Thế hệ bỏ phố về quê "ăn bám" cha mẹ ở Trung Quốc

My Nguyễn

(Dân trí) - Áp lực cuộc sống, cộng thêm vật giá leo thang là những lý do khiến nhiều người trẻ Trung Quốc quyết định "bỏ phố về quê" và sống dựa vào cha mẹ.

Theo một nghiên cứu mới đây, có tới gần 1,5 triệu người trẻ Trung Quốc có nguy cơ thất nghiệp và phải về quê sinh sống. Đây là tình trạng đáng báo động, cho thấy giới trẻ cần có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống.

Đứa trẻ "boomerang"

Angela Qian (29 tuổi) giải thích lý do tại sao đến giờ cô vẫn sống với cha mẹ khi đã gần 30 tuổi.

Ở phiên bản thứ nhất, cô cho rằng, mình đang đưa ra những quyết định tài chính hợp lý trong khi cố gắng tìm ra hướng đi cho sự nghiệp của mình.

Năm 2017, Qian tốt nghiệp cử nhân Hành chính công tại Đại học Giao thông Tây Nam, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Sau đó, cô chuyển đến Thâm Quyến và làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Chia sẻ với The China Project, Qian tiết lộ, bản thân cảm thấy không thoải mái về mặt tài chính và thời gian khi làm công việc này.

Thế hệ bỏ phố về quê ăn bám cha mẹ ở Trung Quốc - 1
Nhiều người trẻ cảm thấy kiệt sức với cuộc sống ở các thành phố lớn. (Ảnh: CNA).

Sau khi bỏ công việc trợ lý nhân sự, Qian quay trở về quê nhà tại Panzhihua để sống cùng cha mẹ. Cô tranh thủ phụ giúp gia đình trong khi tìm một công việc mới phù hợp hơn.

Qian tự gọi mình là "người con gái toàn thời gian".

"Tôi chạy việc vặt cho gia đình và đáp ứng những nhu cầu về tình cảm của cha mẹ. Nó giống như một nghề nghiệp thực sự", cô nói.

Ở phiên bản thứ hai - kém lạc quan hơn, cô gái Trung Quốc thừa nhận, tình trạng hiện tại của mình là điều bị soi xét kỹ lưỡng trong các buổi họp mặt gia đình. Người thân cho rằng, cô đang lười biếng và thiếu nghị lực.

"May mắn thay, cha mẹ luôn ở bên giúp đỡ và động viên mỗi khi tôi cảm thấy buồn phiền vì những lời nói đó. Nhưng tôi hiểu lý do tại sao mọi người lại nghĩ như vậy. Đã gần hai năm từ khi trở về nhà, tôi chưa có bất kỳ tiến triển nào trong việc xác định mục tiêu dài hạn của mình", cô chia sẻ.

Giới trẻ ở Trung Quốc, đặc biệt là những người học đại học và đến từ các vùng kém phát triển, thường được khuyến khích rời quê hương, tới những thành phố lớn lập nghiệp.

Việc một người trưởng thành không có việc làm và quay lại "ăn bám" cha mẹ sẽ bị gọi là "đứa trẻ boomerang".

Thế hệ bỏ phố về quê ăn bám cha mẹ ở Trung Quốc - 2
Áp lực cuộc sống và chi tiêu đắt đỏ khiến nhiều người trở thành "đứa trẻ boomerang". (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, hiện nay tại Trung Quốc, tình trạng "boomerang" đang dần trở nên phổ biến. Ngày càng có nhiều người trẻ như Qian lựa chọn về quê sinh sống và cha mẹ họ cũng chấp nhận điều đó.

Nhóm người này tự gọi mình là "con cái toàn thời gian" bởi họ đang làm tròn bổn phận của người con hiếu thảo để đổi lấy cuộc sống miễn phí.

Biao Xiang - giáo sư Nhân chủng học xã hội tại Đại học Oxford, chia sẻ với The China Project: "Hiện tượng này thật ra không mới. Việc chuyển giao tài sản giữa các thế hệ (từ cha mẹ sang con cái) là rất quan trọng đối với người trẻ để có thể xây dựng gia đình riêng của mình".

Bỏ phố về quê

Tháng 7/2022, một báo cáo chỉ ra rằng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên tới 19,9%, cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố chỉ số vào tháng 1/2018 chỉ ở mức 9,6%.

Qian cho biết, cô không phải là "đứa trẻ boomerang" duy nhất. Cô đã nói chuyện với vài người bạn cũ và biết được họ cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Đối với Qian, trước khi tính đến các yếu tố khác, quyết định trở về nhà trước hết có ý nghĩa về mặt tài chính. Khi làm việc ở một công ty công nghệ tại Thâm Quyến, cô kiếm được 7.000 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng) mỗi tháng và một nửa trong số đó dành cho việc thuê nhà.

Dù không tiết kiệm được đồng nào, cô vẫn yêu cuộc sống của mình. Chỗ cô ở còn được gọi là "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc - nơi các nhà hàng và cửa hiệu thời trang "mọc lên như nấm".

Thế hệ bỏ phố về quê ăn bám cha mẹ ở Trung Quốc - 3

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều người trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp và phải về quê sinh sống. (Ảnh: Reuters).

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và cắt giảm nhân sự, Qian đã quyết định thu dọn hành lý trở về nhà.

Qian cho biết, ban đầu khi định về quê, cô sợ cha mẹ sẽ thất vọng và coi mình là kẻ thất bại. Nhưng cha mẹ cô đã nhiệt tình chào đón, ủng hộ khiến cô hết sức bất ngờ.

Huang (33 tuổi) tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2013 và làm việc tại tập đoàn thương mại điện tử. Anh được thăng chức từ kỹ sư trở thành quản lý dự án.

Bất chấp mức lương đáng ghen tỵ cùng những đặc quyền hấp dẫn mà công ty đưa ra, Huang vẫn không cảm thấy thoải mái với công việc của mình. Bởi công việc của anh rất áp lực và liên tục bị thúc ép làm việc.

Sau khi công việc bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Huang phải nghỉ việc và vật lộn để tìm kiếm tình yêu. Anh cũng hiếm khi rời khỏi căn hộ của mình. Điều này càng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và nghi ngờ về tương lai.

Kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, Huang quyết định từ bỏ cuộc sống thành thị và chuyển về Lạc Dương - một thành phố ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - để sinh sống.

Thế hệ bỏ phố về quê ăn bám cha mẹ ở Trung Quốc - 4
Nhiều người trẻ chấp nhận "bỏ phố về quê" với mong muốn có cuộc sống ổn định. (Ảnh: CNA).

Giống như Qian, cha mẹ Huang chào đón nhiệt tình khi thấy anh trở về.

"Họ thấy tôi đã đấu tranh tinh thần nhiều như thế nào và đồng ý rằng đó là quyết định tốt nhất cho tôi", Huang kể.

Không muốn từ bỏ sự nghiệp của mình ở Bắc Kinh, ban đầu Huang chỉ coi đây là giải pháp tạm thời. Nhưng đến hiện tại, anh đang suy nghĩ đến việc sắp xếp cuộc sống ở đây lâu dài.

Giáo sư Biao cho hay: "Ngoài áp lực kinh tế ngày càng tăng và cơ hội việc làm ngày càng giảm ở các thành phố lớn, một số bậc cha mẹ cũng trở nên cởi mở hơn về cách lựa chọn lối sống của con cái họ".

Đối với một số phụ huynh, việc để đứa con duy nhất quay về nhà có thể tốt hơn là góp tiền tiết kiệm mua nhà cho chúng kết hôn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, kỳ vọng của cha mẹ Trung Quốc đối với con cái rất phức tạp.

"Hầu hết cha mẹ Trung Quốc vẫn mong muốn con mình thành công. Nếu con bạn có bằng tiến sĩ, học ngành y, bận rộn với công việc, không muốn kết hôn và muốn sống cùng bạn, bạn coi đây là thất bại hay thành tích?", giáo sư nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm