mỹ.

Về bản chất, hệ thống này có thể ghi nhận và lưu trữ các thông tin về xe, các lỗi liên quan đến động cơ, hệ thống điện, nhiên liệu, không khí, khí thải... để giúp các kỹ thuật viên có thể sử dụng thiết bị cắm vào hệ thống này để tìm ra các bệnh của xe, nhằm sửa chữa nhanh chóng các lỗi xảy ra.

dsc0932-4823c
Một thiết bị 500.000 đồng được kết nối và kiểm tra lỗi, truyền thông tin về thiết bị di động bằng công nghệ Bluetooth

Chia sẻ với Dân trí, Kỹ sư Nguyễn Thanh Đàm, Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật ô tô Việt Nam - Chuyên gia về thiết bị và chẩn đoán ô tô, cho biết: "Bạn có thể hình dung rằng, với một người bác sĩ, họ có một hệ thống siêu âm, chụp CT thì có thể nắm được bộ phân cơ thể của bạn đang gặp vấn đề gì... thì công nghệ chẩn đoán ô tô cũng vậy".

"Ô tô có khá nhiều chi tiết và ở Việt Nam, nhiều kỹ thuật viên hay áp dụng các phương pháp truyền thống như bắt bệnh bằng kinh nghiệm thì chưa chắc tìm ra bệnh cũng như khắc phục triệt để. Do đó, công nghệ này sẽ giúp ích rất nhiều, nó giúp các kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh nhanh hơn, khắc phục lỗi dễ dàng hơn."

Tuy lợi ích là vậy nhưng theo Kỹ sư Đàm, các kỹ thuật viên Việt vẫn còn có khá nhiều rào cản để tiếp cận thiết bị. "Tất cả các thiết bị chẩn đoán bệnh hiện nay đều sử dụng tiếng Anh. Đồng thời, các phần mềm chuyên dụng cũng là tiếng Anh và liên tục được cập nhật. Do đó, việc tiếp cận các thiết bị này khó khăn hơn các nước."

img-0235-35d73

Phần mềm phát hiện lỗi trên xe. Hình trên cho thấy hệ thống túi khí đang gặp lỗi

"Nhưng "khó" mà bỏ qua việc áp dụng công nghệ vào sửa chữa thì sẽ bị tụt hậu và không thể nâng cao tay nghề. Chỉ cần thời gian, liên tục thử nghiệm và đọc các tài liệu được cung cấp bằng tiếng Việt. Chuyện khó hóa ra dễ dàng hơn và người kỹ thuật viên sẽ làm chủ được nó dễ dàng." Kỹ sư Đàm cho biết thêm.

Qua những thử nghiệm ban đầu, một kỹ thuật viên đến từ quận Gò Vấp cho biết: "Khá bỡ ngỡ khi tiếp cận chiếc máy chẩn đoán bệnh vì nó toàn là tiếng Anh và có nhiều tính năng. Đây cũng là lần đầu tiên mình thử nghiệm việc chẩn đoán bằng máy, trong khi trước đó chỉ làm theo truyền thống, dựa vào các kinh nghiệm sửa xe của mình. Tuy nhiên, khi được các kỹ sư giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại hội thảo lần này, mình thấy được rất nhiều lợi ích, nhất là việc chẩn đoán bệnh nhanh hơn. Tất nhiên, cần có thời gian để có thể làm quen và tiếp cận công nghệ nhưng mình nghĩ nó không khó."

Quốc Phan