Nhảy việc chỉ khiến Gen Z cảm giác kiệt sức, không giúp giải tỏa áp lực
(Dân trí) - Trào lưu "Sự từ chức vĩ đại" dẫn đến tình trạng những người trẻ cảm thấy kiệt sức với công việc hiện tại và quyết định nhảy việc chỉ nhằm giải tỏa áp lực.
Theo cuộc khảo sát Gen Z và Millennial năm 2022 của Deloitte Global, tình trạng kiệt quệ cả về sức lực lẫn tinh thần (burnout) chính là lý do hàng đầu khiến người trẻ nghỉ việc hàng loạt.
Theo đó, 40% Gen Z (19-24 tuổi) và 24% Millennial (28-39 tuổi) muốn rời bỏ công việc trong vòng hai năm qua. Deloitte cho rằng đây sẽ tiếp tục là "một vấn đề lớn đối với các nhà tuyển dụng", vì khoảng 46% Gen Z và 45% Millennial được khảo sát cho biết họ cảm thấy kiệt sức do môi trường làm việc.
Tiến sĩ Natalie Baumgartner, một nhà tâm lý học và chuyên gia hành vi tại nơi làm việc cho biết: "Khi tình trạng thiếu lao động tiếp tục diễn ra, nhân viên đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong công việc, điều này cản trở sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".
Thế hệ trẻ hy vọng sẽ tìm thấy một nền văn hóa công sở phù hợp hơn, có thể giúp làm giảm bớt tình trạng kiệt sức hiện tại. Song, liệu rằng nhảy việc có phải là giải pháp tốt nhất không?
Theo Tiến sĩ Katrina Gisbert-Tay - bác sĩ y khoa được đào tạo về tâm lý học và huấn luyện viên sức khỏe tại The Coach Partnership, bỏ việc chỉ trở thành giải pháp tốt nhất trong môi trường làm việc độc hại.
Giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Cornell (Mỹ) Vanessa Bohns cho rằng, nghỉ việc không giúp ích nhiều như mọi người vẫn nghĩ.
"Nhiều người nói rời bỏ công việc hiện tại là cách duy nhất để thoát khỏi sự mệt mỏi, căng thẳng. Họ thừa nhận rằng một lịch trình làm việc linh hoạt, tuần làm việc ngắn, nghỉ phép dài là những điều không tồn tại trong công việc hiện tại. Vì vậy, cách duy nhất để thay đổi tình hình là tìm việc mới".
Những điều này phổ biến đến mức một số xem đó là điều đương nhiên của cuộc sống đi làm. Bởi thế, dù có một công việc mới thì họ vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi như trước.
Thay vào đó, nhân viên nên cân nhắc đặt ra các ranh giới giữa công việc và cuộc sống, Gisbert-Tay nói thêm.
"Bỏ cuộc lúc nào cũng dễ dàng hơn là tìm hiểu những gì đang thực sự xảy ra. Bất kể bạn làm ngành gì, công việc gì, vẫn luôn có một kịch bản chung. Công ty của bạn ở đâu? Những yêu cầu công việc mà bạn cần phải thực hiện là gì? Bạn định chăm sóc bản thân ra sao?... là những câu tôi thường hỏi khách hàng. Chúng có giá trị hơn là hỏi họ có muốn nghỉ việc hay không".
Cách để phục hồi sau kiệt sức
Thay vì coi các dấu hiệu kiệt sức như tín hiệu để rời bỏ công việc, bạn nên cân nhắc những giải pháp khắc phục.
Sắp xếp lại mọi thứ
Nếu bạn cảm thấy kiệt sức và muốn bỏ việc, Bohns khuyên bạn nên suy nghĩ về những thỏa thuận "giúp bạn hạnh phúc hơn ở vị trí hiện tại" và đề xuất với sếp của mình.
Theo nghiên cứu với hơn 14.000 người tham gia, bà Bohns phát hiện ra rằng mọi người có "cái nhìn bi quan quá mức" về khả năng được sếp chấp nhận các yêu cầu đưa ra.
"Nếu bạn đã sẵn sàng rời đi thì không có gì nhiều để mất và có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên trước phản hồi đó". Baumgartner cũng nhấn mạnh rằng những người lao động trẻ "phải chủ động lên tiếng, đấu tranh cho quyền lợi của mình", thay vì "tự làm khó bản thân".
Tìm ra các giải pháp và cơ hội để chia sẻ ý kiến với cấp trên để có thể giải quyết gọn ghẽ áp lực phải bỏ việc. Song, các nhân viên vẫn có thể rời đi nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp một công ty biết lắng nghe, công nhận và khắc phục để cải thiện những điểm không vừa lòng của nhân viên.
Biết giới hạn của bản thân
Theo Gisbert-Tay, một phần quan trọng của việc vẽ ra ranh giới là khám phá giới hạn bản thân. "Ví dụ, sẽ có lúc sếp của bạn cần thứ gì đó vào lúc 7 giờ sáng ngày hôm sau nhưng có những lúc điều đó trở nên quá sức đối với bạn".
Giới hạn là khác nhau tùy từng người và nó sẽ thay đổi theo thời gian. Để đối phó với cảm giác quá tải trong công việc, Gisbert-Tay cũng khuyên những người lao động trẻ nên dành thời gian cho bản thân.
"Dành 30 phút để xem qua lịch trình, liệt kê ra những thứ bạn cần ưu tiên, điều đó thực sự quan trọng. Bạn có thể có một triệu thứ trong lịch trình của mình, nhưng sẽ chỉ có 5 thứ cần thực hiện ngay".
Phục hồi chủ động
Bohns cho biết khi kiệt sức, bạn nên xin nghỉ phép và sử dụng thời gian đó để tham gia vào việc "phục hồi chủ động".
"Kiệt sức khiến chúng ta cảm thấy mọi thứ thật mệt mỏi. Phục hồi chủ động thông qua các hoạt động như gặp gỡ bạn bè, dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên và hoàn thành các mục tiêu cá nhân; nó sẽ giúp tái tạo năng lượng để giảm bớt cảm giác kiệt sức".
Đối với Gisbert-Tay, giấc ngủ là "liều thuốc cho sức khỏe" và ngủ đủ giấc là "liều thuốc giải độc cho chứng kiệt sức".
"Hành trình trong ngày của bạn bắt đầu từ đêm hôm trước. Ngủ đủ giấc có tác động rất lớn đến tâm trạng, mức năng lượng, sự minh mẫn và cách bạn đưa ra quyết định".