Thế hệ trẻ ở Nhật Bản phấn đấu nghỉ hưu trước tuổi 40
(Dân trí) - Nếu ở Thế hệ X (sinh năm 1965-1980), người Nhật bất chấp kiên trì công việc vì lương hưu thì tới Gen Y (SN 1980-1996) và Gen Z (SN 1997-2012), giới trẻ lựa chọn con đường hoàn toàn ngược lại.
Cần tiết kiệm tiền tỷ để an hưởng tuổi già
"Khi mới tốt nghiệp, ước mơ của tôi là tìm được công việc phù hợp và theo đuổi đến hết tuổi lao động, lĩnh lương hưu và tận hưởng tuổi già", Okeydon (47 tuổi) nhớ lại.
Giống như Okeydon, phần lớn Thế hệ X (thế hệ ra đời trong những năm 1965 - 1980), tại Nhật Bản đều có chung một mục tiêu là lương hưu. Họ tin rằng chỉ cần có nó là đảm bảo tuổi già an yên, không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Trái với mong đợi của Gen X, vào năm 2019, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản ước tính, một cặp vợ chồng công chức về hưu sẽ cần nhiều lương hưu tối thiểu 20 triệu yên (khoảng 4 tỷ đồng). Nguyên nhân là tuổi thọ trung bình gia tăng, dự đoán lên 95 năm.
Điều này đồng nghĩa với việc, một người có lương hưu cũng vẫn thiếu 10 triệu yên (tương đương 2 tỷ đồng) để đảm bảo độc lập về tài chính.
Chưa hết, kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra trong những năm 1990, thị trường lao động Nhật Bản càng trở nên tàn nhẫn. Bất chấp người lao động Nhật Bản tận trung tận tụy đến mức nào, họ vẫn luôn trong nguy cơ bị sa thải. Một khi mất việc làm, lương hưu cũng "theo gió bay đi".
Lật đổ "truyền thống lao lực"
Gen Y (thế hệ ra đời trong những năm 1980-1996) ở Nhật Bản ra đời và lớn lên trong nền kinh tế khủng hoảng và hậu khủng hoảng. Họ chứng kiến nỗ lực bám trụ công việc bất thành của thế hệ cha mẹ, thấu hiểu thực trạng khắc nghiệt và kiên quyết lật đổ "truyền thống lao lực" này.
Thập niên 2010, Gen Y Mỹ khởi xướng phong trào Độc lập tài chính - Nghỉ hưu sớm (thường gọi là FIRE - viết tắt của "Financial Independence - Retire Early"). Thế hệ này kêu gọi: thay vì hết lòng với một công việc hay một ông chủ thì hãy tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho bản thân và tiết kiệm một cách "điên cuồng".
Bằng cách này, Gen Y sẽ sớm sở hữu được khoản tiền riêng khá khẩm và đáng tin gấp nhiều lần lương hưu. Nếu nhanh nhẹn, họ có thể không phải đến công ty làm việc từ tuổi 30.
Trong khi Gen Y tại Mỹ hiếm người thực hiện thành công FIRE thì các Gen Y Nhật Bản dễ dàng chinh phục trào lưu này.
Gen Y Nhật Bản đặt ra mục tiêu và lợi nhuận rõ ràng: 25x và 4%. Trong đó, 25x là tổng số tiền cần tiết kiệm đủ trước khi bỏ việc, còn 4% là lãi suất thu được nếu đem 25x đi đầu tư.
Phấn đấu nghỉ hưu trước 40 tuổi
"Tôi không muốn phải làm việc tại công ty cả đời nên đã FIRE ngay từ khi mới đi làm", Yuiki Hotaka (30 tuổi) chia sẻ. Anh từng là nhân viên của công ty con thuộc Tập đoàn Mitsubishi, Nhật Bản, nổi tiếng là một người đi sớm về khuya và sẵn sàng cống hiến sức lực cho công việc.
Tuy nhiên, mục tiêu của Hotaka không phải thái độ hài lòng của chủ lao động mà là số tiền tích lũy. Anh cắt giảm nhu cầu sống xuống mức tối thiểu, nước uống tự mang từ nhà đi chứ không mua nước đóng chai. Kết quả, sau nửa thập niên, Hotaka tiết kiệm được 70 triệu yen (tương đương 14,4 tỷ đồng).
Với số tiền tích lũy tương đối lớn, Yuiki Hotaka chia ra đầu tư chứng khoán. Anh chỉ chọn mua cổ phiếu của những công ty, tập đoàn giàu tiềm năng để đảm bảo 4% an toàn.
Ngay trong năm đầu tiên, đầu tư đã giúp Hotaka thu về khoảng 200.000 yên/tháng (tương đương 41 triệu đồng). Với thu nhập mới này, Hotaka tự tin xin nghỉ việc, về quê thuê nhà rẻ và tận hưởng cuộc sống an nhàn ở tuổi 29 tuổi.
Khác với Hotaka, Okeydon cần mẫn làm việc cho công ty suốt 15 năm. Tuy nhiên, anh đã không được tăng lương mà còn rơi vào tình cảnh sẽ bị cắt giảm 20% vì tuổi tác.
Thất vọng, Okeydon từ bỏ nỗ lực bám trụ. Nhờ tiết kiệm và đầu tư cổ phiếu từ năm 25 tuổi, anh đã nhanh chóng khiến số tiền tích lũy "nở phồng". Mùa thu năm ngoái, tài sản của anh đã tròn 100 triệu yên (khoảng 20 tỷ đồng), cho phép Okeydon tạm biệt những tháng ngày vất vả vô vọng.
Trong khi Okeydon tự nguyện nghỉ hưu sớm khá muộn, Gen Z (thế hệ ra đời trong những năm 1997-2012) và Gen Y đặt mục tiêu "công thành danh toại" trước khi bước sang tuổi 40.
Theo báo cáo thu nhập vào năm 2020 tại Nhật Bản, GDP bình quân của quốc gia này là 4,57 triệu yên/người/năm (tương đương 943 triệu đồng). Chia ra, thu nhập hàng tháng trung bình rơi vào khoảng 380.000 yên/người/tháng (tương đương 78 triệu đồng).
Giới trẻ Nhật Bản chấp nhận mức sống tối thiểu từ 30.000 đến 50.000 yên/tháng (tương đương 6-10 triệu đồng). Nếu nghiêm ngặt tiết kiệm, họ sẽ mất khoảng 4-5 năm là có số tiền tích lũy từ 15 triệu yên trở lên, nhờ đó thoải mái nghỉ việc sớm, thậm chí còn trước cả tuổi 30 giống như Yuiki Hotaka.
Rủi ro từ lối sống tự lập tài chính
"Ngoài ra, vẫn có những lo lắng về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán", Hotaka cho biết. Danh mục đầu tư của anh đã bị ảnh hưởng đáng kể khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào năm ngoái, do nhà đầu tư hoảng loạn bán ra vì đại dịch, nhưng anh đã nhanh chóng bù đắp khoản lỗ của mình bằng cách đầu tư chủ yếu vào chứng khoán Mỹ trong thời kỳ suy thoái.
Ông Shunsuke Yamazaki, một chuyên gia lập kế hoạch tài chính, người thường xuyên viết về phong trào FIRE ở Nhật Bản, cho rằng, nguyên nhân phát triển trào lưu này đến từ nỗi sợ lâm vào cảnh nghèo khó của giới trẻ Nhật Bản khi công việc làm cố định biến mất và việc tăng tiền lương bị hạn chế.
Tuy nhiên, để sống theo trào lưu FIRE không đơn giản và trào lưu này không dành cho tất cả mọi người.
Giáo sư Yuki Honda (Đại học Tokyo), một chuyên gia về thị trường lao động trẻ cho biết: "Tôi hiểu sự hấp dẫn của việc không phải lo lắng về công việc và tài chính, nhưng tôi không nghĩ FIRE là một lối sống mà nhiều người có thể áp dụng. Lao động trẻ cần có một lượng kiến thức tương đối về thị trường tài chính để việc thực hành mang lại kết quả".