Tăng cường lãnh đạo sở về xã làm việc sau sáp nhập
(Dân trí) - Tỉnh Bạc Liêu sẽ bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã hiện nay và tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành tỉnh về xã, phường mới làm việc sau khi sáp nhập.
Tỉnh ủy Bạc Liêu vừa có đề án kết thúc hoạt động cấp huyện và thành lập tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị xã, phường mới.
Hiện nay, tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện, với hơn 1.000 biên chế cán bộ, công chức và trên 9.800 viên chức; có 64 đơn vị hành chính cấp xã, với 1.311 cán bộ, công chức chuyên trách và 817 người hoạt động không chuyên trách.
Theo đề án, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ quyết định việc thành lập các Đảng bộ xã, phường mới trực thuộc Tỉnh ủy.

Sau khi kết thúc hoạt động, TP Bạc Liêu không còn và tỉnh Bạc Liêu sẽ thành lập phường Bạc Liêu trên cơ sở sáp nhập một số phường khác của TP Bạc Liêu hiện nay (Ảnh: H.H).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm của Đảng ủy xã, phường nhiệm kỳ 2020-2025 và 2025-2030.
Đảng ủy cấp xã, phường mới được bố trí không quá 17 biên chế; ở những nơi có trung tâm chính trị không quá 20 biên chế.
Trước mắt, tỉnh bố trí cán bộ, công chức, viên chức, biên chế cấp huyện, xã hiện nay và tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ban, ngành tỉnh về xã, phường mới làm việc.
"Sau khi Đảng ủy xã, phường mới đi vào hoạt động ổn định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, hoàn thiện vị trí việc làm; xác định biên chế tổng thể, tối đa sau thời gian 5 năm phải thực hiện theo quy định", đề án nêu rõ.
Cũng theo đề án của Tỉnh ủy Bạc Liêu, đối với chính quyền địa phương cấp xã mới có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND), được bố trí không quá 32 biên chế.
Trong đó, HĐND có chủ tịch và 1 phó chủ tịch; 2 ban của HĐND gồm pháp chế và kinh tế - xã hội.
UBND có chủ tịch và 2 phó chủ tịch (trong đó 1 phó chủ tịch kiêm Chánh văn phòng HĐND và UBND; 1 phó chủ tịch kiêm Giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công).
Có 4 phòng thuộc UBND gồm: Văn phòng (chánh văn phòng do 1 phó chủ tịch kiêm nhiệm, 1 phó chánh văn phòng, 5 công chức); Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng, 5 công chức); Phòng Văn hóa - Xã hội (trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng, 5 công chức); Trung tâm phục vụ hành chính công (giám đốc do 1 phó chủ tịch kiêm nhiệm, 1 phó giám đốc, 5 công chức).
Trước mắt, tỉnh tiếp nhận 100% biên chế công chức cấp huyện hiện có để bố trí làm việc ở cấp xã (trừ các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc, các trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định).
Với biên chế viên chức, tỉnh sẽ tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, chuyển đổi để hình thành các đơn vị thuộc UBND cấp xã, thực hiện giao số lượng biên chế theo quy định.
Tỉnh cũng kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay kể từ 1/8. Cấp ủy, chính quyền có thể xem xét, sắp xếp, bố trí lại đối tượng này (khi đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ) tham gia công tác tại khóm, ấp; thực hiện chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.