Phụ nữ Trung Quốc ghét bỏ giày cao gót vì muốn khẳng định sự tự do

Hà Mi

(Dân trí) - Giờ đây, phụ nữ thích những đôi giày có thể mang để chạy, thể hiện tinh thần tự do và độc lập khỏi quan niệm về vẻ đẹp được định nghĩa bởi đàn ông.

Trong nhiều thế kỷ sau thời Trung Cổ, giày cao gót được coi là biểu tượng của quyền lực và quý tộc ở châu Âu. Vài trăm năm sau, cuộc cách mạng công nghiệp và những chuyển biến trong xã hội đã khiến giày cao gót trở thành một phần của cuộc sống của phụ nữ.

Phụ nữ Trung Quốc ghét bỏ giày cao gót vì muốn khẳng định sự tự do - 1

Giày cao gót từ lâu đã là một món đồ không thể thiếu trong tủ quần áo của phụ nữ (Ảnh: CGTN).

Trong những thập kỷ qua, giày cao gót trở thành một món đồ quan trọng trong tủ quần áo của phụ nữ. Khi mang chúng, người phụ nữ dường như trông mảnh mai, tạo nên nhiều đường cong quyến rũ cho thân thể. Vào thời kỳ vật liệu hiếm hoi, giày cao gót trở thành một món đồ xa xỉ.

Sau công cuộc mở cửa của Trung Quốc, giày cao gót lại trở nên phổ biến vào những năm 80. Đối với phụ nữ thời đó, được sở hữu một đôi giày này là một trong những minh chứng họ đã là một người phụ nữ trưởng thành.

Sự thoái trào của cao gót

Nhưng thời gian trôi qua, sở thích của họ thay đổi, hướng đến những đôi giày tiện dụng và thoải mái hơn như bốt, giày thể thao, giày oxfords và giày lười.

Năm ngoái, trong đợt mua sắm Ngày Độc thân - sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới, Dr.Martens và UGG đứng đầu danh sách bán hàng giày dép nữ. Ngược lại, Daphne - công ty có trụ sở tại Hồng Kông từng thống trị thị trường giày nữ trong nước - báo cáo doanh thu giảm 83% so với năm 2020.

Phụ nữ Trung Quốc ghét bỏ giày cao gót vì muốn khẳng định sự tự do - 2

Doanh thu từ giày cao gót giảm sút trong những năm gần đây (Ảnh: CGTN).

Trong khi đó, các thương hiệu thiết kế cao cấp đã cảm nhận được sự trỗi dậy của giày thể thao, phụ kiến vốn bị cấm xuất hiện trên sàn diễn cách đây nhiều năm. Do đó, họ đã bắt đầu phát triển các mẫu giày của riêng mình. Theo báo cáo của Reuters năm 2018, Gucci, Prada và Balenciaga đang ngày càng dựa vào giày thể thao để tăng trưởng doanh thu.

Christian Louboutin đưa đôi giày thể thao đính pha lê ra thị trường, trong khi Roger Vivier tung ra đôi giày chạy bộ đầu tiên có khóa vuông mang tính biểu tượng của mình vào năm 2018. Jimmy Choo, nổi tiếng với những đôi giày cao gót sẵn sàng trên thảm đỏ, bắt đầu hợp tác với Timberland trong bộ sưu tập giày bốt nạm pha lê vào năm 2020.

Sự thoải mái được ưu tiên

Một số tác phẩm văn học từng mô tả phụ nữ đi giày cao gót là "gợi cảm" và "nữ tính", trong khi những tác phẩm khác cho rằng họ đã khiến phụ nữ sa lầy vào cái bẫy của sự nữ tính rập khuôn.

Christian Louboutin, nhà thiết kế thời trang người Paris của thương hiệu giày cao gót cùng tên, đã nói: "Cốt lõi công việc của tôi không phải là làm hài lòng phụ nữ mà là làm hài lòng đàn ông".

Tuy nhiên, những thái độ này đang thay đổi bởi sự chuyển dịch sang làm việc từ xa do đại dịch. 

Trước đây, phụ nữ được cho là họ phải bị chịu đau đớn để trở nên xinh đẹp. Giờ đây, họ thích những đôi giày có thể mang để chạy mà không bị gò bó. Nó thể hiện tinh thần tự do và độc lập khỏi quan niệm về vẻ đẹp được định nghĩa bởi đàn ông.

Phụ nữ Trung Quốc ghét bỏ giày cao gót vì muốn khẳng định sự tự do - 3

Một nhân viên văn phòng thay giày cao gót thành giày đế bệt ở nơi làm việc (Ảnh: AFP).

Quý cô Han Li vẫn yêu thích giày cao gót. "Tôi đi giày cao gót rất nhiều vì tôi thường ra ngoài gặp khách hàng và tôi muốn trông trang trọng và thể hiện sự tôn trọng, mặc dù nơi làm việc của tôi không có quy định về trang phục."

Đối với cô, nhẹ nhàng dạo bước trong một đôi giày cao gót mỏng manh là một việc mang lại niềm vui. "Những thứ đẹp đẽ mang lại cho tôi cảm giác thích thú, lấn át sự khó chịu và mệt mỏi khi mang chúng".

Nhiều người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z giống như cô ấy, tìm kiếm sự cân bằng giữa thoải mái và thẩm mỹ trong khi làm hài lòng bản thân.

Mo Mo, 26 tuổi, cho biết: "Đi giày cao gót có thể mang lại vẻ ngoài tự tin và thanh lịch nhưng tôi chọn không quá khắt khe với bản thân. Mỗi buổi sáng đi giày cao gót để chen chúc trên tàu điện ngầm là một thảm họa".

Celia, hiện là giám đốc điều hành của một công ty dược phẩm, ngày càng yêu thích giày cao gót thấp và giày thể thao khi bước sang tuổi 40. "Với nhịp sống ngày càng nhanh, đặc biệt là cuộc sống văn phòng, tôi có ít thời gian đến phòng tập thể dục nên tôi thường sử dụng một phần thời gian đi làm để đi bộ. Vậy nên tôi cần một đôi giày thoải mái".

Cô nhận thấy rằng hầu hết các đồng nghiệp nữ trẻ tuổi của cô cũng ít đi giày cao gót hơn trong những năm qua: "Nó thể hiện rằng phụ nữ ngày nay tự tin và quyết đoán hơn khi chọn những gì để mặc".

Trong khi phụ nữ Trung Quốc chuyển sang giày đế bệt nói lên xu hướng ngày càng tăng của phụ nữ phá vỡ các chuẩn mực giới tính, đó cũng là một phần của sự thay đổi trên toàn cầu.

Phụ nữ Trung Quốc ghét bỏ giày cao gót vì muốn khẳng định sự tự do - 4

Diễn viên - biên kịch Yumi Ishikawa, người bắt đầu phong trào chống giày cao gót ở Nhật Bản, tạo dáng cho một bức ảnh khi đi giày thể thao (Ảnh: AFP).

Doanh thu từ giày thể thao vượt qua giày cao gót ở Anh lần đầu tiên vào năm 2016. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, doanh số từ giày cao gót giảm 45% so với năm 2020.

Các diễn viên nữ cũng tham gia vào trào lưu này bằng cách thể hiện sự phản đối với luật không giày đế bệt của Liên hoan phim Cannes. Tại Nhật Bản, phong trào KuToo bắt đầu vào năm 2019 nhằm phản đối quy định bắt buộc đi giày cao gót ở nơi làm việc.

Du Yun, 33 tuổi, từng mơ ước về một đôi giày cao gót ở tuổi thiếu niên và thường đi thử giày của mẹ cô ở nhà. Trong những năm đầu đi làm, cô thường đi giày cao gót như những nữ đồng nghiệp khác: "Chân tôi thực sự rất đau. Nhưng để trông cao hơn, tôi đã chọn cách chịu đựng".

Nhưng bây giờ cô ấy đã gác lại những đôi giày cao gót đó và không bao giờ mua những đôi giày có gót quá 3cm. "Đi giày cao gót mỏng gây ra tiếng ồn khá lớn trên sàn gỗ khiến tôi không muốn đi lại. Hơn nữa, trên tàu điện, chúng khiến tôi dễ ngã vào hành khách phía sau tôi. Tôi đã rất xấu hổ".

Theo cgtn.com