DNews

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời?

Dĩ An

(Dân trí) - Một số người cho rằng, việc quy định khách đến dự đám cưới mặc màu xanh navy, be và ghi là khá khắt khe, khó phối đồ.

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời?

Sau lễ cưới tại quê nhà, Quang Hải và Chu Thanh Huyền tiếp tục tổ chức tiệc tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội với sự góp mặt của bạn bè thân thiết vào ngày 6/4. Kể từ khi hình ảnh thiệp cưới được hé lộ, cộng đồng mạng liên tục bàn tán về dress code (quy định trang phục) dành cho khách mời.

Cụ thể, thiệp mời nêu rõ khách tham dự mặc trang phục mang tông xanh navy, be hoặc ghi. Trong khi đó, những màu đen, trắng, hồng pastel, xanh pastel được cho là không phù hợp.

Chính điều này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội. Bởi những màu được phép mặc thường khó phối đồ. Hơn nữa, những ai muốn che khuyết điểm cơ thể sẽ khó có sự lựa chọn trong số các màu nằm trong quy định.

Đứng trước luồng ý kiến tranh cãi, một số người bênh vực cô dâu và chú rể khi cho rằng, đây là bữa tiệc cưới riêng tư, chỉ có bạn bè thân thiết mới góp mặt. Do đó, việc tuân theo quy định trang phục trên là không thành vấn đề với khách.

Hơn nữa, những ai thân thiết với cặp đôi cũng biết, họ đặc biệt yêu thích xanh navy - tông màu được sử dụng xuyên suốt trong lễ ăn hỏi, đám cưới trước đó.

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời? - 1

Thiệp cưới vào ngày 6/4 của Quang Hải nêu rõ dress code cho khách tham dự là xanh navy, be và ghi (Ảnh: Linh Lê Chí).

Dress code dần phổ biến trong tiệc cưới ở Việt Nam

Theo tạp chí Vox, dress code đã xuất hiện nhiều thế kỷ trước. Khi đó, những quy định được đưa ra nhằm mục đích duy trì trật tự xã hội, ngăn chặn ai đó tự nhận mình là thành viên của một tầng lớp khác, để che chở cho phụ nữ...

Khi xã hội càng phát triển, dress code thường được áp dụng trong môi trường giáo dục, công sở. Ngày nay, những quy định ăn mặc còn phổ biến trong những bữa tiệc lớn hay đám cưới.

Thông thường, những đám cưới ở phương Tây yêu cầu khách mời tuân thủ dress code theo hình dáng trang phục thay vì chú trọng đến màu sắc. Chẳng hạn, black-tie (nam mặc tuxedo, nữ diện váy dài đến sàn không để lộ mắt cá chân, làm bằng chất liệu lụa hay organza), formal (trang trọng), casual (trang phục thường ngày) hoặc festive (trang phục lễ hội)... là những kiểu dress code được sử dụng phổ biến hiện nay.

Khoảng 5 năm trở lại đây, yêu cầu trang phục cho khách dự đám cưới bắt đầu rộ lên ở Việt Nam. Những ngôi sao nổi tiếng thường đề cập đến dress code trong thiệp cưới. Tuy nhiên, yếu tố được quan tâm chỉ là màu sắc.

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời? - 2
Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời? - 3

Trước đám cưới Quang Hải - Chu Thanh Huyền, Văn Hậu - Doãn Hải My cũng yêu cầu khách tham dự mặc trang phục tông hồng pastel, xám và be. Đám cưới "khủng" của cặp sao Diệu Nhi - Anh Tú quy tụ dàn khách mời diện hồng và đen. Puka và Gin Tuấn Kiệt cũng không thể quên dặn khách tuân thủ dress code là nude, nâu và san hô trong ngày trọng đại.

Không chỉ phổ biến trong giới người nổi tiếng, dress code cũng dần được áp dụng đối với đám cưới của các cặp đôi trẻ. "Thế đám cưới có yêu cầu ăn mặc gì không?" là câu hỏi phổ biến của nhiều người trẻ khi nhận được thiệp mời từ bạn bè.

Điều này trở nên phù hợp khi việc tổ chức đám cưới riêng tư (chỉ có bạn bè thân thiết, không có người lớn, họ hàng...) ngày càng được giới trẻ Việt ưa chuộng.

Không gian cưới lãng mạn trên bãi biển hay ấm cúng trong nhà hàng nhỏ tạo điều kiện để cô dâu và chú rể thoải mái đặt ra dress code. Ngược lại, phía khách mời cũng dễ dàng đón nhận những yêu cầu này.

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời? - 4

Khách mời được yêu cầu mặc trang phục đen, hồng trong đám cưới của Diệu Nhi - Anh Tú (Ảnh: Chụp màn hình).

Mới đây, thiệp cưới của siêu mẫu Minh Tú cũng gây chú ý khi yêu cầu khách mời mặc màu đen. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là cô có thêm yếu tố "trang trọng" trong phần dress code.

Yếu tố này khá "tiệm cận" với cách những chủ tiệc cưới ở phương Tây hay quy định cho khách. Khi nhìn vào tấm thiệp, người được mời cưới sẽ biết bản thân cần chọn trang phục như thế nào để phù hợp với không gian lẫn ý đồ của nhân vật chính.

Dress code có cần thiết trong đám cưới?

Minh Tú chia sẻ với giới truyền thông rằng, việc cô yêu cầu khách mời mặc trang phục đen nhằm tôn trọng người tham dự, giúp họ dễ phối đồ, trông nổi bật trong không gian ngập hoa. Hơn nữa, việc khách diện tông đen cũng góp phần tạo điểm nhấn cho cô dâu và chú rể.

Thực tế, ý kiến của nữ siêu mẫu đưa ra cũng trùng khớp với một trong những yếu tố tờ The New York Times đề cập đến khi bàn luận về vấn đề dress code ở đám cưới. Theo đó, việc ghi rõ ràng quy định trang phục ở thiệp cưới được cho là cần thiết để tạo nên tính thẩm mỹ tổng thể, nâng cao sức hấp dẫn thị giác cho ngày đặc biệt.

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời? - 5

Việc nêu rõ dress code có thể giúp khách mời đỡ bối rối hơn trong khâu chọn trang phục, hiểu đúng chủ đề bữa tiệc (Ảnh: Knot).

Điều này cũng giúp tạo ra những bức ảnh cưới đẹp, đồng bộ. Việc khách mời ăn mặc phù hợp và có phong cách giống nhau thường tạo ra cảm giác gắn kết. Từ đó, chính khách mời cũng góp phần vào việc củng cố chủ đề đám cưới, thoải mái hòa mình vào không khí bữa tiệc.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng chứng minh về sự cần thiết của dress code trong đám cưới là làm giảm sự bối rối và bất an cho khách khi chọn trang phục để đi dự tiệc.

Việc có quy định về trang phục có thể đơn giản hóa đáng kể quá trình ra quyết định cho họ. Điều này đảm bảo mọi người cảm thấy thoải mái và ăn mặc phù hợp trong đám cưới.

Nếu không có yêu cầu trang phục, khách tham dự thường dễ nhầm lẫn về việc nên mặc gì. Trong đó, "ăn mặc để gây ấn tượng" là một trường hợp điển hình. Thực tế, việc khách mời mặc đồ nổi bật hơn cô dâu hay chú rể không phải là trường hợp hiếm gặp.

Nhược điểm khi yêu cầu dress code

"Chín người mười ý" và việc quy định trang phục cho khách tham dự cưới cũng không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều. "Bày đặt đưa ra dress code nọ kia", "Đã đi cưới rồi còn phải mặc theo quy định"... là những góp ý phổ biến.

Khi nhiều người vui vẻ với yêu cầu trang phục, một số khách mời lại tỏ ra khó chịu khi họ bị giới hạn về quyền tự do. Việc áp đặt quy định có thể khiến khách không thể hiện được phong cách cá nhân hoặc mặc trang phục khiến họ cảm thấy thoải mái. Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với những người có tủ quần áo hạn chế.

Vì sao đám cưới Quang Hải có quy định trang phục cho khách mời? - 6

Đôi khi, khách mời tỏ ra khó chịu với quy định trang phục cô dâu, chú rể đề ra (Ảnh: Dee Myers).

"Trong một số trường hợp, khách mời có xu hướng từ chối thiệp mời đám cưới do những hạn chế của quy định về trang phục, dẫn đến lượng người tham dự giảm và gây thất vọng cho cả cặp đôi lẫn khách mời của họ.

Ngoài ra, việc thực hiện quy định nghiêm ngặt về trang phục có thể tạo ra bầu không khí trang trọng nhưng cứng nhắc, làm giảm tính chất ăn mừng và vui vẻ của sự kiện", cây bút của tạp chí cưới nổi tiếng Brides đưa ra lưu ý.

Để tránh những nhược điểm tiềm ẩn, các cặp đôi phải cân nhắc cẩn thận liệu quy định về trang phục cưới có cần thiết cho ngày trọng đại của mình hay không. Hơn nữa, chủ nhân bữa tiệc cũng cần đảm bảo rằng, quy định về trang phục phải rõ ràng, dễ hiểu và có tính đến sở thích cũng như nền tảng văn hóa từ khách mời.