Vì sao Hàn Quốc trở thành "kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ" của thế giới?
(Dân trí) - Tại Hàn Quốc, cứ 4 người lại có gần một người phẫu thuật thẩm mỹ mỗi năm. Lý do họ "dao kéo" là không muốn thua kém ai về ngoại hình, tăng cơ hội cạnh tranh khi đi xin việc hoặc ảnh hưởng trên mạng.
Khi bước chân vào bất kỳ ga tàu điện ngầm nào ở Seoul (Hàn Quốc), ai cũng dễ dàng trông thấy loạt biển quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) đập vào mắt mình. Đó thường là hình ảnh trước và sau khi "đập đi xây lại" của các cô gái, đi kèm dòng chữ "Bạn cũng có thể trở nên xinh đẹp".
Ở phía ngoài, cả dãy biển hiệu chỉ dẫn tới các bệnh viện - nơi cung cấp dịch vụ nâng mũi hoặc cắt mí.
Theo Hiệp hội các bác sĩ PTTM quốc tế, Hàn Quốc là quốc gia đứng số 1 về PTTM với số ca "dao kéo" trên mỗi dân số cao nhất. Tính theo đầu người, cứ 4 người Hàn có gần một người PTTM hàng năm.
Thậm chí, người ta vẫn nói rằng, thời điểm lý tưởng để cắt mí (một trong những ca PTTM phổ biến nhất ở Hàn Quốc) là trước khi vào cấp 2 hoặc cấp 3. Các bậc cha mẹ chi tiền cho con cái chỉnh sửa gương mặt như một món quà tốt nghiệp để chuẩn bị bước sang trang mới, theo Korea JoongAng Daily.
Phẫu thuật kiểu "bữa trưa" lên ngôi
Các loại hình PTTM phổ biến nhất tại Hàn Quốc là nâng mũi, hút mỡ và cắt mí, theo báo cáo năm 2022 của tạp chí World Population Review. Những ca "dao kéo" này tập trung nhiều vào khuôn mặt hơn là cơ thể, trái ngược với nhu cầu tại Brazil, Hy Lạp và Mỹ.
Bên cạnh đó, người dân xứ kim chi rất ưa chuộng các quy trình đơn giản và nhanh chóng, được gọi là "một mũi" hoặc "bữa trưa". Ở đó, họ chỉ cần tiêm một mũi chất làm đầy (filler) vào mặt hoặc làm thủ thuật ngay trong giờ nghỉ trưa.
"Những năm gần đây, các ca phẫu thuật không xâm lấn trở nên thịnh hành tại Hàn Quốc. Trong đó, người có nhu cầu thẩm mỹ không cần tác động dao kéo lên da và thời gian phục hồi hậu phẫu rất ngắn", ông Heo Chan Yeong - bác sĩ PTTM tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc - cho biết.
Theo báo cáo của công ty Vantage Market Research, thị trường PTTM toàn cầu đạt 45,55 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 59,45 tỷ USD vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng 3,4%/năm, cao hơn đáng kể so với hầu hết ngành công nghiệp khác. Đối với Hàn Quốc, thị trường PTTM trị giá 5.000 tỷ won (3,7 tỷ USD).
"Kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ"
Một bác sĩ người Mỹ (không rõ danh tính) đã thực hiện ca PTTM đầu tiên tại Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên. Mục đích ban đầu là tái tạo khuôn mặt của những người bị thương trong chiến trận, nhưng nhanh chóng trở thành phương pháp làm đẹp.
Giáo sư Leem So Yeon (công tác tại Đại học Dong-A, Hàn Quốc) cho biết: "Cho đến những năm 1980-1990, mục tiêu của PTTM là khiến mọi người trông có nét giống người phương Tây hơn, nhưng điều đó đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997".
Thời điểm ấy, cơ hội kiếm việc làm trở nên quá mong manh sau cuộc khủng hoảng nên những người trẻ tuổi tìm đến PTTM để "tút tát" vẻ ngoài nhằm có lợi thế cạnh tranh. "Chủ nghĩa ngoại hình" trở nên phổ biến từ đó. Các bác sĩ cũng kiếm được nhiều tiền hơn nhờ thực hiện những ca "dao kéo".
Tuy nhiên, di sản lịch sử và kinh tế này không phải lý do duy nhất khiến Hàn Quốc trở thành "kinh đô PTTM" của thế giới. Các chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố gồm thay đổi cái nhìn về PTTM, sự phát triển của công nghệ và ảnh hưởng của mạng xã hội.
Trước đây, mọi người thường che giấu việc mình đã PTTM. Nhưng bây giờ, họ tích cực nói về trải nghiệm của bản thân, chia sẻ đánh giá về bệnh viện và bác sĩ cũng như thảo luận về những lựa chọn tốt hơn. Lý do là nhận thức và sự thừa nhận của xã hội về chủ đề này đã thay đổi rất nhiều, đến mức mọi người dần coi đó là điều bình thường.
"Mục đích của PTTM cũng đã thay đổi, từ việc bắt chước tiêu chuẩn vẻ đẹp của phương Tây đến việc phát triển hình ảnh khác biệt mà phụ nữ Hàn Quốc khao khát", giáo sư Leem nói.
Một yếu tố khác đằng sau sự gia tăng PTTM tại Hàn Quốc là sự phát triển của các thủ thuật đơn giản và được thực hiện nhanh chóng hơn. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ thiết bị dựa trên năng lượng (EBD) khiến PTTM trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người.
Theo nhiều báo cáo, bài báo học thuật và chuyên gia, sự xuất hiện của mạng xã hội cũng góp phần vào sự phổ biến của PTTM.
Khảo sát của công ty Dream Medical Group chỉ ra, gần 9/10 người có thói quen sử dụng mạng xã hội hàng ngày có mong muốn PTTM. Hơn một nửa số người được hỏi (53,3%) trả lời rằng, điều này xuất phát từ việc họ "so sánh bản thân với người khác" khi xem ảnh của các cá nhân mà họ cho là có can thiệp thẩm mỹ.
Tiêu chuẩn sắc đẹp quá khắc nghiệt?
Tiêu chuẩn sắc đẹp tại Hàn Quốc rất cao, đến nỗi rất nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng đề cập đến chủ đề này.
Theo một nghiên cứu của hai học giả Kathy Lin và Vaishali Raval tại Đại học Miami (Mỹ), áp lực phải có vẻ ngoài hoàn hảo, làn da trắng và vóc dáng gầy đến từ cảm giác tự ti nếu mọi người xung quanh đánh giá mình kém hấp dẫn.
"Mạng xã hội, sự coi trọng từ người khác, lợi thế trong sự nghiệp và hôn nhân cũng như sự chấp nhận chung về PTTM dường như đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được tiêu chuẩn sắc đẹp lý tưởng ở phụ nữ trưởng thành tại Hàn Quốc", Lin và Raval nêu ra.
Choi Ha Mi - học sinh cấp 2 đến từ Daecheon, Hàn Quốc - cho biết: "Có rất nhiều áp lực đối với các bạn trẻ ở độ tuổi của em trong việc "bắt kịp" những tiêu chuẩn sắc đẹp và hình ảnh lý tưởng của các cô gái. Bạn bè em lúc nào cũng nói về cách để trông xinh và gầy hơn. Điều đó khiến em cảm thấy áp lực và không hài lòng với khuôn mặt, cơ thể của mình".
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong trào "thoát khỏi áo nịt ngực" nổi lên tại Hàn Quốc nhằm chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp khắc nghiệt, bắt đầu vào khoảng năm 2016 hoặc 2017, khi chủ nghĩa nữ quyền được biết đến trong nước.
Giáo sư Leem So Yeon cho biết, có hai kiểu người đặt chân đến bệnh viện để PTTM: Một là lần đầu "dao kéo", hai là đã khá xinh đẹp nhưng không bao giờ hài lòng với vẻ ngoài của mình.
"Người thuộc kiểu thứ hai liên tục đến bệnh viện để duy trì sắc đẹp hoặc nâng cấp ngoại hình", bà nói.
Một sinh viên đại học năm hai vừa đi sửa mũi cho biết, cô rất vui với kết quả đạt được. Đây là lần thứ hai cô PTTM sau khi cắt mí trước lúc lên cấp 3.
"Tôi thấy tự tin hơn sau khi PTTM bởi mọi người đều khen ngợi thay vì chê bai như trước đó. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ can thiệp dao kéo thêm nữa vì tôi không muốn gương mặt trở nên đơ cứng, giả trân", cô nói.
Một cô gái khác đã trải qua 5 lần PTTM, trong đó có phẫu thuật chỉnh hàm, cũng bày tỏ sự hài lòng với sự thay đổi ngoại hình của mình. Cô cho biết, lựa chọn của mình chỉ giống như đưa ra quyết định hàng ngày, không có gì quá to tát.
"Tôi không hài lòng với vẻ ngoài của mình nên đã đi PTTM. Tôi không muốn nghĩ về điều đó quá nhiều. Tôi không thích bị gắn mác "người đẹp PTTM" hay "nạn nhân" của tiêu chuẩn sắc đẹp ở đây. Tôi nghĩ PTTM chỉ là một trong những thứ bạn mua bằng khả năng mình có và việc làm theo ý mình là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân", cô bày tỏ.
Thư An