Tỉnh rộng thứ 3 cả nước bàn về tổ chức, hạ tầng và con người sau sáp nhập

Thúy Diễm

(Dân trí) - Sau khi hợp nhất Đắk Lắk với Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk dự kiến có diện tích hơn 18.000km2, rộng thứ 3 cả nước, dân số hơn 3,3 triệu người, với 101 đơn vị hành chính cấp xã.

Ngày 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Phú Yên đã tổ chức Hội nghị trao đổi, thảo luận nội dung của đề án về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sau khi sáp nhập 2 tỉnh.

Sau khi hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, tên gọi mới là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Tỉnh rộng thứ 3 cả nước bàn về tổ chức, hạ tầng và con người sau sáp nhập - 1

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chủ trì Hội nghị (Ảnh: Yên Phú).

Dự kiến, tỉnh Đắk Lắk có diện tích hơn 18.000km2 sau sáp nhập, rộng thứ 3 cả nước sau Lâm Đồng và Gia Lai; dân số hơn 3,3 triệu người và có 101 đơn vị hành chính cấp xã (Đắk Lắk có 67 đơn vị, tỉnh Phú Yên 34 đơn vị).

Theo đề án, đối với Đảng bộ tỉnh, về số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy sẽ do Trung ương quyết định.

Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, sẽ hợp nhất các tổ chức của 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên gồm Ban Tổ chức, Ban Nội chính, Văn phòng, Ban Tuyên giáo và Dân vận, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk sẽ hợp nhất, sáp nhập các ban, văn phòng của 2 tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ giống nhau. Thành lập các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh.

Giữ nguyên tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh của 2 địa phương trước khi sáp nhập, với 120 đại biểu.

Tỉnh rộng thứ 3 cả nước bàn về tổ chức, hạ tầng và con người sau sáp nhập - 2

Sau hợp nhất, trung tâm hành chính sẽ được đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: Thúy Diễm).

Đối với UBND tỉnh sẽ hợp nhất nguyên trạng các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh Phú Yên vào các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk.

Trên cơ sở nội dung thống nhất định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên để hoàn thiện đề án.

Tại hội nghị, tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên bàn về dự thảo phương án rà soát hạ tầng giao thông, bố trí phương tiện làm việc, chế độ chính sách, hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Phú Yên sau sắp xếp, sáp nhập tỉnh.

Tỉnh rộng thứ 3 cả nước bàn về tổ chức, hạ tầng và con người sau sáp nhập - 3

Quốc lộ 29 được lãnh đạo 2 tỉnh xem xét trình Chính phủ, các bộ, ngành để đầu tư, nâng cấp (Ảnh: Thúy Diễm).

Phương án đầu tư, nâng cấp tuyến Quốc lộ 29 kết nối tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên; đề xuất, định hướng công tác phối hợp chuẩn bị, xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2025-2030.

Lãnh đạo 2 tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cho phép 2 tỉnh triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29 (giai đoạn 1). Thực hiện chủ trương đầu tư năm 2025-2026 và thực hiện dự án giai đoạn 2026-2030.