Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Bố trí cán bộ cần căn cứ vào năng lực
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau sắp xếp, có khoảng 600 nhiệm vụ của cấp huyện được giao về cấp xã. Do vậy, năng lực cán bộ không đảm bảo sẽ không thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ba tỉnh hoàn thành đề án sáp nhập
Ngày 21/5, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông hoàn thiện, thống nhất ban hành kế hoạch liên tịch và thành lập ban chỉ đạo thực hiện hợp nhất 3 tỉnh; thành lập tiểu ban nhân sự sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và nhân sự cấp ủy tỉnh Lâm Đồng mới…

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông (Ảnh: An Chi).
Đến nay, 15/15 sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông, hoàn thành xây dựng đề án sáp nhập các sở, ban, ngành 3 tỉnh; xây dựng phương án bố trí nhà công vụ, ô tô để đảm bảo chỗ ở, phương tiện di chuyển cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết, để chủ động trong công tác chuẩn bị phương án nhân sự của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy lấy phiếu khảo sát nguyện vọng cán bộ.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng báo cáo các nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính (Ảnh: Minh Hậu).
Trong số 177 người được khảo sát, 41 người có nguyện vọng công tác tại xã, phường, đặc khu sau sáp nhập; 95 người có nguyện vọng công tác ở các cơ quan cấp tỉnh sau sáp; 41 người có nguyện vọng nghỉ hưu theo quy định.
Lâm Đồng mới có sân bay, cảng biển quốc tế
Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đến nay, 100% các sở, ngành, đơn vị của 3 tỉnh đã phối hợp, hoàn thành việc xây dựng đề án thành lập các sở, ngành, đơn vị khi thực hiện hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đồng thời chuẩn bị các phương án về nhân sự, biên chế, cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, không để gián đoạn, trì trệ trong quá trình chuyển giao, sắp xếp bộ máy.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông thông tin, việc sắp xếp các sở, ngành, đơn vị được thực hiện trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng các tổ chức hành chính cấp tỉnh để thành lập 15 tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng mới. Đề xuất xem xét thành lập mới cơ quan chuyên môn là Sở Ngoại vụ, vì Lâm Đồng mới đáp ứng các tiêu chí về cửa khẩu quốc tế là Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, Cảng biển quốc tế Vĩnh Tân.
Sau thành lập, biên chế của Sở Ngoại vụ sẽ được điều chuyển từ phòng ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành khác của 3 tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông cũng đề xuất tiếp nhận, bố trí công việc đối với số biên chế hiện có của 3 tỉnh. Số lượng công chức của 3 địa phương hiện nay khoảng 3.254 người, viên chức 2.098 người, hợp đồng lao động là 2.383 người. Số người đứng đầu cấp sở của 3 tỉnh hiện nay là 41 người và cấp phó các sở là 142 người.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: An Chi).
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao tinh thần làm việc của lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông trong việc triển khai các nội dung về sáp nhập. Theo ông Đỗ Trọng Hưng, dù thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều nhưng 3 tỉnh đã chủ động trong công việc, tiến độ các nội dung được đảm bảo.
Ông Đỗ Trọng Hưng cũng ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của lãnh đạo 3 tỉnh trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ; nguyên tắc bố trí biên chế cho từng xã, phường, đặc khu; tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã sau sáp nhập…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hồi thông tin, sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn, có ý nghĩa lịch sử, lâu dài.
"Chúng tôi ghi nhận, đánh giá cao kết quả 3 tỉnh vì đã thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại cuộc làm việc (Ảnh: Minh Hậu).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, đối với kiến nghị của 3 tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương cấp xã, hiện nay Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Luật cán bộ, công chức để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, cho biết, sau sáp nhập, Lâm Đồng có không gian phát triển rộng lớn.
Đối với công tác nhân sự, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông bám sát các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành, Chính phủ để thực hiện. Việc bố trí cán bộ cần căn cứ vào nhiệm vụ, năng lực và phải hài hòa giữa các địa phương.

Một góc hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Vũ Linh).
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, sắp tới, các bộ sẽ bàn giao về cho tỉnh khoảng 340 nhiệm vụ, bỏ cấp huyện thì chuyển về cho xã hơn 600 nhiệm vụ, huyện sẽ bàn giao về cho tỉnh 70 nhiệm vụ. Do vậy, bộ máy không tốt, năng lực cán bộ không đảm bảo sẽ không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị 3 tỉnh quan tâm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; chấn chỉnh tình trạng sao nhãng trong công việc; giải quyết các dự án tồn đọng trước khi sáp nhập.
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 24.233km2, quy mô dân số hơn 3,3 triệu người.
Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh mới dự kiến được đặt tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới dự kiến có 124 xã, phường, đặc khu.