Vì sao Gen Z thường "nhảy việc" trong thời gian ngắn?

Diệu An

(Dân trí) - Hiện tượng "nhảy việc" đang trở nên phổ biến hơn trong giới trẻ. Nguyên nhân khá đa dạng.

việc làm với mức thu nhập ổn định, được hưởng đãi ngộ tốt là mong muốn của đại bộ phận người lao động hiện nay, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, để đạt được ước mong này, người trẻ đã không ít lần cảm thấy vỡ mộng vì môi trường làm việc khác với kỳ vọng, các điều kiện, chế độ làm việc không đáp ứng được nhu cầu, nên họ quyết định "nhảy việc".

Vì sao Gen Z thường nhảy việc trong thời gian ngắn? - 1

Nhiều người trẻ "nhảy việc" vì cảm thấy không phù hợp với môi trường làm việc (Ảnh: Shutterstock).

Theo một khảo sát gần đây của Anphabe, có tới 62% các bạn trẻ "nhảy việc" ngay trong năm đầu tiên. Thậm chí, họ còn nghỉ việc vài lần trong một năm ngay khi ra trường. Thực trạng này đã đặt ra cho các nhà tuyển dụng những bài toán khó về nhân sự trong tương lai.

Nhiều bạn trẻ "nhảy việc" vì vỡ mộng

Trần Phương Thanh (22 tuổi) trước đây cũng là một người "nhảy việc" chỉ sau một thời gian ngắn đi làm. Theo trải nghiệm của bản thân, cô cho rằng có ba lý do chính khiến giới trẻ đưa ra quyết định thôi việc.

"Thứ nhất là do môi trường làm việc không phù hợp. Ví dụ, sếp không ổn, không thích nghi được với văn hóa công ty, bất đồng với đồng nghiệp...

Thứ hai là do không tìm thấy hứng thú trong công việc. Có nhiều người đi làm rồi mới nhận ra công việc khác xa với mô tả khi phỏng vấn, dẫn đến cảm giác chán chường và muốn nhảy việc.

Lý do thứ ba là do không có định hướng cụ thể, không biết mình thật sự muốn gì. Như nhiều người từng nói, nếu mình không biết mình thật sự muốn gì thì tốt nhất hãy thử tất cả mọi thứ để tìm ra điều bạn muốn".

Vì sao Gen Z thường nhảy việc trong thời gian ngắn? - 2

Phương Thanh cũng từng đưa ra quyết định nghỉ việc trong một thời gian ngắn gắn bó (Ảnh: NVCC).

Nguyễn Đức Hoàng (23 tuổi) bày tỏ quan điểm rằng: "Nhảy việc trong một thời gian ngắn thường đến từ sự kém phù hợp với năng lực. Đa số các bạn trẻ nhảy việc là do chưa tìm hiểu kỹ công ty, doanh nghiệp mình làm việc, chưa thực sự hiểu rõ ngành mình làm. Các bạn thường chỉ quan tâm đãi ngộ hay hướng về những người thành công đi trước trong ngành này mà bỏ quên sự phù hợp với năng lực của bản thân, bỏ quên những rủi ro và tính cạnh tranh gắt gao trong ngành.

Ví dụ ngành kinh doanh bất động sản cần nhiều hiểu biết về thị trường, phụ thuộc sự biến động thị trường, không dễ để tìm kiếm nguồn khách hàng, tính cạnh tranh cao về giá cả và hàng loạt yếu tố bất lợi mà thứ ta thường thấy nhắc đến về ngành này chỉ là lợi nhuận khổng lồ mà nó đem lại.

Khác với thế hệ trước, gen Z sống trong thời đại "hậu công nghiệp" quan tâm nhiều hơn về các khía cạnh của một công việc hơn là việc chỉ quan tâm đãi ngộ như các thế hệ trước. Họ cần một công việc có thể đãi ngộ không quá vượt trội nhưng môi trường làm việc thân thiện, đồng nghiệp hòa đồng, có thời gian để làm việc và nghỉ ngơi, triển vọng trong công việc thay vì chỉ dậm chân ở một vị trí, thời gian làm việc linh hoạt (tiêu biểu là sự phát triển của các công việc tự do - freelancer) thay vì bó buộc 8 tiếng ở công sở..."

Mục đích đi làm của giới trẻ là gì?

Đối với Hoàng Vũ Đan Chi (22 tuổi), mục đích đi làm của cô là để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, mở rộng hơn các mối quan hệ xung quanh và có chi phí đáp ứng những nhu cầu khác nhau của bản thân trong cuộc sống. Đan Chi thẳng thắn nói lên suy nghĩ: "Mặc dù nghe hơi thực dụng nhưng cuộc sống hiện tại thì mọi thứ đều cần đến tiền".

Nguyễn Thị Hoài Trang (20 tuổi) hiện đang là một trợ giảng và chuyên viên trang điểm cho biết vì đặc thù công việc dịch vụ nên chị giao tiếp với khách hàng rất nhiều và làm việc không có giờ giấc cố định. Trang nói: "Công việc của mình gồm nhiều phân mảng công việc nhỏ khác, có tính hỗ trợ lẫn nhau cao nên đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Vì tuổi đời còn trẻ, mình ý thức được phải rèn luyện và bồi dưỡng những kỹ năng cũng như kinh nghiệm cho bản thân".

Vì sao Gen Z thường nhảy việc trong thời gian ngắn? - 3

Hoài Trang quan niệm rằng trở nên ưu tú mới là chìa khóa mang tới sự thành công lâu dài (Ảnh: NVCC).

Hoài Trang luôn ấp ủ mong muốn xây dựng một sự nghiệp riêng cho bản thân. "Ngay từ khi còn đi học, mình đã ấp ủ hình ảnh của một người trẻ thành công, độc lập, theo đuổi được đam mê của mình, tự tạo dựng được sự nghiệp riêng. Chính vì thế, mình luôn cố gắng để sớm có thành quả riêng và đứng vững khi rời xa sự bao bọc và hỗ trợ từ gia đình và mọi người xung quanh", Trang thổ lộ.

Đức Hoàng cũng chia sẻ: "Trước khi tốt nghiệp, mình đã xác định rõ trong vòng 3 năm đầu tiên sẽ đi làm với mục tiêu chính là trải nghiệm thực tế cuộc sống và học hỏi kinh nghiệm trong bất cứ công việc gì mà mình làm. Tất nhiên, thực sự tốt nếu mình chọn được công việc đúng như ngành học".

"Ở góc độ cá nhân, mục đích khi đi làm của mọi người đa số đều để trang trải cuộc sống, tất nhiên mình cũng không ngoại lệ. Bên cạnh mục tiêu trên, mình còn mong muốn tiếp thu những kiến thức mình chưa biết về tất cả mọi mặt trong cuộc sống, đặc biệt là kiến thức về công việc mình đang làm. Mỗi công việc, mỗi con người đều có ý nghĩa riêng trong xã hội nặng tính chuyên môn hóa như ngày nay, vậy nên mục đích khi đi làm còn là để cống hiến sức lao động và hy vọng có thể cải tạo xã hội, điều này có thể hơi lớn lao nhưng không phải không tưởng", Hoàng thẳng thắn nói thêm.

Mức lương, chế độ đãi ngộ bao nhiêu để cảm thấy tận tâm với công việc?

Vì sao Gen Z thường nhảy việc trong thời gian ngắn? - 4
Một mức đãi ngộ tốt tất yếu đi kèm với những áp lực công việc lớn (Ảnh: Getty Images).

Là sinh viên vừa tốt nghiệp ngành quảng cáo, mức lương từ khoảng 8-10 triệu đồng là kỳ vọng của Đan Chi. Ngoài ra, cô cũng mong muốn được hưởng một chế độ đãi ngộ tốt như có bảo hiểm xã hội đầy đủ, có các mức thưởng cho kết quả công việc tốt, không làm cuối tuần,...

"Vì chưa có kinh nghiệm nên mình mong muốn một mức đãi ngộ vừa đủ để trang trải cuộc sống và nếu có thể thì sẽ có thêm một khoản tiết kiệm. Mình hiểu rằng là một sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm làm việc chưa có, mức độ đãi ngộ hoàn toàn dựa vào giá trị tiềm năng của bản thân nhưng điều đó là không dễ xác định. Vậy nên mình muốn trải nghiệm thêm để xác định vị trí, năng lực của bản thân trước khi đưa ra đáp án về một mức đãi ngộ phù hợp", Đức Hoàng tâm sự.

Anh hy vọng sẽ có một công việc mà môi trường làm việc phù hợp với khả năng của bản thân, có thể hòa nhập tốt với văn hóa doanh nghiệp, được cùng làm việc với những đồng nghiệp đem lại không khí vui vẻ, thân thiện và trên hết là một công việc sẽ ít phải làm thêm giờ hoặc nếu bắt buộc thì công việc đó đủ phù hợp để mình có động lực làm việc ngoài giờ.

Anh cũng cho biết thêm: "Mình chưa đi làm nhiều nên chưa thể nói cụ thể về mức lương mong muốn. Tuy nhiên, mức lương sẽ tùy thuộc vào điều kiện sống, môi trường làm việc, chi tiêu mỗi cá nhân.

Bản thân mình sống ở Đà Nẵng, mình nghĩ với mức lương từ 12-20 triệu đồng/tháng hiện nay có thể đáp ứng cho một cuộc sống thoải mái ở thành phố này đối với cá nhân mình. Nếu mức lương dao động từ 7-10 triệu đồng thì vẫn có thể sống ổn nhưng sẽ hơi khó nếu lập gia đình sớm.

Nhưng cần phải nói rằng, mức lương tất yếu sẽ đi đôi với áp lực công việc, một mức đãi ngộ cực kỳ tốt (lương 20 triệu đồng) tất yếu đi kèm với những áp lực công việc lớn mà đôi khi thật khó để bản thân đáp ứng nổi".

Trong khi đó, Phương Thanh bộc bạch: "Trước khi ra trường, mình mong muốn sẽ có công việc tương lai trong các tổ chức quốc tế, phi chính phủ.

Trong 4 năm học đại học, mình cũng đi làm thêm kha khá và đặt mục tiêu lương khởi điểm 10+, không làm thêm ngoài giờ nhiều, được nghỉ cuối tuần, có ngày phép theo từng tháng, có thưởng theo dự án, thậm chí thưởng tháng 13… Bây giờ, mình đã ra trường và có việc làm trái ngành nhưng đãi ngộ lại đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, mình vẫn luôn chờ cơ hội để sau này được làm đúng chuyên ngành đại học mình đã theo học".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm