Sửa Hiến pháp để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 về các quy định liên quan đến Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đây là nội dung được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 5/5.
Sửa đổi 2 nhóm nội dung trọng tâm
Trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khái quát, kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.
Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong đó, Hiến pháp quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp là: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: Phạm Thắng).
Mới đây, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
"Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung.
Thứ nhất là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ hai là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm bộ máy chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban sửa đổi Hiến pháp gồm 15 thành viên
Căn cứ vào phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Bên cạnh đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (Ảnh: QH).
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Khắc Định, cơ quan này cũng xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, Ủy ban còn tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được sử dụng con dấu của Quốc hội, có cơ quan thường trực là Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và công bố lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, đồng thời trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo Nghị quyết.