Akio Toyoda - CEO phá vỡ truyền thống Toyota

(Dân trí) - Chủ tịch kiêm CEO Akio Toyoda của Toyota đã liên tiếp có những thoả thuận hợp tác phát triển sản phẩm với các hãng xe khác, như Ford và Tesla, theo một cung cách hoàn toàn khác với truyền thống lãnh đạo ở Toyota.

Trong thời gian 2 năm lãnh đạo tập đoàn, Akio Toyoda, cháu nội của người sáng lập Toyota, đã khéo léo chuyển các mối quan hệ cá nhân với một số lãnh đạo các nhà sản xuất ô tô khác thành những hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đặc biệt hơn nữa là ông thực hiện việc đó với tiến độ rất nhanh.

 

Với Ford, Tesla, Aston Martin hay Lotus, ông Akio Toyoda trước tiên thiết lập quan hệ hữu hảo với các CEO, rồi sau đó là tìm cách hợp tác.

 

Với CEO Alan Mulally của Ford, mọi việc bắt đầu khi hai người gặp nhau trong phòng chờ sân bay. Với CEO Elon Musk của Tesla, quan hệ bắt đầu với những ly vang đỏ trên bàn ăn. Với ông Ulrich Bez của Aston Martin, bắt đầu là những câu chuyện phiếm trên đường đua.

 

Phát triển dựa trên quan hệ cá nhân là một chiến lược kinh doanh phổ biến từ lâu ở Nhật Bản. Nhưng ông Toyoda đưa chiến lược này lên một tầm mới. Hiếm khi lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản vừa tiến hành thoả thuận hợp tác, vừa thoải mái công khi quan hệ cá nhân đằng sau nó, và việc này lại càng hiếm ở Toyota, nơi có trình tự ra quyết định của ban lãnh đạo khá bảo thủ.

 

Một người kín đáo như ông Toyoda - thường xuất hiện với hình ảnh khiêm nhường, thái độ dè dặt - lại trở nên sôi nổi, thoả mái và hoà nhã trong quan hệ với lãnh đạo một số hãng ô tô. Những người đồng cấp thậm chí còn yêu mến đến mức tặng ông cả một chiếc xe hơi mới. Năm ngoái, gara của ông có thêm một chiếc Tesla Roadster do ông Musk tặng, và một chiếc Lotus Elise do ông Dany Bahar, CEO của tập đoàn Lotus, tặng.

 

Kết giao nhanh

 

Akio Toyoda - CEO phá vỡ truyền thống Toyota - 1
Ông Akio Toyoda (trái) và CEO Ulrich Bez của Aston Martin trên đường đua Nurburgring 24-hour ở Đức. (Ảnh: Automotive News)

 

“Tập đoàn Toyota luôn rất thận trọng và dè dặt trong việc bắt đầu một quan hệ hợp tác. Thường phải mất hàng năm trời đàm phán và xây dựng niềm tin. Nếu chiếu theo chuẩn Toyota, ông Akio đang tiến hành mọi thứ rất nhanh, giống tính cách ông ấy, và có thể một phần do cuộc khủng hoảng triệu hồi xe,” giáo sư Jeffrey Liker ngành cơ khí của Đại học Michigan, người đã viết 6 cuốn sách về Hệ thống sản xuất của Toyota, nhận xét.

 

Ông Toyoda đang phá vỡ truyền thống để biến một tập đoàn bảo thủ trở thành một đối thủ cạnh tranh linh hoạt.

 

Trong thương vụ hợp tác với Ford, nhóm phát triển sản phẩm của hai bên lần đầu gặp mặt vào tháng 4. Chỉ 4 tháng sau đó, Toyota và Ford công bố kế hoạch hợp tác sản xuất hệ thống hybrid cho xe bán tải và SUV.

 

Với nhà sản xuất ô tô chạy điện Tesla, ông Toyoda và ông Musk lần đầu thảo luận về khả năng hợp tác là trong một bữa ăn tại Palo Alto, tiểu bang California, Mỹ, vào tháng 5/2010. Chỉ 6 tháng sau đó, tại Triển lãm ô tô Los Angeles, Toyota giới thiệu xe RAV4 phiên bản chạy điện sử dụng công nghệ của Tesla.

 

Ông Toyoda đang có cách thức triển khai công việc khác hẳn truyền thống lãnh đạo Toyota, trong nỗ lực khôi phục hình ảnh tập đoàn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng triệu hồi xe.

 

Sử dụng quan hệ cá nhân và tăng quyền ra quyết định cho các lãnh đạo vùng là một phần trong quan điểm lãnh đạo của ông Toyoda. Và bằng mối kết giao với CEO của các hãng xe thể thao, ông Toyoda có thể kỳ vọng thay đổi mang tính bước ngoặt cho danh mục sản phẩm của Toyota.

 

Mặc dù thương vụ với Ford và Tesla là lớn nhất, tức là các dự án xe “sạch”, nhưng cá nhân ông Toyoda lại thích công nghệ và tính năng vận hành cao. Thương vụ với hãng xe thể thao Lotus là một minh chứng. Toyota đã cung cấp động cơ cho Lotus trong nhiều năm.

 

Thế giới của James Bond

 

Chính chuyến thăm một số khu thử xe của Lotus đã khiến Akio Toyoda, khi đó còn là một thanh niên, say mê những chiếc xe thể thao của Lotus và thôi thúc ông theo đuổi những dự án mới. Trong lễ đón nhận chiếc Elise mới do CEO của Lotus tặng, ông Toyoda đã nhớ lại chuyến thử xe Lotus ở Norwich, Anh, và chuyến thăm xưởng sản xuất ngầm của Lotus mà ông ví như “bước vào thế giới của James Bond 007”.

 

“Có thể nói, đường thử xe của Lotus là nơi bắt đầu sự nghiệp cầm lái của tôi,” ông Toyoda phát biểu trong buổi lễ.

 

Akio Toyoda - CEO phá vỡ truyền thống Toyota - 2
Ông Akio Toyoda và CEO Dany Bahar của Lotus trong lễ trao tặng xe Elise

 

Một tháng sau đó, hai bên công bố việc tập đoàn Toyota sẽ cung cấp hệ thống hybrid xăng-điện như một trang bị tuỳ chọn cho xe Lotus Elite động cơ V8 5.0L, dự kiến có mặt trên thị trường vào năm 2014.

 

Một người bạn CEO khác của ông Toyoda là Ulrich Bez của Aston Martin. Ông Toyoda và Bez gặp nhau trên đường đua Nurburgring 24-hour ở Đức năm 2007. Hai người đã thực sự cầm lái ganh đua.

 

“Là một tay lái mê xe, ngài Bez và tôi rất hợp nhau. Sau lần đó, chúng tôi gặp mặt ở Nurburgring hằng năm và đua với nhau. Mẫu xe Aston Martin Cygnet khai sinh từ quan hệ này,” ông Toyoda viết trên blog của mình vào tháng 6, dưới tên “Morizo”.

 

Có mặt trên thị trường từ tháng 6 năm nay, Cygnet là mẫu xe mini được phát triển dựa trên Toyota iQ, nhưng có trang bị nội thất cao cấp hơn, gắn mác và mang thiết kế lưới tản nhiệt đặc trưng của Aston Martin.

 

Thế giới công nghệ

 

Trên lĩnh vực công nghệ cao, ông Toyoda gần đây mê Marc Benioff, CEO của Salesforce.com, một công ty điện toán đám mây ở San Francisco, Mỹ. Hồi tháng 5, hãng đã ra mắt mạng xã hội Toyota Friend mang lại cho khách hàng của Toyota khả năng kết nối với các xe khác, các đại lý và hãng Toyota.

 

Một lần nữa, quan hệ hợp tác này không phải sản phẩm của các cán bộ phát triển thị trường hay pháp chế, mà do cuộc trao đổi giữa hai CEO trong một buổi chiêu đãi tại tư gia của ông Benioff ở Hawaii.

 

Khi ông Toyoda gặp CEO Alan Mulally của Ford, hai bên có thể đã lần đầu trao đổi danh thiếp. Nhưng quan hệ thực sự giữa ông Mulally với Toyota đã có từ trước đó.

 

Trước khi về làm CEO cho Ford vào năm 2006, ông Mulally giữ cương vị lãnh đạo bộ phận máy bay dân dụng của Boeing, và đã học mô hình của Toyota để áp dụng vào quy trình sản xuất của Boeing. Boeing thậm chí từng trực tiếp nhờ Toyota giúp đỡ trong việc này, và Toyota đã cử các chuyên gia đến tư vấn cho Boeing về quy trình sản xuất.

 

Giáo sư Jeffrey Liker cho biết: “Cả ông Mulally và Akio Toyoda đều nắm giữ quyền lực khủng khiếp trong bộ máy của mình, và nếu họ cho rằng việc hợp tác là một ý tưởng hay, họ có thể triển khai ngay tức thì.”

 

Ông Toyoda đang sử dụng quyền lãnh đạo đó một cách tự tin hơn khi ông đã ổn định trên cương vị là người đứng đầu Toyota. Điều này được thể hiện ở vai trò người có tiếng nói quyết định cuối cùng trong việc phát triển sản phẩm của Toyota - gần đây nhất, ông đã cứu dòng Lexus GS khỏi nguy cơ bị đào thải và trực tiếp giám sát việc thiết kế lại xe này.

 

Và vì ông tin vào bản năng của mình với xe hơi, nên ông cũng nghe theo cảm nhận cá nhân với những người bạn CEO khi tìm kiếm đối tác.

 

Nhật Minh

Theo Automotive News