HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định nhiều cơ chế đặc thù

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở, bỏ cấp huyện), HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được giao quyền hạn quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển địa phương.

HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định nhiều cơ chế đặc thù - 1

Đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết tại một kỳ họp (Ảnh: Hữu Khoa).

Theo Tờ trình Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) của Bộ Nội vụ, quan điểm sửa đổi luật lần này là thể chế hoá đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng đã nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi) về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất nhiều quy định tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp triệt để giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh cho chính quyền địa phương cấp cơ sở theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Việc phân cấp, phân quyền trên là để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Do đó, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh (bao gồm tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn, được quy định rất chi tiết.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, HĐND tỉnh thực hiện 20 nhiệm vụ, quyền hạn; HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 20 nhiệm vụ, quyền hạn như HĐND tỉnh và thực hiện thêm 3 nhiệm vụ, quyền hạn khác.

Trong Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất giao cho HĐND tỉnh thực hiện 33 nhiệm vụ, quyền hạn thuộc 11 lĩnh vực; HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện 33 nhiệm vụ, quyền hạn như HĐND tỉnh và thực hiện thêm 4 nhiệm vụ, quyền hạn khác.

Đặc biệt, HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ, quyền hạn với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất cao.

Cụ thể, HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển đô thị, hạ tầng đô thị, giao thông, sử dụng đất đô thị, khai thác không gian ngầm và công trình trên cao trong đô thị theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, HĐND thành phố trực thuộc Trung ương còn được quyết định cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù, phân bổ ngân sách và huy động vốn đầu tư phát triển đô thị theo quy định của pháp luật.

HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định nhiều cơ chế đặc thù - 2

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh (Đồ họa: Tùng Nguyên).