1,3 triệu xe ô tô có thể bị phạt vì không có giấy tờ gốc?
(Dân trí) - Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Văn phòng Luât sư Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc xử phạt chủ xe không có giấy đăng ký xe bản chính hiện đang gây xáo động dư luận là không sai với các Luật đã quy định. Tuy nhiên, việc ngân hàng cho vay mua ô tô chỉ có thể cầm giấy đăng ký xe bản chính, không còn cách nào khác được.
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao chuyện Cảnh sát Giao thông xử phạt xe ô tô không có giấy tờ đăng ký xe bản chính, mặc dù chủ xe có xuất trình giấy đăng ký xe bản sao công chứng. Nhiều chủ xe trong số đó cho biết đang thế chấp bản chính tại ngân hàng, xe thuộc diện vay mua trả góp.
Quy định pháp luật chưa thống nhất
Việc không thừa nhận giấy tờ xe bản photo công chứng đang tạo ra nhiều ý kiến dư luận, và những cuộc chiến pháp lý liên quan đến quy định của Luật, ngân hàng với cơ quan công an và người tiêu dùng là đối tượng phải gánh chịu cuối cùng.
Trên thực tế, khi vay mua ô tô trả góp, người dân đều bị các ngân hàng giữ lại giấy tờ gốc là Giấy đăng ký xe. Theo LS Trương Thanh Đức, việc này có yếu tố lịch sử để lại. Từ năm 2007 đến năm 2011, theo Nghị định 63 của Chính phủ, các ngân hàng được phép giữ giấy tờ bản gốc của khách hàng, nên những người vay thế chấp xe tại ngân hàng lưu thông xe đều xuất trình giấy tờ bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng.
Tuy nhiên, năm 2012, Chính phủ ra Nghị định 11, không cho phép ngân hàng tiếp tục giữ giấy tờ gốc của người vay mua ô tô, vì sai Luật.
Theo quy định, với tài sản thế chấp ngân hàng (NH), chủ sở hữu không được chuyển nhượng, không cầm cố..., nhưng thực tế vấn đề này ở Việt Nam vô cùng rủi ro. "NH giữ giấy tờ gốc của dân là sai nhưng họ không thể buông được bởi ngay cả đất cát, người dân dù nợ NH, cắm cả sổ đỏ nhưng vẫn bán trao tay cho người khác được. Đối với ô tô thì lại càng dễ để bán trao tay, chạy từ bắc vào Nam, lúc ấy biến thành nợ ngân hàng kiện cáo nhau mệt. Sau vài năm, xe nát bét ra nhưng vẫn chưa thu được vốn", LS Đức cho biết.
Chính vì vậy, theo ông Đức: Sống chết gì thì NH vẫn sẽ giữ bản chính và hiện trên cả nước có khoảng 1,3 triệu xe ô tô đang là con nợ của các ngân hàng, đồng nghĩa với 1,3 triệu xe không có đăng ký bản chính bên mình.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều người vay mua ô tô trả góp đang lưu hành xe, sử dụng xe một cách hợp pháp. Thị trường tín dụng cho vay mua ô tô đang phát triển và mở rộng. Nhiều người cho rằng, nếu tiếp tục xử phạt xe không giấy tờ gốc sẽ khiến thị trường vay mua ô tô sớm phá sản hoặc có thể phát sinh nhiều "mánh" của giới NH để lách Luật, quy định, cuối cùng người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt.
Không thể xử phạt người dân
Theo LS Đức: Việc xử phạt xe không có giấy đăng ký bản chính của công an là không sai, không trái luật. Tuy nhiên, vấn đề không phải lỗi của người dân, người sở hữu xe.
Ông Đức nói: "Không thể xử lý, xử phạt đại trà bởi nếu làm thế mọi thứ sẽ rối tung lên. Chắc chắn phải xử lý mềm dẻo bởi các NH hiện không đưa vấn đề cầm cố giấy tờ bản chính của xe trong hợp đồng cho vay với khách hàng. Họ giữ bản gốc của người vay mua ô tô bằng kiểu thỏa thuận khách hàng làm đơn đề nghị NH giữ hộ bản chính vì sợ thất lạc"
LS Đức cho rằng, vấn đề pháp lý và thực tế ở Việt Nam vênh nhau khủng khiếp, khoảng 180 độ. "Luật không cho NH cầm giấy đăng ký xe bản chính nhưng thực tế hiện nay NH không thể buông giấy bản gốc được, mà giữ giấy lại thì trái Luật. Theo tôi, vấn đề này phải đưa ra Quốc hội để điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan".
Còn nếu chấp nhận vay thế chấp xe, người dân phải chịu rủi ro pháp lý khi công an xử phạt, nếu không sẽ không vay được vốn. "Việc giải quyết vấn đề hiện nay là chúng ta phải đưa ra 2 loại giấy tờ, một là giấy sở hữu và 2 là giấy chứng nhận đăng ký xe như các nước đã và đang làm. Giấy sở hữu thì giao cho NH cầm giữ, còn giấy đăng ký xe sẽ xuất trình cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Việt Nam từ trước đến nay chưa bao giờ có giấy tờ sở hữu cả", LS Đức nói.
Nguyễn Tuyền