Từ chối cũng là một nghệ thuật, đừng làm người khác tổn thương

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Chẳng ai dễ chịu với việc bị từ chối, nhưng chúng ta có thể làm việc đó một cách tinh tế và khéo léo để đối phương cảm thấy đỡ tổn thương nhất.

Dưới đây là 3 lời khuyên của Thema Bryant - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pepperdine. 

Càng sớm càng tốt

Nếu những cuộc gọi và tin nhắn của một người ngày càng khiến bạn không thoải mái, tên của một người xuất hiện trên điện thoại khiến bạn mệt mỏi và muốn lảng tránh, thì đã đến lúc bạn chấm dứt mối quan hệ với người ấy.

Bryant khuyên: "Nếu bạn cảm thấy không ổn với mối quan hệ và không thể duy trì nó thêm nữa, thì hãy nói ra cảm xúc của mình càng sớm càng tốt".

Từ chối cũng là một nghệ thuật, đừng làm người khác tổn thương - 1

Nếu thấy đã mệt mỏi, nên nói thẳng càng sớm càng tốt, thay vì né tránh (Ảnh: Getty Images).

Nói ra trực tiếp là điều vô cùng khó khăn, nhất là với những người có tính cả nể và không thích xung đột. Tuy nhiên, việc nói ra thật lòng những cảm xúc của mình là một cách để tôn trọng đối phương.

"Nhiều người không muốn làm tổn thương người khác nên họ lựa chọn tránh né vấn đề. Họ xử sự một cách tồi tệ, gửi đi những tin nhắn không rõ ràng để đối phương tự hiểu ra. Tuy nhiên, khi chúng ta tránh mặt họ, tránh né vấn đề thì cũng là lúc ta làm họ tổn thương sâu sắc hơn", Bryant chia sẻ.

Hãy dứt khoát

Dù là tình bạn hay tình yêu, khi đã quyết định chấm dứt một mối quan hệ thì hãy dứt khoát. Không nên tiếp tục duy trì quan hệ kể cả khi đối phương mang đến lợi ích cho bạn.

Theo Bryant, điều này giống như việc tránh mặt họ khi có việc bận nhưng lại chủ động liên lạc mỗi khi buồn chán. Một khi muốn kết thúc quan hệ với ai đó, chúng ta cũng cần kiên trì với quyết định của mình, đừng liên lạc nữa.

Đừng bới móc sai lầm

"Không cần phải liệt kê tất cả sai lầm của đối phương nếu bạn không có nhu cầu hàn gắn mối quan hệ", Bryant cho hay. Thay vì chì chiết những sai lầm, khuyết điểm chúng ta có thể nói về điều đó một cách tinh tế và chừng mực để họ hiểu hơn về tình trạng của mình.

Mặt khác, chúng ta cũng nên dành sự biết ơn nhất định dành cho họ vì những khoảnh khắc vui vẻ khi cả hai còn bên cạnh nhau. Chẳng hạn như: "Cảm ơn bạn vì đã luôn bên tôi những lúc vất vả khó khăn. Tôi rất biết ơn sự xuất hiện của bạn".

Tuy nhiên, bạn cũng cần nói cho họ biết về những lý do khiến bạn không nhìn thấy tương lai của mối quan hệ này.

Như nhà tâm lý Bryant đã gợi ý, bạn nên có một cuộc trò chuyện rõ ràng, tổng thể với đối phương. Nên cảm ơn và đánh giá cao họ vì những trải nghiệm hai bên đã có với nhau, đồng thời nêu rõ lý do không thể tiếp tục.

Theo www.cnbc.com