Thủ tướng muốn "trảm" Chủ tịch tỉnh phải chờ xin HĐND, khó dụng quyền
(Dân trí) - Để tạo sự linh hoạt cho Thủ tướng trong điều động, lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội đề xuất HĐND cấp tỉnh không bầu Chủ tịch UBND mà chỉ giới thiệu nhân sự để Thủ tướng phê chuẩn.
Đề xuất này được đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đưa ra khi thảo luận về nội dung sửa đổi Hiến pháp và sửa luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 14/5.
Khi nào hết chuyện cầm tay chỉ việc?
Với đề nghị trao nhiều quyền hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để đảm bảo điều hành linh hoạt, thống nhất toàn quốc hệ thống hành chính quốc gia, ông Huân góp ý chỉnh quy định trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi liên quan việc bầu Chủ tịch UBND theo giới thiệu của Chủ tịch HĐND cùng cấp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Hồng Phong).
Dự thảo luật cũng quy định HĐND bầu các Phó chủ tịch UBND, Ủy viên UBND theo giới thiệu của Chủ tịch UBND; đồng thời miễn nhiệm các chức vụ do HĐND bầu và phê chuẩn.
Tuy nhiên, cũng tại dự thảo luật lại quy định, khi Thủ tướng quyết định cách chức Chủ tịch UBND, điều động Chủ tịch UBND thì không cần HĐND miễn nhiệm.
"Quy định này đúng Hiến pháp, nhưng về mặt logic lại không đảm bảo. Nhân sự do HĐND bầu thì HĐND phải miễn nhiệm. Nếu làm đúng quy trình thì rắc rối, vì Thủ tướng lại phải chờ xin ý kiến HĐND mới được miễn nhiệm... cấp dưới. Việc này làm phức tạp quá trình điều hành", ông Huân phân tích.
Từ đó, vị đại biểu đề xuất nếu giữ quyền điều động, cách chức Chủ tịch UBND của Thủ tướng, nên sửa đổi quy định về việc HĐND bầu chức danh này.
Ông gợi ý sửa đổi quy định này theo hướng HĐND chỉ giới thiệu nhân sự Chủ tịch UBND tỉnh để Thủ tướng phê chuẩn. Như thế sẽ rất thuận, theo lời ông Huân.
Với chức danh Phó chủ tịch, thành viên khác của UBND, ông đề nghị quy định Chủ tịch UBND sẽ giới thiệu cấp phó của mình, thành viên khác để HĐND phê chuẩn một lần đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động các chức danh này, Chủ tịch UBND chỉ cần báo cáo HĐND.
"Quy định như thế sẽ đảm bảo logic và quyền trao cho Thủ tướng một cách thực chất, linh hoạt", ông Huân nêu quan điểm.
Để thực hiện đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần sửa thêm Điều 114 của Hiến pháp, để sửa quy định HĐND bầu các chức danh của UBND cùng cấp.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ảnh: Hồng Phong).
Đánh giá cao tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong dự thảo luật, song đại biểu Trịnh Xuân An (đại biểu hoạt động chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại) đề nghị làm rõ cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND.
Đi đôi với phân cấp, phân quyền, ông An cũng cho rằng cần bổ sung quy định bắt buộc về công khai, minh bạch các quyết định của chính quyền địa phương, đặc biệt là liên quan đến ngân sách, đất đai, đầu tư...
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An góp ý UBND, Chủ tịch UBND có thể trực tiếp làm những việc của cấp dưới. Và việc này chỉ trong trường hợp cần thiết nhằm phát huy, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi người dân. Song theo ông, phải có giới hạn "khi nào hết chuyện cầm tay, chỉ việc".
Thẩm quyền của Thủ tướng trong trường hợp cần thiết
Với lo ngại khi không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn giao cấp xã sẽ khiến khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đồng ý định hướng phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.
Theo đó, "trường hợp cần thiết", UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.
Nữ đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn "trường hợp cần thiết là như thế nào" để thuận lợi hơn cho UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thể hiện rõ trách nhiệm.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hồng Phong).
Lý giải rõ hơn về "trường hợp cần thiết", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Tra nhấn mạnh, đó là khi cơ quan chuyên môn hoặc cấp xã không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ nào đó; khi phát sinh vấn đề khẩn cấp, phức tạp, nhạy cảm vượt quá khả năng giải quyết của cấp dưới; khi các nhiệm vụ đột xuất, bất thường cần phản ứng nhanh và kịp thời; khi Chủ tịch UBND tỉnh xác định có dấu hiệu trì trệ, né tránh; hay các tình huống cần điều phối, điều hòa liên vùng…
"Thực tiễn rất đa dạng, phong phú, nếu không có cơ chế này, thực sự không đảm bảo được yêu cầu vận hành trơn tru, liên thông, thống nhất, hiệu quả", Bộ trưởng nhận định và nói thêm trong Luật Tổ chức Chính phủ cũng có một điều khoản giao Thủ tướng xử lý tình huống trong trường hợp cần thiết.
Trong nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra rà soát thận trọng, kỹ lưỡng, dự liệu những vấn đề phát sinh để thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, linh hoạt, năng động cho chính quyền địa phương.
"Quy định này nhằm đảm bảo trong trường hợp cần thiết, UBND hoặc Chủ tịch UBND tỉnh phải kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, để dòng chảy điều hành thông suốt, không đình trệ, gián đoạn", Bộ trưởng nêu quan điểm và nhấn mạnh dù phân cấp, phân quyền nhưng không buông lỏng kiểm soát.