DNews

Vì sao người trẻ Trung Quốc rất khó trở thành game thủ nổi tiếng thế giới?

Việt Trinh

(Dân trí) - Với những quy định khắt khe về độ tuổi hay thời gian chơi game, bộ môn eSport đang khó phát triển tại đất nước tỷ dân.

Vì sao người trẻ Trung Quốc rất khó trở thành game thủ nổi tiếng thế giới?

Đối với hàng trăm triệu người hâm mộ eSport (thể thao điện tử) tại đất nước tỷ dân, việc đội tuyển quốc gia giành huy chương vàng (HCV) bộ môn thể thao thế hệ mới đã đánh dấu một bước đột phá trong lịch sử game (điện tử) của Trung Quốc.

Đội tuyển quốc gia Trung Quốc đem lại kết quả hơn cả kỳ vọng trong nội dung thi đấu eSports tại Asiad 19. Sau khi đánh bại đội tuyển Malaysia 2-0 trong trận chung kết Arena of Valor, các game thủ Trung Quốc giành tổng cộng 4 HCV và một huy chương đồng.

Vì sao người trẻ Trung Quốc rất khó trở thành game thủ nổi tiếng thế giới? - 1
Chiến thắng lịch sử của đội tuyển quốc gia Trung Quốc trong bộ môn thể thao điện tử tại Asiad 19 (Ảnh: Reuters).

Sự phát triển then chốt

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), chính quyền thủ đô ngày càng tăng cường việc kiểm soát nạn nghiện game ở thanh thiếu niên, đi kèm là nhiều phụ huynh phản đối cho con em mình đi theo con đường làm game thủ chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc đưa eSport vào một sự kiện thể thao lớn không khỏi là vấn đề gây tranh cãi.

Trước khi Asiad 19 được khai mạc, những người thuộc ngành công nghiệp tỷ USD cho biết, thành tích của đội tuyển Trung Quốc tại các kỳ đại hội thể thao sẽ là yếu tố then chốt cho sự phát triển trong tương lai của eSport.

"Asiad 19 đã mở ra cánh cửa giúp thể thao điện tử hòa nhập vào xã hội, tương tự các môn thể thao bóng lớn truyền thống", Hou Miao - phó chủ tịch của gã khổng lồ làng game Tencent Games - cho biết.

Vì sao người trẻ Trung Quốc rất khó trở thành game thủ nổi tiếng thế giới? - 2
Trung Quốc là thị trường eSport lớn nhất thế giới tính theo doanh thu vào năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Công ty nghiên cứu ngành công nghiệp trò chơi Newzoo cho hay, Trung Quốc là thị trường thể thao điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu vào năm 2020, chiếm 35% trong tổng doanh thu toàn cầu là 947 triệu USD. Đến nửa đầu năm nay, ngành eSport tại đất nước tỷ dân chính thức cán ngưỡng doanh thu 76 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,4 tỷ USD).

Công cuộc tìm kiếm "danh sách trắng"

Theo Caixin, ngành công nghiệp thể thao điện tử tại Trung Quốc đã gặp nhiều rào cản trong những năm vừa qua, đặc biệt sau khi chính phủ nước này giảm thời gian chơi game của trẻ em xuống còn 3 tiếng mỗi tuần vào năm 2021.

Những quy định này đã tác động không nhỏ đối với ngành công nghiệp tỷ USD. Một số câu lạc bộ giải tán đội huấn luyện với đối tượng là thanh thiếu niên. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các game thủ có thể được ra mắt ở độ tuổi 14-15. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hầu hết câu lạc bộ đã nâng độ tuổi tối thiểu của vận động viên (VĐV) thuộc ngành eSport lên 17 tuổi.

Không chỉ vậy, việc thắt chặt quy định đã gây trở ngại cho các chính quyền địa phương, khi họ đang cố gắng đem eSport trở thành một trong những yếu tố phát triển kinh tế.

Về lâu dài, điều này có thể ảnh hướng đến sự phát triển của ngành thể thao điện tử Trung Quốc, khi các tuyển thủ trẻ tuổi thường có khả năng phối hợp tốt và phản ứng nhanh hơn.

Vì sao người trẻ Trung Quốc rất khó trở thành game thủ nổi tiếng thế giới? - 3
Quy định về thời gian chơi game tại Trung Quốc đã gây ra không ít khó khăn cho ngành eSport nội địa (Ảnh: Reuters).

Để các game thủ chưa đủ tuổi có cơ hội được đạo tạo đầy đủ, Hiệp hội Xuất bản Kỹ thuật số và Âm thanh - video Trung Quốc (CADPA) đã ban hành một bộ hướng dẫn ngành vào năm 2022, với hy vọng miễn trẻ vị thành niên của ngành eSport ra khỏi ràng buộc thời gian chơi game của chính phủ, bằng cách xin giấy phép từ các nhà phát triển game.

Tuy nhiên, việc nhà phát triển game trở thành người cấp phép bị cho là không hợp lý. Thay vào đó, các cơ quan chuyên ngành phải là bộ phận quyết định điều chỉnh thời gian đào tạo của VĐV chưa đủ tuổi.

Gặp không ít trở ngại

Ricky Wang - người phụ trách kinh doanh thể thao điện tử tại cơ quan tiếp thị thể thao Sport5 - cho biết, ngành công nghiệp eSport nội địa thiếu doanh thu từ các giải đấu tổ chức trong nước so với các môn thể thao truyền thống. Không chỉ vậy, việc bán bản quyền tổ chức sự kiện game ở nước ngoài cũng gặp khó khăn do sự thiếu quan tâm từ phía khán giả quốc tế.

Đặc biệt, những giải đấu quy mô nhỏ, cấp thấp hơn thuộc ngành công nghiệp tỷ USD cũng ít khi được tổ chức tại Trung Quốc do còn thiếu các hiệp hội chuyên nghiệp và nhà phát triển trò chơi.

Vì sao người trẻ Trung Quốc rất khó trở thành game thủ nổi tiếng thế giới? - 4

Việc thiếu các hiệp hội chuyên nghiệp và nhà phát triển trò chơi là thách thức trong việc phát triển ngành eSport tại đất nước tỷ dân (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, kể từ cuối năm ngoái, trước sức nóng của Đại hội thể thao châu Á (Asiad), một số thành phố lớn như Hàng Châu, Thâm Quyến và Thượng Hải đã triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ bộ môn thể thao điện tử, bao gồm việc trợ cấp để tổ chức các giải đấu.

Dẫu vậy, theo báo cáo CADPA công bố vào tháng 2, doanh thu không phải từ game (bao gồm các hoạt động phát trực tiếp, các giải đấu và câu lạc bộ) của ngành eSport tại Trung Quốc đạt 26,7 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD) vào năm 2022, giảm 4,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nửa đầu năm nay, con số này đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 11,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD).