Cán bộ dôi dư thừa sức vào doanh nghiệp tư, chỉ cần ngưng… tự ái

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Sở Nội vụ TPHCM tính hướng "tìm việc" cho cán bộ tinh giản khi sắp xếp bộ máy. Tại sự kiện, chuyên gia đào tạo nêu nhận định lạc quan "cán bộ dôi dư là nguồn nhân lực quý mà doanh nghiệp đỏ mắt tìm".

Sáng 25/4, Sở Nội vụ TPHCM kết hợp với các đơn vị tổ chức tọa đàm "Kết nối việc làm, phát triển nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính".

Cán bộ dôi dư là "nguồn vốn quý"

Cán bộ dôi dư thừa sức vào doanh nghiệp tư, chỉ cần ngưng… tự ái - 1

Tọa đàm "Kết nối việc làm, phát triển nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính" do Sở Nội vụ TPHCM tổ chức (Ảnh: Nguyễn Vy).

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhấn mạnh cán bộ dôi dư là nguồn nhân lực quý mà doanh nghiệp trên thị trường đang "đỏ mắt" tìm kiếm.

"Không ít doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ đã tiếp nhận nhân sự từng làm việc trong bộ máy công và những nhân sự này thật sự rất giá trị.

Đó là nhóm lao động có trình độ cao, dày dặn kiến thức, kỹ năng, tư duy, kinh nghiệm và đặc biệt là ý thức làm việc rất tốt. Vậy nên cán bộ dôi dư thừa sức vào doanh nghiệp tư nhân, chỉ cần có định hướng tốt và gạt bỏ… tự ái", ông Trần Anh Tuấn nói.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng để kết nối việc làm với doanh nghiệp, trước hết phải thay đổi tư duy của cán bộ dôi dư.

"Cán bộ dôi dư cũng là người lao động bình thường, phải ý thức hạ thấp cái tôi và tiếp tục bước về phía trước, sẵn sàng học tập và làm việc, cống hiến suốt đời như những người khác", ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Cán bộ dôi dư thừa sức vào doanh nghiệp tư, chỉ cần ngưng… tự ái - 2

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên TPHCM, nhận định cán bộ dôi dư có thế mạnh về chuyên môn và kinh nghiệm làm việc lâu năm ở tổ chức Nhà nước. Ngoài ra, họ còn có mối quan hệ rộng trong hệ thống bộ máy công.

"Tuy nhiên, nhóm lao động này còn gặp khó khăn, bất lợi vì độ tuổi bình quân lớn, khả năng sử dụng công nghệ hạn chế, thiếu sự linh hoạt, năng động và tinh thần đổi mới", ông Nguyễn Văn Sang nhận định.

Đại diện công ty hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng và nhân sự JobsGo cho hay, gần đây, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 1.000-1.200 đơn xin việc. Những lao động ở độ tuổi 30-50 thường gặp khó khăn về kỹ năng viết sơ yếu lý lịch (CV) và thường bị loại ngay từ "vòng gửi xe" bởi nhiều doanh nghiệp ngày nay đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quét CV điện tử của ứng viên.

"Đối với cán bộ dôi dư, nhóm lao động chưa từng thực hiện những thủ tục xin việc giống như môi trường tư nhân, lại càng gặp khó khăn trong việc tiếp cận doanh nghiệp. Không những vậy, họ còn gặp khó khăn trong định hướng công việc, nghĩa là họ biết doanh nghiệp đang tuyển vị trí đó, bản thân hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng, nhưng lại không hiểu công việc đó cụ thể là làm gì thì rất khó để họ tự tin ứng tuyển vào", đại diện công ty nói.

Những kỹ năng đặc biệt của cán bộ dôi dư

Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM Trần Anh Tuấn cho hay để hỗ trợ hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau quá trình sắp xếp, cần sự đồng hành của các sở, ban ngành và sự chủ động từ phía doanh nghiệp.  

"Cần sớm khảo sát, phân loại rõ nhóm cán bộ dôi dư xem họ là ai, có bao nhiêu người còn nhu cầu việc làm, năng lực chuyên môn ra sao… Từ đó, doanh nghiệp mới có thể tiếp nhận đúng người, đúng vị trí.

Cán bộ dôi dư có thể dựa vào năng lực và định hướng bản thân để tự quyết định tham gia vào thị trường lao động ở doanh nghiệp trong nước hay ra nước ngoài làm hoặc khởi nghiệp, tham gia mô hình làm việc từ xa, bán thời gian… Quan trọng nhất là các đơn vị phải hỗ trợ định hướng thật đúng cho mỗi người. Cán bộ dôi dư cần được định hướng đúng, chứ không phải cơ chế xin - cho khi bước vào thị trường lao động", ông Tuấn khẳng định.

Ông kiến nghị một số giải pháp như lập kế hoạch khảo sát, phân loại nguyện vọng để xây dựng kho dữ liệu về nhóm cán bộ dôi dư; xây dựng cổng thông tin kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp và cán bộ dôi dư; giao trung tâm việc làm phối hợp doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức lớp đào tạo kiến thức về AI, chuyển đổi số, các kỹ năng, tâm lý chuyển đổi môi trường công - tư; mở rộng phạm vi kết nối việc làm đến các tỉnh thành như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… để gia tăng cơ hội cung - cầu gặp nhau.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Bắc Nam, tại thành phố lớn nhất cả nước tới đây, bộ máy công sẽ có 5.562 cán bộ không chuyên trách thành nhân lực dôi dư và đây là nhóm lao động có nhiều tiềm tăng mà doanh nghiệp cần tập trung tiếp cận, khai thác sâu.

Cán bộ dôi dư thừa sức vào doanh nghiệp tư, chỉ cần ngưng… tự ái - 3

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Bắc Nam (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Nhiều người sở hữu trình độ cao, có bằng cấp tối thiểu là cử nhân đại học chính quy. Không ít người còn là thạc sỹ, tiến sỹ ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kỹ thuật, luật... Đây là lực lượng có năng lực dân vận tốt, kỹ năng diễn thuyết linh hoạt, thậm chí không cần văn bản soạn sẵn mà có thể nói lưu loát trước đám đông.

Đặc biệt, họ đều là những Đảng viên có nhận thức nghiêm túc, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Họ có ngoại ngữ tốt nhờ thường xuyên tiếp xúc với công dân là người nước ngoài, sẵn sàng làm việc với cường độ cao", Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM nói.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội việc làm cho nhóm cán bộ dôi dư, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM đề nghị các đơn vị khẩn trương khảo sát thực trạng cán bộ dôi dư về năng lực, nhu cầu, định hướng nghề nghiệp…; bổ sung đào tạo kiến thức, kỹ năng mềm và định hướng nghề nghiệp cho cán bộ; xây dựng cổng thông tin, hệ thống kết nối việc làm; xác lập cơ chế thông tin hai chiều, tạo điều kiện để cung - cầu nhân lực gặp nhau hiệu quả…

Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng, đào tạo đối với nhóm cán bộ dôi dư sắp tới.

ThS Nguyễn Thị Lê Uyên, Phó trưởng phòng nghiên cứu văn hóa - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), cho hay đơn vị đã nghiên cứu và phối hợp với Sở Nội vụ TPHCM trình UBND thành phố về kế hoạch khảo sát đối với nhóm cán bộ dôi dư.

Cán bộ dôi dư thừa sức vào doanh nghiệp tư, chỉ cần ngưng… tự ái - 4

ThS Nguyễn Thị Lê Uyên, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Khi khảo sát, chúng tôi sẽ phân định cán bộ dôi dư thành 3 nhóm gồm những người không còn động lực lao động (do tuổi tác, nghỉ hưu…), những người còn nhu cầu làm việc, những người có khả năng khởi nghiệp.

Chúng tôi cũng phân định rõ ràng kỹ năng, kinh nghiệm và định hướng cụ thể của từng nhóm; phối hợp với các đơn vị hoàn thiện cổng thông tin điện tử kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động từ khắp các tỉnh, thành, không riêng ở TPHCM", bà Uyên chia sẻ.