Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước "gây sốt" trở lại

Dĩ An

(Dân trí) - Nhiều người trẻ Hàn Quốc hiện chen chúc nhau trong không gian chật hẹp để có được khoảnh khắc vui vẻ.

Một nhóm các cô gái cười khúc khích khi đeo thử cặp kính hồng, mũ heo hay tai thỏ. Họ chen chúc trong một gian hàng chụp ảnh, tạo dáng và sau đó ngạc nhiên trước những hình hiện ra bên dưới.

Đó là cảnh quen thuộc diễn ra tại hàng trăm photo booth (bốt chụp ảnh) mới mở ở Seoul, Hàn Quốc. Các cửa hàng chụp ảnh này thường không có nhân viên, gồm 3-6 bốt và mở cửa 24 giờ.

Theo CNN, sau đại dịch, hình thức chụp ảnh này đã được thế hệ Z Hàn Quốc đón nhận nồng nhiệt. Trên các trục đường chính Hongdae - quận sầm uất bậc nhất của thủ đô, chúng được tìm thấy trên mọi dãy phố. Đôi khi, chúng chỉ cách nhau vài bước chân.

Choi Hui Je - sinh viên đại học 20 tuổi - cho biết, anh đến buồng chụp ảnh mỗi khi đi chơi với bạn bè, khoảng 5-7 lần/tháng. Anh cùng bạn đi ăn, hát karaoke, uống cà phê và sau đó là chụp ảnh.

Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước gây sốt trở lại - 1
Choi Hui Je thường đến các bốt chụp ảnh sau mỗi buổi đi chơi. (Ảnh: CNN).

Trong khi đó, Jenny Dall'alba (19 tuổi) - sinh viên ở thành phố Busan - ước tính cô đã đi chụp ảnh theo kiểu này hơn 70 lần vài năm qua.

"Đây không phải là mốt nhất thời. Nó như thói quen mình thực hiện cùng với bạn bè mọi lúc", cô nói.

Mô hình "bình cũ rượu mới"

Nhiều người trên khắp thế giới đã có trải nghiệm tương tự. Vào đầu những năm 2000, nó trở nên phổ biến nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Thời điểm đó, các phiên bản nhãn dán sinh động được "thèm muốn" nhất.

Nhưng hai thập kỷ sau, trong thời đại truyền thông xã hội và hậu đại dịch, các gian hàng chụp ảnh cũng trở nên hiện đại. Ánh sáng được đầu tư chỉn chu hơn. Các tính năng về khung thời gian cũng là yếu tố thu hút.

Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước gây sốt trở lại - 2
Một studio chụp ảnh ở khu phố Itaewon, Seoul. (Ảnh: Charlie Miller).

Với hơn 245 địa điểm ở khu vực thủ đô Seoul và 200 điểm khác trên toàn quốc, Life4Cuts chiếm thị phần lớn trên thị trường. Thương hiệu này ước tính có 2 triệu người ghé thăm studio mỗi tháng.

Trên Instagram, hơn 1,1 triệu bài đăng với hashtag #Life4Cuts được công khai bởi những người có sức ảnh hưởng lớn hay các ngôi sao Kpop nổi tiếng. Họ tạo các dáng theo hướng dẫn trên video TikTok hoặc làm giống những động tác nổi tiếng của nhân vật anime.

Choi Hui Je thích làm lại các biểu cảm của nhân vật hải ly hồng Zanmang Loopy trong bộ phim hoạt hình Hàn Quốc Pororo the Little Penguin năm 2003.

Dall'alba cho biết, cô thích sáng tạo bằng cách chọn các đạo cụ và khung hình khác nhau. Bạn bè của cô thích tạo dáng với các thành viên nhóm nhạc Kpop. Do đó, họ thường bị cuốn vào những khung hình, chụp nhiều bức để đảm bảo mình được đứng cùng mọi ngôi sao.

Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước gây sốt trở lại - 3
Các gian chụp ảnh được phân biệt với nhau theo chủ đề hoặc những dải in dán bên ngoài. (Ảnh: Charlie Miller).

Nhiều người dùng mạng bắt đầu làm video ngắn để chia sẻ về cách tạo dáng đẹp ở các photo booth. Đây là những gợi ý để mọi người có thể tham khảo vào lần chụp tiếp theo.

70.000 đồng đổi lấy nụ cười

Các chủ doanh nghiệp chia sẻ với CNN rằng, mở bốt chụp ảnh là cơ hội đầu tư an toàn.

Kim Joo Hyun đã mở studio Life4Cutstại Busan vào năm 2020. Khi đó, anh gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch.

Không cần giấy phép để hoạt động, anh đã mở cửa hàng trong vòng chưa đầy một tháng. Khoản tiền đầu tư phải bỏ ra là 180 triệu won (3,2 tỷ đồng).

Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước gây sốt trở lại - 4
Không gian các bốt chụp rộng rãi hơn so với những năm 2000. (Ảnh: Charlie Miller).

"Việc mở các bốt chụp ảnh không tốn nhiều công sức và tôi đã thấy tỷ suất lợi nhuận là 50%. Tuy nhiên, tôi bắt đầu lo lắng về sự cạnh tranh. Tôi đang tích cực tìm kiếm địa điểm khác để mở thêm", Joo Hyun nói.

Ban đầu, anh khá hoài nghi về việc hình thức chụp ảnh này có phải là mốt nhất thời hay không. Nhưng khi mọi người bắt đầu đưa gia đình, người thân và thậm chí cả chó vào để chụp, anh nhận ra đây là loại hình kinh doanh có thể phát triển lâu dài.

Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước gây sốt trở lại - 5
Thông thường, các gian hàng cung cấp mã QR để khách có thể tải ảnh về máy. (Ảnh: Charlie Miller).

Joo Hyun chia sẻ: "Khi vào đó, khách hàng có thể mua được hạnh phúc nhỏ. Với số tiền 4.000 won (khoảng 70.000 đồng), cuộc sống hàng ngày có thể khó khăn nhưng họ bước ra với nụ cười trên môi".

Khía cạnh hữu hình của các bức ảnh có thể là điều đặc biệt thu hút đối với Gen Z. Như Choi Hui Je, đại dịch đã nhắc nhở anh về cuộc sống quý giá như thế nào.

Trào lưu chụp ảnh trong buồng 20 năm trước gây sốt trở lại - 6
Ngoài đạo cụ, những cửa hàng còn chuẩn bị cả máy duỗi tóc cho khách. (Ảnh: Charlie Miller).

"Chúng tôi biết rõ tuổi trẻ của mình sẽ không kéo dài. Những bức ảnh là để ghi nhớ khoảnh khắc quý giá", nam sinh nói.