10 cách chống trộm xe hữu hiệu
(Dân trí) - Ở Mỹ, theo thống kê chính thức thì trung bình 25,5 giây lại có một xe bị mất cắp. Công nghệ chống trộm ngày càng tân tiến đã hạn chế bớt tỷ lệ này; tuy nhiên trên thực tế, nguyên nhân xe “bốc hơi” thường do những lỗi rất ngớ ngẩn của chủ sở hữu, như quên khóa cửa xe, bỏ ra ngoài trong lúc chìa vẫn cắm ổ…
Ủy ban phòng chống tội phạm xe hơi thuộc Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ đã đưa ra một số lời khuyên giảm thiểu nguy cơ mất trộm như sau:
1. Khóa
Đôi khi, các ông chủ hay nghĩ tới những công nghệ tiên tiến xa xôi mà quên mất biện pháp an ninh rẻ tiền và đơn giản nhất, có thể áp dụng cho mọi loại xe: khóa. Kéo cửa sổ xuống, hạ mui xếp (nếu là xe mui trần), khóa cửa chính và luôn giữ chìa khóa bên mình.
2. Không cho cơ hội “động lòng tham”
Đừng quăng bừa bãi những đồ có giá trị như iPod, điện thoại, ví… ở ghế trước khi rời xe. Hãy giấu chúng kín đáo trong hộp đồ.
3. Khắc mã VIN
Việc khắc mã VIN (mã số nhận dạng xe) lên kính cửa sổ cũng là một ý tưởng không tồi, bởi sau khi ăn trộm xong, bọn đạo chích sẽ phải mất công thay lại toàn bộ cửa kính rồi mới bán lại được bằng mã VIN giả. Chỉ nghĩ tới công đoạn này thôi cũng đủ khiến nhiều tên bỏ cuộc.
4. Đỗ xe nơi có chiếu sáng
Bóng tối là đồng lõa của tội ác. Đừng cho chúng cơ hội ra tay bằng cách đỗ xe lẩn khuất trong một góc tối thui không ai nhìn thấy gì.
5. Chọn bãi đỗ có người trông
Vì phần lớn các vụ trộm xe đều diễn ra nơi vắng vẻ, không có bảo vệ hoặc camera quan sát.
6. Cẩn trọng khi giao chìa khóa cho người giữ xe
Trong trường hợp hợp này, tốt nhất nên làm lại một trong hai chìa khóa nếu cửa xe dùng chung chìa với cốp hoặc ngăn chứa đồ (và tuyệt đối không cất đồ có giá trị quan trọng ở 2 chỗ này).
Sau khi nhận lại xe, có thể làm thao tác kiểm tra nhanh lốp xe, bánh dự phòng và ắc quy để đảm bảo xe không bị tổn thất gì trong thời gian gửi.
7. Không để xe nổ máy khi vắng người
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng kỳ thực, đây là việc thường xuyên xảy ra. Đó cũng là nguyên nhân vì không ít những vụ trộm xe xảy ra ngay trước những cửa hàng tạp hóa, trạm xăng, máy rút tiền… đông người qua lại. Một số trường hợp thường gặp nữa là vào các buổi sáng sớm trời lạnh, chủ xe nổ máy trước vài phút làm nóng động cơ, sau đó bỏ vào nhà.
8. Thiết bị cảnh báo
Các thiết bị chống trộm và dò tìm thông dụng bao gồm: chuông báo động (150-1.000 USD), miếng chắn bảo vệ cụm điều khiển (100-200 USD), khóa vô-lăng (25-100 USD), máy phun chấm siêu nhỏ (micro dot marking - phun chấm nhựa gốc oxy lên các linh kiện và thiết bị, từ đó có thể dò tìm theo mã VIN)
9. Thiết bị vô hiệu hóa
Khóa “thông minh”, ngắt nhiên liệu tự động,… là những tính năng chống trộm đặc biệt hữu hiệu hiện đã được trang bị chuẩn trên một số dòng xe cao cấp.
10. Thiết bị dò tìm
Các hệ thống dò tìm qua vệ tinh như Assist của BMW hay OnStar của GM có thể giúp các cơ quan chức năng thuận tiện hơn nhiều trong việc truy tìm những chiếc xe bị mất cắp; đổi lại, chủ sở hữu phải đóng phí dịch vụ hàng năm trung bình từ 300-1.000 USD.
Ngoài ra còn một số mạng giám sát hiệu quả không kém như: Lojack - phát tín hiệu tới cảnh sát khi xảy ra trộm xe hay Millennium Plus - sử dụng công nghệ không dây hoặc GPS để dò tìm.
Khôi Vinh
Theo Forbes