Thanh niên Mỹ bỏ việc ở mức cao kỷ lục sau đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Sau những tác động của đại dịch, nhiều người trẻ Mỹ sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại để hưởng thụ cuộc sống tự do và sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên.
30 triệu người Mỹ đã bỏ việc trong năm 2021
Sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào năm ngoái, Josie (19 tuổi) tìm được việc làm đầu tiên là nhân viên hỗ trợ kỹ thuật. Mặc dù tính chất công việc có thể hoàn thành từ xa, các nhà quản lý vẫn yêu cầu cô phải đến văn phòng bất chấp sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19.
Ban đầu, sếp và đồng nghiệp của Josie đều đeo khẩu trang khi ở công ty. Sau khi quy định phòng dịch của địa phương được gỡ bỏ, mọi người cũng ngừng luôn các biện pháp bảo vệ bản thân.
Josie vừa chuyển đến nhà mới cùng chồng và cả hai đều có sức khỏe kém, dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Là người kiếm tiền chính trong nhà, Josie cảm thấy lo lắng khi tiếp xúc với mọi người ở văn phòng.
Trong bối cảnh biến thể Delta tăng mạnh ở Mỹ vào tháng 8/2021, Josie cuối cùng đã xin nghỉ việc. Cô là một trong 4,3 triệu người lao động Mỹ tự nguyện thôi việc chỉ trong tháng đó.
Theo công bố của Bộ Lao động Mỹ, đây là con số kỷ lục kể từ khi Chính phủ bắt đầu theo dõi tỷ lệ chuyển đổi việc làm hàng tháng trong hơn 2 thập kỷ qua. Từ đầu năm đến tháng 8/2021, ít nhất 30 triệu người Mỹ đã bỏ việc.
Sự rung chuyển của thị trường lao động do đại dịch có thể gây ra những dư chấn bất ngờ trong nhiều năm tới. Điều này đúng với những người mới vào nghề như Josie hoặc đã trải qua phần lớn thời gian làm việc dưới sự căng thẳng của Covid-19.
Nhiều người trong số này cho biết trải nghiệm tồi tệ trong đại dịch khiến họ nhận ra những điều cần ưu tiên của mình và rời bỏ công việc hiện tại là điều nên làm.
Cảm thấy mệt mỏi
Alex (27 tuổi, sống tại Washington) là chuyên viên marketing tại một công ty công nghệ tại thành phố Boston từ lúc tốt nghiệp đại học đến đầu tháng 10/2021.
Trong suốt thời gian dài làm việc ở đây, cô chưa từng nghĩ mình sẽ xin nghỉ qua email. Alex cho hay, trước đại dịch Covid-19 bùng phát, văn hóa của công ty khá thoải mái cho đến khi chuyển sang hình thức làm việc tại nhà từ tháng 3/2020.
Sự bùng nổ về doanh số bán hàng đã khiến các nhân viên phải liên tục hoạt động, mọi người trong nhóm nhắn tin, trao đổi công việc mọi lúc. Khi một đồng nghiệp rời công ty, khối lượng công việc của Alex tăng gấp đôi mà không được trả thêm tiền.
Cô gái tìm đến những người khác để được giúp đỡ nhưng ai cũng cùng cảnh ngộ. Đây là công việc duy nhất mà cô có từ sau khi ra trường nên Alex không nhận ra mức độ quá tải của mình. Cô chỉ biết được điều này khi nói chuyện với bạn bè ngoài công ty.
"Bỏ việc giúp tôi thực sự thấy nhẹ nhõm, tự do và có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn", Alex nói.
Cô dự định dành vài tháng để thư giãn bên gia đình trước khi tìm một công việc mới. Alex cũng bắt đầu xem xét lại các kế hoạch đã bị trì hoãn từ lâu do quá bận rộn.
Giống như Alex, Cassie (28 tuổi) cũng từng trải qua tình trạng tương tự khi làm quản lý hồ sơ cho một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Pennsylvania. Sau một thời gian làm thiết kế đồ họa tự do, Cassie gia nhập công ty này vào tháng 7/2019.
Đó không phải là công việc mơ ước của cô nhưng nó có mức lương ổn định. Nửa cuối năm 2020, Cassie nhận ra mình đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng cho nơi này khi phải biến studio tại nhà, vốn được xây dựng để thư giãn và làm nghệ thuật, thành văn phòng tạm thời.
"Đại dịch đã khiến khoảng thời gian tốt đẹp trở nên tồi tệ", Cassie nhớ lại.
Vài tuần trước, cô gái 28 tuổi đã quyết định từ bỏ công việc này. Nhờ chồng có một khoản tiết kiệm riêng, cô thấy may mắn khi vẫn đủ tiền để trang trải sinh hoạt phí trong nhà. Cô hy vọng sẽ tìm được một việc làm vừa sáng tạo vừa ổn định.
Tìm cơ hội mới
Đối với Lloren Zeigler (27 tuổi), nghỉ việc là một cách để lấy lại quyền quản lý thời gian của mình. Rời khỏi vị trí giám đốc sản xuất phim truyền hình vào tháng 12 năm ngoái, Zeigler đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh cùng với người bạn đời.
Cả hai bán hàng ở các chợ địa phương. Việc buôn bán có vẻ bấp bênh nhưng Zeigler đánh giá cao cơ hội này.
"Họ muốn tôi làm việc trong suốt kỳ nghỉ và tôi đã dứt khoát rời đi", cô nói.
Nancy (30 tuổi), một chuyên viên PR sống ở Los Angeles, đã từ chức để tự kinh doanh. Khi làm việc từ xa trong thời gian phong tỏa, cô đã nhận ra mình không cần phải dựa vào một ông chủ để có thu nhập. Vào tháng 10, cô quyết định rời vị trí tại một công ty thu âm nhỏ và đây là lần thứ hai cô bỏ việc trong đại dịch.
"Công việc không phải là cuộc sống của tôi. Tôi sẵn sàng chấp nhận tình trạng thất nghiệp để có thời gian và cuộc sống riêng của mình", Nancy bày tỏ.
Theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ, đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Joseph Brusuelas, nhà kinh tế học, nhận định xu hướng này là một dấu hiệu đáng mừng. Sau cuộc khủng hoảng vì đại dịch, một bộ phận người lao động đã nghỉ việc khi biết rằng họ có thể tận dụng các điều kiện có lợi để tự kiếm tiền.
Ông cũng nói rằng đây là "thời kỳ hoàng kim" với người lao động Mỹ. "Giờ đây, mọi người tự tin rằng họ có khả năng thương lượng để đạt được mức lương hợp lý và điều kiện làm việc mong muốn", Brusuelas nói.
Điều đó đến từ việc họ sẵn sàng bỏ công việc mà họ không thích và tìm kiếm những cơ hội mới. Sự thay đổi này không chỉ tập trung vào kinh tế đơn thuần mà là đánh giá lại một cách tổng quát hơn về chất lượng và mục đích sống.