Gần 25 tỷ đồng chi cho 18 cán bộ nghỉ hưu: Mức hưởng cao nhất bao nhiêu?
(Dân trí) - Tỉnh Quảng Bình đã chi 24,7 tỷ đồng để giải quyết chế độ chính sách cho 18 cán bộ nghỉ hưu theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó người có mức cao nhất khoảng 1,7 tỷ đồng.
Cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các trường hợp xin nghỉ hưu trước tuổi.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trao quyết định nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (Ảnh: Thanh Hiếu).
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến ngày 1/3, địa phương này đã giải quyết chế độ chính sách cho 6 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 12 trường hợp thuộc diện UBND tỉnh quản lý.
UBND tỉnh Quảng Bình đang xem xét phê duyệt danh sách hưởng chế độ, chính sách cho 35 trường hợp khác thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trình lên.
Có 18 cán bộ Quảng Bình nghỉ hưu trước tuổi đã được giải quyết chế độ chính sách với tổng kinh phí 24,7 tỷ đồng. Trong đó người có mức chi trả cao nhất khoảng 1,7 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác giải quyết chính sách cán bộ nghỉ hưu theo Nghị định 178, ông Mai Xuân Toàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình, cho hay việc chi trả áp dụng với các đối tượng theo 2 khung: nghỉ hưu trước tuổi dưới 5 năm và trên 5 năm đến dưới 10 năm.
Theo ông Toàn, việc giải quyết chế độ được thực hiện theo quy định, định mức, chế độ, thâm niên công tác, thời gian công tác còn lại bao nhiêu.

Ông Mai Xuân Toàn (đứng), Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).
Sở Nội vụ là cơ quan thường trực phối hợp Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội để thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập, hợp nhất và sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Việc sắp xếp đã giúp giảm thiểu tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân.
Về sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Quảng Bình vẫn chưa chốt phương án sáp nhập 145 xã, phường, thị trấn xuống còn bao nhiêu xã, phường, thị trấn.

Một góc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Nhật Anh).
Ban Chỉ đạo về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Quảng Bình đang yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiên cứu cụ thể từng tiêu chí, nhằm xây dựng phương án đề xuất phù hợp.
Đối với các thông tin về việc sáp nhập cấp tỉnh, ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến và tỉnh Quảng Bình khả năng sẽ thực hiện sáp nhập.
Ông Tân mong muốn khi có kết quả chính thức, các cơ quan sẽ đồng thuận, đồng hành, thông tin và thực hiện kịp thời chủ trương chung.