Trả lương theo vị trí việc làm: Công chức sẽ bỏ tư tưởng "giữ ghế"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc cải cách tiền lương, hướng đến trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá sản phẩm đầu ra, sẽ tạo động lực cống hiến và đáp ứng mong muốn của cán bộ.

Bỏ tư tưởng bám trụ để "giữ ghế"

Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương và tiến tới trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá theo sản phẩm đầu ra, trên tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Trả lương theo vị trí việc làm: Công chức sẽ bỏ tư tưởng giữ ghế - 1

Theo chuyên gia, phương pháp trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá theo sản phẩm đầu ra, sẽ góp phần hiệu quả cho công tác chiêu mộ, quản lý, giữ chân cán bộ thực tài (Ảnh minh họa: Lê Hoa).

Chuyên gia hành chính công, ThS. Nguyễn Tuấn Anh, nhận định khi trả lương theo vị trí việc làm thì mức lương không còn cào bằng hay đóng khung trong hệ số, mà phản ánh đúng giá trị của vị trí và hiệu quả công việc thực tế.

Cụ thể, vị trí càng có trách nhiệm lớn, ảnh hưởng chính sách sâu rộng, thì mức thu nhập phải tương xứng. Người giữ vị trí đó phải chứng minh được giá trị của mình thông qua kết quả đầu ra cụ thể, có thể đo lường, đánh giá và so sánh được.

"Nhiều cán bộ giỏi, có thực lực chia sẻ với tôi rằng họ không đòi hỏi mức lương cao bằng khu vực tư nhân, nhưng họ rất cần một môi trường làm việc minh bạch, nơi thành quả làm việc được ghi nhận đúng mức.

Trả lương gắn với kết quả chính là lời khẳng định làm nhiều, làm tốt thì được hưởng xứng đáng. Khi thu nhập gắn liền với thành quả lao động, công chức sẽ không còn tư tưởng làm việc để "giữ ghế" mà làm vì giá trị và danh dự nghề nghiệp", chuyên gia cho hay.

Ông khẳng định rằng với phương pháp này, người giỏi sẽ có cơ hội phát triển nhanh, người trì trệ sẽ bị đào thải.

"Ở Singapore thì 40% thu nhập của công chức cấp cao dựa vào đánh giá định kỳ và phản hồi xã hội. Kết quả là nền công vụ nước này luôn được xếp hàng đầu thế giới", ThS. Nguyễn Tuấn Anh lấy ví dụ.

Ngăn cán bộ giỏi rời khu vực công

Thống kê của UBND TPHCM cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến 30/4/2023, thành phố có tổng cộng 9.470 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, nhiều nhất là ở lĩnh vực giáo dục (3.626 trường hợp) và y tế (3.708 trường hợp). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ.

Theo chuyên gia hành chính công Nguyễn Tuấn Anh, muốn giữ cán bộ giỏi ở lại với bộ máy, ngoài cải thiện chế độ đãi ngộ, cần phải có "lá chắn thể chế", bảo vệ người dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tức là cán bộ hành động vì mục tiêu chung, nếu rủi ro trong phạm vi chấp nhận được thì không bị trừng phạt.

Trả lương theo vị trí việc làm: Công chức sẽ bỏ tư tưởng giữ ghế - 2

Cán bộ thực tài cần có "lá chắn thể chế" để tự tin đóng góp (Ảnh: Hoa Lê).

"Người tài rời đi vì ba điều, chính là không được trọng dụng, không có cơ hội phát triển, không được đối xử công bằng. Trong khi đó, khu vực tư nhân ngày càng linh hoạt, sáng tạo và có cơ chế thưởng, phạt rõ ràng. Muốn giữ người tài, Nhà nước phải thay đổi cách nhìn và cách dùng người", ThS. Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Ông cho rằng cần tạo ra cơ chế "tài năng công vụ", nơi người có năng lực thật sự được trao quyền, được tăng tốc trong thăng tiến và được đối xử như những người tạo giá trị chứ không chỉ là "đầy tớ hành chính".

Chuyên gia lấy ví dụ tại Hàn Quốc, họ cho cán bộ trẻ tài năng được đào tạo chuyên sâu, luân chuyển vào vị trí trọng điểm và hưởng đãi ngộ vượt chuẩn. Từ đó, Nhà nước trở thành một môi trường đáng mơ ước, không kém cạnh khu vực tư nhân.

Theo TS. Nguyễn Trần Như Khuê, Trưởng bộ môn Luật, Khoa Nhà nước và pháp luật, Học viện cán bộ TPHCM, phương pháp trả lương theo vị trí việc làm gắn với kết quả đánh giá đầu ra mà Bộ Nội vụ đang đề xuất triển khai, cũng là cách hiệu quả trong công tác quản lý, chiêu mộ và giữ chân cán bộ trong bộ máy quản lý công.

"Điều này tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất làm việc, chất lượng công việc, đảm bảo công khai, minh bạch trong công việc. Phương pháp này còn khuyến khích người tài có cơ hội phát triển và được nhận đãi ngộ xứng đáng", TS. Nguyễn Trần Như Khuê nhấn mạnh.